Ngoài nắm vững kiến thức sách giáo khoa và suy luận để giải quyết bài khó, học sinh cần biết các bẫy thường gặp trong đề thi.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, có 18 năm kinh nghiệm luyện thi môn Hóa. Theo thầy, vội vàng trong khâu đọc đề là yếu tố đầu tiên khiến học sinh mất điểm.
Cần bình tĩnh đọc kỹ đề bài để tránh bẫy
Nếu không tập trung và không bình tĩnh thì học sinh sẽ rất dễ mắc sai lầm trong các kiểu câu hỏi có bẫy, như một số ví dụ sau:
– Bẫy về kiến thức lý thuyết:
Việc học lý thuyết không kỹ có thể gây nhầm lẫn trong những câu hỏi thuộc phần kiến thức trọng tâm.
Chẳng hạn, bẫy phản ứng của sắt đơn chất (Fe) với chất oxy hóa mạnh như HNO3, H2SO4 đặc nóng. Nhiều học sinh vội vàng thường kết luận trong trường hợp này Fe sẽ tạo ion Fe3+, nhưng thực tế nếu Fe dư, phản ứng hoàn toàn thì sản phẩm cuối cùng là Fe2+. Hoặc nếu các chất đều hết, có thể tạo cả hai dạng ion sắt.
– Bẫy về ngôn ngữ của đề:
Nhiều khi học sinh không suy nghĩ kỹ về những từ xuất hiện trong đề bài, dẫn đến hiểu lầm đề.
Ví dụ: Xà phòng hóa hết a gam etylaxetat bằng 120ml dung dịch NaOH 2M, sau phản ứng cô cạn dung dịch được 18 gam chất rắn. Tìm giá trị của a?
Không ít học sinh hiểu lầm đề là lượng NaOH phản ứng vừa đủ rồi tính theo số mol của NaOH ban đầu, hoặc tưởng rằng 18 gam chất rắn là muối natri axetat rồi tính theo số mol của muối. Thực chất ở đây chỉ este hết còn NaOH có thể còn dư và chất rắn có thể chứa NaOH.
Bởi vậy học sinh cần đặt ẩn số cho số mol của este, lập phương trình phản ứng xà phòng hóa và giải theo số mol của este.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn đã có 18 năm kinh nghiệm luyện thi môn Hóa học. Ảnh: NVCC |
Không nên làm những câu tính toán trước
Với đề thi năm nay số lượng câu lý thuyết và câu tính toán theo tỷ lệ khoảng 60/40. Do vậy, học sinh cần biết cách phân bố thời gian hợp lý khi làm bài.
Học sinh thường tập trung cho các câu hỏi tính toán nên bị tốn quá nhiều thời gian cho các câu khó và câu hỏi có bẫy, đến khi sắp hết giờ thì mới trả lời câu hỏi lý thuyết.
Trong khi đó, mỗi câu hỏi đều mang lại 0,25 điểm, các câu hỏi lý thuyết thường không khó và chỉ cần bình tĩnh đọc kỹ là trả lời đúng. Vì thế, học sinh nên ưu tiên các câu hỏi lý thuyết và câu hỏi dễ trước.
Câu hỏi sơ đồ chuyển hóa hoặc câu biểu bảng trong đề thường dài, nhiều dữ kiện. Để tiết kiệm thời gian, học sinh nên dựa vào chất đã suy luận ra được để loại dần đáp áp. Mẫu câu này, thường không cần luận hết các dữ kiện vẫn tìm được đáp án đúng.
Với các bài tập tính toán khó (trên mức 8 điểm), học sinh nên tóm tắt bài theo sơ đồ, suy luận kỹ rồi giải. Mẫu câu hỏi này thường áp dụng kết hợp nhiều phương pháp bảo toàn.
Tránh việc học thủ thuật và những bài khó
Nhiều học sinh khi luyện thi THPT quốc gia vẫn ảo tưởng về mức độ khó của đề nên học toàn những kiến thức cao siêu, hay thủ thuật giải đề trắc nghiệm mà không cần hiểu bản chất.
Nhưng thực tế, ba đề thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu rất chuẩn kiến thức theo chương trình sách giáo khoa cơ bản lớp 12. Có khoảng 12 câu là mức độ biết, 12 câu mức độ hiểu (24 câu này tương đương với bài tập trong sách giáo khoa) và khoảng 16 câu yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất và vận dụng mở rộng, nâng cao.
Vì vậy trong giai đoạn nước rút này, học sinh cần rà soát kiến thức sách giáo khoa theo khung chương trình thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn để ôn luyện những vùng kiến thức mà mình chưa nắm chắc, tránh việc học thuộc lòng máy móc hay chỉ tập trung vào việc học thủ thuật, mẹo giải đề.
Với kinh nghiệm 18 năm luyện thi, tôi khẳng định đề thi môn Hóa hàng năm đều không có mẹo để chọn đáp án. Tất cả câu hỏi từ dễ đến khó đều xuất phát từ bản chất hóa học, suy luận rồi giải theo các phương pháp đặc thù của bộ môn.
Tôi nhấn mạnh một lần nữa phương châm tốt nhất trong thời gian cuối này là học thật kỹ sách giáo khoa cơ bản, không lao vào những bài tập khó, tránh học dồn dập gây căng thẳng.