Nếu so sánh giữa hai thí sinh, tiêu chí điểm số hay nguyện vọng quyết định? Chẳng hạn điểm số thí sinh này cao hơn nhưng đó lại là nguyện vọng sau so với thí sinh kia thì ai được ưu tiên?
“Nguyện vọng 50 hay nguyện vọng 1 đều được đối xử như nhau”
Câu hỏi “Tiêu chí điểm số hay tiêu chí nguyện vọng mang tính quyết định?” được một phụ huynh gửi đến ban chuyên gia tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2020 diễn ra ngày 21/6 tại Hà Nội.
Giải đáp câu hỏi này, Thạc sĩ Phạm Văn Lương – Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GĐ&ĐT cho hay: “Giữa một bạn thì ta chọn thứ tự ưu tiên còn giữa hai bạn thí sinh so với nhau, giữa nguyện vọng thứ 1 và nguyện vọng thứ 50 thì hai bạn không có thứ tự ưu tiên nào. Giữa hai bạn cứ ai có điểm cao hơn thì bạn đó sẽ đứng vào danh sách trúng tuyển”.
Bổ sung thêm thông tư vấn, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Câu hỏi này hàng năm vẫn lặp lại và thông thường thì thí sinh, phụ huynh thường có sự nhầm lẫn rằng “nguyện vọng 2 phải cao điểm hơn nguyện vọng 1”.
Ông Thảo lưu ý: “Nhưng tôi xin nhắc lại, các trường đại học chỉ quan tâm đến điểm chứ không quan tâm đến thứ tự nguyện vọng. Các em nguyện vọng thứ 50 và nguyện vọng 1 chúng tôi đều đối xử như nhau, miễn là điểm các em đủ vào ngành đó.
Tuy nhiên, thí sinh lại phải quan tâm hai thứ, là trật tự sắp xếp nguyện vọng và điểm. Ví dụ, một trường chỉ lấy 10 điểm và một trường lấy 25 điểm.
Nếu bạn thí sinh đặt nguyện vọng 1 vào trường 10 điểm mà bạn được 25 điểm thì bạn phải buộc vào trường 10 điểm (vì bạn đã đặt nguyện vọng 1 ở đó).
Bạn đặt nguyện vọng 2 ở trường 25 điểm thì bạn đỗ nguyện vọng 1 (10 điểm) thì sẽ không còn cơ hội xét vào nguyện vọng 2 ở trường 25 điểm (mặc dù bạn thừa điểm). Thí sinh có thể đỗ bằng nhiều phương thức nhưng xác nhận chỉ có một lựa chọn.
Một phụ huynh khác thắc mắc: “Con tôi đăng ký vào một trường đại học và cháu xét tuyển theo hai phương thức. Phương thức thứ nhất là cháu xét tuyển theo điểm thi, phương thức hai là nộp học bạ để xét tuyển. Tôi nghĩ có 3 trường hợp xảy ra.
Trường hợp thứ nhất, cháu đỗ vào trường bằng cả hai con đường (thi và học bạ). Trường hợp thứ hai, cháu đỗ điểm thi nhưng điểm học bạ lại không đỗ. Trường hợp thứ ba, cháu không đỗ điểm thi nhưng lại đỗ bằng xét tuyển học bạ. Vậy với từng phương thức, nhà trường sẽ xét tuyển thế nào?”.
Thạc sĩ Phạm Văn Lương – Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GĐ&ĐT cho biết, về nguyên tắc, thí sinh nộp hồ sơ theo phương thức nào thì đều được các trường (chứ không phải một trường) xét.
Nếu thí sinh nộp nhiều trường thì sẽ được các trường xét độc lập, trừ đợt xét tuyển bằng điểm thi. Nếu xét tuyển bằng học bạ, thí sinh có đủ điều kiện có thể trúng tuyển vào nhiều trường khác nhau nếu đã nộp hồ sơ vào các đợt khác nhau.
Thứ hai, nếu các trường xét tuyển trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng mà trúng tuyển. Nếu thí sinh nhập học vào trường đó thì Bộ yêu cầu nhập thông tin xác định thí sinh nhập học đó lên hệ thống.
Nếu thí sinh có đăng ký điểm thi THPT sau này có trúng tuyển thì cũng không được xét tuyển nữa, vì thí sinh đã xác định nhập học vào trường trước khi bạn điều chỉnh nguyện vọng.
Trường hợp thứ hai, thí sinh đăng ký kết quả thi THPT nhưng không nhập học luôn thì khi các trường xét tuyển bằng học bạ thí sinh vẫn có thể tham gia.
Các trường sẽ xét tuyển và thông báo trúng tuyển cho thí sinh. Nếu thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học thì có thể xét tuyển bằng các đợt bổ sung. Nên sẽ không bao giờ xảy ra trường hợp thí sinh trúng cả hai phương thức.
Tuy nhiên, thí sinh chỉ được quyền chọn một trong hai phương thức để xác định nhập học và thí sinh khi đã nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi, thì em không có quyền xét tuyển phương thức khác nữa (mặc dù phương thức khác có thể đỗ).
