Theo khảo sát học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, HN) trong các môn thi THPT Quốc gia 2019, học sinh tự tin nhất với môn Giáo dục công dân (GDCD). Lí do là đề thi môn này hướng về những tình huống thực tế có thể áp dụng từ chính bản thân mình.
Môn GDCD là môn thi học sinh tự tin nhất, lo lắng với môn Toán và Tiếng Anh
Hội nghị chuyên đề liên quan tới việc chuẩn bị cho học sinh trước thềm kỳ thi THPT Quốc gia 2019 được tổ chức chiều ngày 21/3 tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội).
Hội nghị thảo luận về các vấn đề vướng mắc, giải pháp dạy và học hiệu quả trước kỳ thi quan trọng của học sinh lớp 12.
Mở đầu, các thầy cô giáo và phụ huynh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Các bạn cho rằng thời gian này là khoảng thời gian nhạy cảm, học sinh phải học nhiều môn và kiến thức rất rộng. Một học sinh cho biết rằng em cảm thấy thấy môn Sử rất dài, môn Tiếng Anh khó.
Học sinh đề xuất các thầy cô tạo ra không khí học tập thoải mái nhất, ít gây áp lực cho học sinh, không vì thành tích năm ngoái mà áp lực.
Giáo viên các bộ môn cũng nêu lên vấn đề khó khăn trong công tác giảng dạy và thúc đẩy phong trào học tập.
Từ thực tiễn lắng nghe nhu cầu dạy và học, cả thầy và trò nhà trường đưa ra những giải pháp, bí quyết để giải quyết vấn đề, trong đó có nhiều giải pháp mới mẻ, sáng tạo.
Theo khảo sát từ hơn 300 học sinh, tâm trạng của học trước kỳ thi: phần lớn học sinh cảm thấy lo lắng khi đứng trước kỳ thi mang tính bước ngoặt này.
73,2% học sinh ôn tập kiến thức theo định hướng của thầy cô; 59,2% học sinh tập trung học chắc kiến thức lớp 12 và rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm (chiếm 49,5%).
Khi được hỏi môn thi nào là môn thi học sinh tự tin hay lo lắng nhất, kết quả cho thấy môn Giáo dục công dân được nhiều học sinh lựa chọn là môn thi tự tin nhất.
Khi phỏng vấn sâu học sinh, các em cho biết đây là môn thi thường các câu hỏi là giải quyết tình huống, ứng dụng thực tế nhiều nên cảm thấy ít bị áp lực.
Còn môn học mà học sinh lo lắng nhất là Tiếng Anh (chiếm 58%) và môn Toán (chiếm 54%) lý do bởi vì môn Toán khối lượng kiến thức nhiều, cách ra đề đa dạng, còn môn Tiếng Anh học sinh lo lắng vốn từ vựng ít, e dè với phần bài đọc.
Nhiều giải pháp đa dạng, sáng tạo
Nhằm “Dạy học sao cho học sinh phải học”, cô giáo Cao Thị Ly, tổ Hoá học trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trình bày về giải pháp thi vấn đáp môn Hoá học. Trong kỳ thi học kỳ 1 vừa qua, hình thức thi vấn đáp đã được đưa vào thực tiễn.
Bằng cách thức thi mới mẻ này, thầy cô giáo đã tạo ra sự hứng thú và tinh thần tự giác học tập cho học sinh, thúc đẩy việc học lý thuyết của học sinh ban Khoa học tự nhiên.
Đồng thời cách thức này giúp rà soát và sàng lọc được trực tiếp những học sinh thuộc top nguy hiểm từ đó giáo viên bộ môn có sự phản hồi và kết hợp với giáo viên chủ nhiệm để có biện pháp giúp học sinh tập trung học tập. Học sinh không còn tâm lý ỷ lại vào sự may rủi.
Nhờ đó, kết quả thi của học sinh ở giữa kỳ 2 được nâng cao, một số lớp kết quả thi giữa kì 1 và cuối kỳ 1 đạt tỉ lệ trên trung bình từ 50-60% đã tăng tỉ lệ trên 65% trong kỳ thi giữa kỳ 2.
Học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tự đưa ra giải pháp cho việc học tập của mình trước kỳ thi. Cụ thể, mỗi học sinh còn có thêm một biểu đồ theo dõi kết quả học tập cùng với cách thức riêng của mỗi em để đạt được mục tiêu trong từng giai đoạn ôn thi, giúp các em hiểu rõ bản thân đang ở vị trí nào, khả năng ra sao.
Ngoài ra, các giáo viên cũng đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin, dùng các ứng dụng, mạng xã hội mà học sinh yêu thích để tương tác với học sinh.
“Nhiều học sinh ngại hỏi thẳng thầy cô trên lớp, hoặc trên lớp không có đủ thời gian nên các em thường hay tìm tới sự tư vấn của thầy cô thông qua Facebook, Zalo.
Đây là một kênh tốt để thầy cô giao lưu với học sinh, động viên các em nỗ lực học tập”, cô giáo Trương Thị Thu, tổ trưởng tổ Sử cho biết.
Không tạo áp lực mà thay vào đó là động viên, khuyến khích học sinh là phương pháp được nhà trường nhấn mạnh để giúp học sinh nâng cao hiệu quả học tập trước kỳ thi.