Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, nhiều giáo viên, học sinh còn băn khoăn về một số câu hỏi trong đề thi được cho là chưa chặt chẽ.
Tại buổi chia sẻ thông tin với báo chí trước kỳ thi THPT quốc gia diễn ra ngày 12/6 ở Nghệ An, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, khẳng định đề thì phải tuyệt đối chính xác. Bộ GD&ĐT xác định đề thi là khâu quan trọng, tác động trực tiếp đến thành bại của kỳ thi THPT quốc gia.
Thông tin trong buổi họp báo sau môn thi cuối cùng ngày 24/6, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định kỳ thi đã kết thúc thành công. Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận tranh cãi, băn khoăn nhiều về đề thi có một số câu hỏi được cho là chưa chặt chẽ, dẫn tới nhiều đáp án đúng.
Đề thi ở môn Khoa học xã hội gây tranh cãi
Ở môn Ngữ văn, nhiều giáo viên không tán thành việc sử dùng các từ mượn như “fan”, “Smarphone” và “thấu cảm” trong bài đọc hiểu, được trích từ đoạn văn Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275).
TS Trịnh Thu Tuyết – giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội – cho rằng đoạn văn của tác giả Đặng Hoàng Giang khiến người đọc khó “thấu cảm” vì thiếu logic. Bên cạnh đó, đề thi được nhận xét là an toàn, theo lối mòn, cần “có tầm” hơn.
Ở môn thi Lịch sử, lần đầu câu hỏi được ra dưới hình thức trắc nghiệm, nhiều giáo viên nêu quam điểm có một số câu hỏi chưa chặt chẽ.
Thầy Mai Thanh Sơn – giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk – cho rằng câu 22 ở mã đề 302 “có vấn đề trong việc đặt câu hỏi”, gây khó cho thí sinh. Nhiều giáo viên dạy trường chuyên cũng đồng loạt lên tiếng, tranh luận về đề thi Lịch sử khi một đề thi có thể có 2, 3 đáp án đúng.
Môn thi Giáo dục công dân, một số câu hỏi được cho là khiến học sinh khó tìm ra đáp án. Hoàng Đình Quang – người tốt nghiệp xuất sắc ngành Luật kinh tế thương mại, ĐH Ngoại thương Hà Nội – nhận định hai câu trong đề thi chưa đủ dữ kiện dẫn đến học sinh dễ chọn sai.
Đình Quang cho rằng những vấn đề pháp lý vốn phức tạp, đa dạng và gây nhiều tranh luận, thậm chí giữa chính những người áp dụng, và thực hành pháp luật. Vì vậy, đề thi cần đưa ra thông tin rõ ràng, dễ hiểu.
Đối với môn Địa lý, nhiều giáo viên phán ánh cách ra đề thi trắc nghiệm lần này có thể khiến học sinh thiếu hụt kiến thức và bỏ qua nhiều kỹ năng làm bài, trong đó có kỹ năng vẽ biểu đồ.
Đề thi Khoa học tự nhiên có đảm bảo sự công bằng?
Với các môn khoa học tự nhiên, dư luận băn khoăn về nội dung giữa các mã đề thi không đồng đều về độ khó, có thể dẫn đến không công bằng cho thí sinh.
Theo phân tích của giáo viên hệ thống giáo dục Hocmai.vn, đề thi của tổ hợp khoa học tự nhiên được xây dựng rất công phu. Có 4-5 bộ đề để tạo ra 24 đề cho thí sinh, thường các đề chẵn, lẻ có xu hướng giống nhau. Giữa các mã đề có nhiều dạng bài trùng nhau, khi đó đáp án được đảo lộn.
“Chúng tôi xác định mục tiêu là đề thì phải tuyệt đối chính xác. Đó là trách nhiệm của hội đồng thi, tổ làm đề thi. Vì vậy, Bộ GD&ĐT xác định đề thi là khâu quan trọng, tác động trực tiếp đến thành bại của kỳ thi THPT quốc gia.” Ông Mai Văn Trinh nói trước kỳ thi
Tuy nhiên, theo đánh giá của những giáo viên này, đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên còn một số hạn chế như: Ở đề Vật lý, mức độ phân loại ở vùng thông hiểu và vận dụng chưa rõ ràng. Với đề thi Hóa học, việc sắp xếp thứ tự từ dễ đến khó chỉ có tính tương đối, điều này có thể gây khó cho thí sinh.
Ngoài ra, việc thi liên tiếp 3 môn (kéo dài 150 phút) trong mỗi buổi dẫn đến tình trạng thí sinh mệt mỏi và có thể gian lận.
Cụ thể ở tổ hợp môn, có thí sinh chưa làm xong bài đã ghi đề ra bàn sau đó đến môn tiếp theo không phải môn xét tuyển đại học nên làm qua loa rồi quay trở lại làm tiếp môn trước. Điều đó sẽ không công bằng đối với thí sinh thi khác.