“Khi các em buộc phải đăng ký thi để tốt nghiệp, sau khi thi xong, các em được cấp mã 8 chữ số. Do vậy khi em đỗ xét tuyển thẳng, em chỉ báo 8 chữ số đấy lên là em đã đỗ rồi thì tất cả các phương thức khác sẽ bị xóa (học bạ hay điểm thi).
Nếu em trượt tuyển thẳng mà đỗ bằng hình thức xét tuyển học bạ, khi em báo 8 chữ số ấy lên thì các phương thức khác sẽ bị xóa. Ngược lại, nếu em trượt tất cả mà chỉ đỗ thi thôi mà em không báo lên thì các phương thức khác em có đỗ hay trượt cũng không còn. Do vậy chỉ có một cơ hội thôi”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết thêm.
Tóm lại, ban tư vấn tuyển sinh lưu ý, thí sinh có thể đỗ nhiều nhưng xác nhận chỉ có một lựa chọn duy nhất. Và thứ tự sẽ là xét tuyển thẳng và học bạ được xét trước, nếu không sẽ xét tiếp hình thức khác. Thí sinh gửi 8 chữ số đến trường nào sẽ nhập học ở trường đó.
Những giải đáp về ngành Y
Những thắc mắc liên quan đến tuyển sinh vào Đại học Y Hà Nội nói riêng và ngành Y dược nói chung được GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội giải đáp.
Một thí sinh đặt câu hỏi thắc mắc về ngành Răng – hàm – mặt: “Điểm chuẩn năm 2019 có chỉ tiêu phụ là thứ tự nguyện vọng sẽ phải nhỏ hơn hoặc bằng nguyện vọng 2. Năm nay, khi thi em có thể đặt nguyện vọng vào Răng hàm mặt ở nguyện vọng 3 được không?”.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, thí sinh này hoàn toàn có thể đặt được tuy nhiên nếu điểm của em trúng vào nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 thì em sẽ mất cơ hội vào nguyện vọng 3. Nếu em thích nhất Răng hàm mặt thì nên đặt ở nguyện vọng 1.
Cũng liên quan đến khía cạnh nguyện vọng, một nam thí sinh hỏi: “Cứ điểm cao là đỗ vào trường hay có giới hạn nguyện vọng không?”.
Thầy Tú cho biết, tất nhiên, điểm thì phải điểm cao rồi thì mới đỗ vào những nguyện vọng cạnh tranh lớn. Tuy nhiên việc các em xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên sẽ rất quan trọng vì nếu em đỗ cao nhưng em lại xếp nguyện vọng em yêu thích ở thứ 3, thì khi đạt điểm cao em sẽ được chốt ở nguyện vọng thứ 1, tất cả nguyện vọng sau đó đều bị loại (kể cả trường yêu thích nhất).
Một lần nữa, thầy Tú lưu ý, thí sinh nên xếp thứ tự nguyện vọng em thích nhất ở thứ nhất. Bộ GD&ĐT không giới hạn nguyện vọng cho nên em có thể có 10-20 nguyện vọng và nhiều hơn nữa.
Một bạn trẻ khác quan tâm đến ngành Y học dự phòng băn khoăn: “Sau khi tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở đâu?”.
Thầy Tú cho biết: “Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại bệnh viện. Tuy nhiên, y học dự phòng chỉ là khám chữa bệnh ban đầu chứ không phải khám chuyên khoa như bác sĩ y khoa.
Thứ hai, em có thể tham gia vào các trung tâm kiểm soát, dự phòng bệnh tật, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu với phạm vi khá rộng nhưng nó sẽ thiên hướng về dự phòng bệnh tật hơn là chữa trị một bệnh tật cụ thể”.
“Cho em hỏi Y khoa phân hiệu Thanh Hoá là sao, học ở đâu, có như học ở Hà Nội hay không?”, một thí sinh gửi câu hỏi.
Theo Hiệu phó Đại học Y Hà Nội, phân hiệu ở Thanh Hoá chỉ khác trường chính ở vị trí địa lý, nếu phụ huynh có điều kiện vào thăm sẽ thấy rất khang trang, hiện đại, nằm cách Sầm Sơn 9-10 km, chương trình đào tạo 100% như Đại học Y Hà Nội và tất cả thầy cô giảng dạy đều không có gì khác biệt.
Trả lời câu hỏi “Có những trường nào đào tạo ngành Dược mà xét tuyển khối B hoặc khối D ở miền Bắc hay không?”, thầy Tú chia sẻ: “Tôi biết có nhưng để chính xác các em nên vào website của các trường để xem đề án tuyển sinh.
Ví dụ như trường Đại học Dược Hà Nội, Khoa Y – Dược Đại học Quốc gia, các trường Y thường đều có khoa Dược (trừ Đại học Y Hà Nội là không đào tạo ngành Dược). Có nhiều trường đã đào tạo Dược bằng khối B”.
Liên quan đến câu hỏi về học phí năm học này của trường Đại học Y Hà Nội là bao nhiêu, Hiệu phó nhà trường cho hay, học phí năm nay như những năm trước nhưng tăng thêm 10%, trường chưa có thay đổi lớn về học phí.
Theo Dantri