Trước diễn biến phức tạp của bão Tembin, TP HCM cho hơn hai triệu học sinh, sinh viên nghỉ học từ sáng 25 đến hết ngày 26/12.
Tối 24/12, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM chỉ đạo tất cả trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, đại học và trung tâm giáo dục thường xuyên cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ trưa mai và cả ngày 26/12.
Riêng học sinh huyện Cần Giờ (giáp biển) được nghỉ từ sáng 25/12.
Ngoài ra, các trường phải rà soát khu vực trọng điểm vào thời điểm mưa lớn và mực nước triều dâng cao; có phương án xử lý kịp thời sự cố, không để xảy ra ngập úng kéo dài, gây thiệt hại đến cơ sở vật chất, trang thiết bị tại đơn vị.
Sở Giáo dục cũng yêu cầu các trường và phòng giáo dục quận huyện thông báo cho phụ huynh quản lý con em, hạn chế học sinh tham gia các hoạt động nơi đang bị ảnh hưởng bởi bão Tembin.
Học sinh ở TP HCM sẽ được nghỉ học hai ngày để tránh bão. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cùng chính quyền huyện Cần Giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn di dời 1.800 người dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông biển đến địa điểm kiên cố, hoàn tất trong tối nay. Hộ không đồng ý di dời sẽ bị cưỡng chế.
Nhà chức trách đã điều động tàu thuyền di dời người dân xã đảo Thạnh An vào tránh bão tại các trường học và trụ sở Ban chỉ huy quân sự xã Thạnh An.
Các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Tembin, bằng mọi cách thông báo cho chủ tàu biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển của bão, kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện, 108 tàu đã vào nơi neo đậu an toàn.
Trong cuộc họp trực tuyến chiều nay với các tỉnh phía Nam, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường cho biết, bão Tembin rất đặc biệt, là cơn bão cuối cùng trong năm có nhiều bão nhất hoạt động trên biển Đông. “Bão lại vào tháng 12, lịch sử chưa có cơn bão nào vào muộn lại mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đất liền Việt Nam như Tembin”, ông Cường nói.
Dự báo, khoảng 16h chiều 25/12, bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/h), giật cấp 14, sóng biển cao 8-10 m.
Trên đất liền các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều nguy cơ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Các khu vực khác thuộc Nam Bộ có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Đến 4h ngày 26/12, tâm bão trên đất liền Tây Nam Bộ Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão khoảng 100 km/h (cấp 10), giật tăng ba cấp, sóng biển cao 8-10 m.
Sáng 21/12, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía đông Philippines đã mạnh lên thành bão, tên quốc tế là Tembin. Ngày 22-23/12, bão hoành ở Philippines làm gần 200 người chết, chủ yếu do lũ và sạt lở đất. Vào biển Đông vào tối 23/12, bão được tiếp thêm năng lượng và mạnh nhất khi ở vùng biển quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Tròn 20 năm trước, bão Linda đổ bộ với cường độ cấp 10, gây thiệt hại cho 21 tỉnh thành Nam Bộ, làm khoảng 3.000 người chết và mất tích. Đây là cơn bão thảm khốc nhất miền Nam Việt Nam trong ít nhất 100 năm. Đầu tháng 11/2017, nhiều tỉnh thành đã tổ chức lễ tưởng nhớ những người thiệt mạng trong bão. |
Nguồn: Vnexpress