0,25 điểm cũng quyết định đỗ trượt
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu – giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An – nói với một đề thi trắc nghiệm khách quan, dữ liệu được chọn ra phải chính xác, chỉ có một đáp án đúng. Điều tối kỵ của thi trắc nghiệm khách quan là rơi vào tình trạng một câu hỏi có nhiều phương án trả lời.
Một câu hỏi có nhiều đáp án đúng sẽ tạo nên tâm lý hoang mang và gây thiệt thòi cho các em về mặt điểm số khi xét tuyển (0,25 điểm).
Giáo viên này nêu quan điểm rằng: Đừng tưởng 0,25 điểm là nhỏ. Một học sinh đáng ra được điểm 10 nhưng “vướng” vào câu hỏi này có thể chỉ được 9,75. Một học sinh có thể… trượt đại học, thậm chí trượt tốt nghiệp vì dính điểm liệt khi thiếu 0,25 điểm (vì tổng điểm có thể làm tròn).
“Từ đó nhìn lại, trong mỗi kỳ thi, khâu ra đề cực kỳ quan trọng, ban ra đề thi phải được chọn lựa kỹ càng. Đó phải là những chuyên gia hàng đầu của bộ môn, có kinh nghiệm giảng dạy.
Đặc biệt, họ phải có tinh thần phản biện đề, phản biện đáp án. Họ phải là những giáo viên thật sự có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết và bản lĩnh về mặt khoa học để hạn chế những tranh cãi không đáng có”, ông Hiếu nói.
Đính chính đề Vật lý, cập nhật lại đáp án môn
Lịch sử
Theo Bộ GD&ĐT, ở dạng đề trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi sẽ có mã đề riêng với mức độ trùng lặp câu hỏi mỗi môn chỉ 20%. Đây chính là hàng rào kỹ thuật để đảm bảo nghiêm túc cho kỳ thi, được giao cho các sở GD&ĐT chủ trì.
Một sai sót đáng tiếc đã xảy ra với môn thi Vật lý, phải in kèm đính chính phát cho thí sinh.
Trong buổi họp báo chiều 24/6 kết thúc kỳ thi, TS Sái Công Hồng – Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, thừa nhận sai sót này. Ông Hồng nêu lý do Bộ GD&ĐT chỉ có khoảng 3 tuần để chuẩn bị và trong tuần cuối cùng, bộ đã phát hiện có sai sót và chủ động bổ sung đính chính, không gây ảnh hưởng quá trình làm bài của thí sinh.
Ông Hồng cũng thông tin các đề thi trắc nghiệm được xây dựng chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Mỹ (kinh nghiệm 200 năm ra đề thi trắc nghiệm). Ngành giáo dục sẽ tiếp tục hoàn thiện trong những năm tiếp theo.
Với môn Lịch sử, một số độc giả phản ánh với Zing.vn câu hỏi số 22 ở mã đề 302 (tương đương câu hỏi số 14 ở mã đề 316) có sự thay đổi về đáp án. Đáp án đăng trên các phương tiện truyền thông và website của Bộ GD&ĐT trong chiều 24/6 là A. Chiến tranh cục bộ. Sau đó, Bộ GD&ĐT đăng tải phần đáp án (có in dấu đỏ) là phương án D. Chiến tranh đặc biệt.
Chiều 26/6, TS Sái Công Hồng khẳng định không có chuyện thay đổi đáp án môn này so với ban đầu. Cụ thể, đáp án chính thức của Bộ GD&ĐT ở câu 22 trong mã đề 302 môn Lịch sử là phương án D. Chiến tranh đặc biệt.
Ông Hồng lý giải đáp án chính thức là bản cứng có chữ ký của Tổ trưởng tổ ra đề của các môn thi, có ký duyệt của chủ tịch Hội đồng ra đề thi. Sau khi kết thúc kỳ thi (chiều tối 24/6), Hội đồng ra đề thi tiến hành in sao đáp án và đóng dấu treo để đảm bảo tính pháp lý của các đáp án khi chuyển hội đồng thi của các địa phương để tổ chức chấm thi.
“Khi cung cấp bản mềm các đáp án bằng đĩa CD cho các báo rất có thể do lỗi kỹ thuật, đáp án bị nhảy từ A sang D. Một số đề thi được sao chép cùng các đáp án của môn thi trong cùng đĩa CD này, khi mở ra cũng bị mất không còn trong dữ liệu”, ông Hồng cho hay.
Cũng theo ông Hồng, đây là kinh nghiệm quý báu cho những năm sau khi công bố đáp án chính thức thì nên công bố bản gốc có dấu đỏ của Bộ GD&ĐT để đảm bảo tính pháp lý và tính chính xác.
Theo Zing