fbpx
Home Tin tuyển sinh Tình hình đăng ký thi THPTQG: Số lượng nguyện vọng tăng vọt

Tình hình đăng ký thi THPTQG: Số lượng nguyện vọng tăng vọt

0

Chỉ còn chưa đến một tuần nữa là kết thúc thời gian đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, mới chỉ được hơn 60% số thí sinh đăng ký. Đáng chú ý, năm nay, số lượng nguyện vọng tăng vọt, thậm chí có trường bán công lọt top 10 trường có nguyện vọng cao nhất.

Tỷ lệ chọn bài thi KHXH lớn hơn KHTN

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, tính đến ngày 16/4 cả nước có trên 670.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, thí sinh đăng ký xét tuyển là 504.701 (chiếm 74.79%), thí sinh tự do là 44.731 (chiếm 6.63%). Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tỷ lệ chọn bài thi Khoa học xã hội đang lớn hơn bài thi Khoa học tự nhiên.

Cụ thể, bài thi Khoa học tự nhiên là trên 260.000 thí sinh đăng ký chiếm 38.61%, nhưng có tới trên 333.000 thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội chiếm gần 50%. Thí sinh đăng ký cả hai bài thi cũng chiếm gần 9% là trên 59.000 thí sinh.

Trong số trên 427.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH được nhập lên hệ thống thì nguyện vọng (NV1) chiếm 100%, NV hai chiếm trên 87%, NV 3 chiếm trên 71%, NV4 chiếm trên 51%, NV 5 chiếm trên 35%. Các NV còn lại chiếm trên 60%. Như vậy, số NV đăng ký của thí sinh năm nay đã tăng vọt, nhiều hơn hẳn những năm trước.

Vì đợt 1 năm 2015, mỗi thí sinh chỉ có duy nhất 1 NV. Đến năm 2016, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 4 NV vào 2 trường. Trong khi đó, năm nay, chỉ tính sơ sơ đến nguyện vọng thứ 5 đã có thấy có một tỷ lệ đáng kể. Đó còn chưa kể các nguyện vọng sau.

Ông Trần Trí Thăng, trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Nam Định cho biết các trường THPT của tỉnh vẫn thu hồ sơ của học sinh. Nên hiện tại, công việc nhập dữ liệu, kiểm tra dữ liệu vẫn là của các trường THPT, đến ngày 18/4 tới, Sở mới mở dữ liệu để kiểm tra lần 1.

“Năm nay Sở cũng đã ban hành quy trình làm rất chặt chẽ và có quy trách nhiệm từng công đoạn. Mỗi đơn vị thu hồ sơ thành lập ban hồ sơ. Sau khi nhập dữ liệu của học sinh, ban hồ sơ phải in toàn bộ thông tin danh sách của thí sinh. Người đọc dữ liệu và người nhập dữ liệu phải kiểm tra một lần, ký chịu trách nhiệm.

Sau đó, bản danh sách được đưa cho giáo viên chủ nhiệm các lớp đưa cho học sinh xem và ký một lần nữa. Rồi dữ liệu mới được đưa lên hệ thống. Ngay sau khi thí sinh nộp hồ sơ sẽ được trường cấp cho tài khoản và mật khẩu để kiểm tra thông tin của mình thường xuyên” – ông Thăng cho hay.

Chia sẻ thêm thông tin với PV Tiền Phong, bạn Nguyễn Văn Đông, học sinh lớp 12 trường THPT Tống Văn Trân, Ý Yên – Nam Định cho biết, trường thu hồ sơ từ những ngày đầu tháng tư. Nộp hồ sơ xong mỗi học sinh sẽ được cung cấp một tài khoản và mật khẩu.

“Em đã kiểm tra thông tin, dữ liệu của em và không có sai sót. Nhưng nhiều bạn lớp em phải lên sửa thông tin vì sai số chứng minh thư nhân dân và địa chỉ email” – Đông cho hay. Cũng theo Nguyễn Văn Đông, những thông tin sai sót được giáo viên chủ nhiệm thông báo để sửa kịp thời.

Trong khi đó, đại diện trường THPT Anhxtanh, Hải Phòng, cho biết rất nhiều học sinh của trường phải sửa phần đăng ký xét tuyển sinh ĐH. “Nguyên nhân do dữ liệu trong cuốn Những điều cần biết do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành không chuẩn nên khi trường nhập vào hệ thống, dữ liệu của học sinh bị bật ra” – vị đại diện này cho hay.

 

ĐH Cần Thơ đang dẫn đầu về nguyện vọng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết, trong top 13 trường ĐH nhận được nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển nhất thì ĐH Cần Thơ đang chiếm vị trí quán quân với trên 78.000 hồ sơ. Trong đó, số lượng hồ sơ NV1, 2, 3 chiếm 68%.

Vị trí thứ hai là ĐH Công nghiệp Hà Nội với gần 66.000 hồ sơ, tỷ lệ NV1, 2, 3 chiếm 57%. Tiếp đến là ĐH Kinh tế quốc dân với gần 48.000 hồ sơ. ĐH Thương mại đứng vị trí thứ tư, ĐH Bách khoa Hà Nội đứng vị trí thứ 5. Đáng chú ý, trong top này, ĐH Tôn Đức Thắng (trường ĐH bán công) lọp vào top 10 đứng vị trí thứ 8.

Theo một vị chuyên gia tuyển sinh, số lượng hồ sơ và vị trí này không có nhiều ý nghĩa. Vì đây là những trường đa ngành, chỉ tiêu lớn nên sẽ “hút” lượng lớn hồ sơ.

“Những trường như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch hay Ngoại thương, số lượng hồ sơ nộp vào trường không bao giờ lớn, tỷ lệ chọi không bao giờ cao. Có khi chỉ 1 chọi 1 hay 1 chọi 3 nhưng điểm chuẩn không bao giờ thấp” – vị chuyên gia này cho hay.

Tương tự, đại diện trường Anhxtanh thì phân tích, ở trường có những thí sinh nộp nhiều nguyện vọng nhưng cũng có những thí sinh chỉ nộp một nguyện vọng. “Những thí sinh nộp chỉ 1 đến 2 nguyện vọng thường là những thí sinh học rất khá, chắc chắn với lựa chọn của mình.

Trong khi đó, những thí sinh nộp nhiều nguyện vọng là những thí sinh học lực trung bình khá, không chắc chắn đỗ một trường nào” – vị đại diện này cho hay. Từ thực tế này, vị chuyên gia tuyển sinh cho rằng, tình hình tuyển sinh năm nay khó đoán định. Nhưng chắc chắn có một tỷ lệ thí sinh lựa chọn những nguyện vọng sau (từ NV4 trở đi) theo tâm lý “chống trượt” ĐH.

Còn TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, với kinh nghiệm làm tuyển sinh và ý kiến của cá nhân mình, ông khuyên thí sinh không nên nộp hồ sơ đăng ký muộn.

Theo 24h.com

Comments

comments