fbpx
Home Tin tuyển sinh Thông tin mới nhất về vụ gian lận thi cử ở Sơn La

Thông tin mới nhất về vụ gian lận thi cử ở Sơn La

0
Thông tin mới nhất về vụ gian lận thi cử ở Sơn La

Trong số 110 bài thi môn văn (làm theo phương pháp tự luận) được rút ra để chấm thẩm định tại Sơn La, có 42 bài điểm thấp hơn điểm đã công bố. Bài có điểm thi sai lệch nhiều nhất là từ 8,5 xuống còn 4 điểm.

Vào nhầm điểm thi!
Sau khi tổ công tác của Bộ GD-ĐT kết thúc đợt công tác ở Sơn La, Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La đã thống kê danh sách các bài thi có thay đổi sau khi chấm thẩm định môn văn của tỉnh này.
Theo đó, tổng số bài thi văn mà điểm công bố hôm 11.7 cao hơn điểm Bộ GD-ĐT chấm thẩm định là 42 bài. Có 30 bài điểm chênh tối thiểu là 0,5; 12 bài chênh từ 1 điểm trở lên, trong đó 1 bài chênh tới 4,5 điểm (điểm công bố hôm 11.7 là 8,5 trong khi điểm chấm thẩm định là 4); 1 bài khác chênh 3 điểm (điểm công bố là 8, điểm chấm thẩm định là 5).
Sở GD-ĐT Sơn La cũng đã có thông báo kết quả đối chiếu điểm thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh (TS) tỉnh nhà. Theo thông báo này, có 16 TS điểm thể hiện trên bài thi sai lệch với điểm được Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La công bố hôm 11.7. Đáng chú ý, trong danh sách này có một số TS bị “nhầm” hơn 1 điểm.
Theo yêu cầu của tổ công tác xác minh kết quả thi của Bộ GD-ĐT tại Sơn La, kết quả chấm thẩm định và kết quả rà soát của tổ công tác được xem là điểm thi chính thức của bài thi. Kết quả này được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh.
Hai khả năng về bài thi trắc nghiệm bị “biến mất”
Theo thông tin tổ công tác Bộ GD-ĐT cung cấp, file ảnh lưu trữ tại Sở GD-ĐT Sơn La với dữ liệu gửi về Bộ GD-ĐT là trùng khớp. Tuy nhiên, có một chi tiết quan trọng là đã có gói dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm bị “biến mất” và nhiều khả năng đây mới chính là hình ảnh bài làm thực của TS khi chưa bị can thiệp.
Theo phân tích của một chuyên gia, gian lận ở Sơn La diễn ra một trong hai khả năng.
Khả năng thứ nhất là chụp ảnh bài gốc, lưu lại trong máy tính, sau đó mới can thiệp vào kết quả trên file text. Nhưng khi có nguy cơ bị lộ (do Bộ đi xác minh, kiểm tra ở Hà Giang), người ta mới rút bài thi thực của TS ra để “tẩy”, sau đó chụp ảnh lại và ghi đè file ảnh này lên file ảnh gốc. Để hợp thức hóa về thời gian chụp ảnh (theo quy định là phải chụp cuối tháng 6, đầu tháng 7), người ta sửa thời gian ở máy chủ trước khi quét lại.
Khả năng thứ hai, sau khi nhận bài thi ở điểm thi về, sửa trực tiếp trên bài thi rồi mới đưa vào quét. Nhưng khả năng này khó xảy ra hơn vì đó là một chuỗi hành vi gian lận rất tinh vi, đòi hỏi sự công phu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, dù khả năng nào thì việc phục hồi lại bài thi gốc là trong tầm tay nhờ công nghệ hiện đại và sự sắc bén của các cán bộ cơ quan điều tra. Đối với khả năng một, cho dù người ta sửa thời gian ở máy chủ thì cơ quan công an vẫn sẽ xâu chuỗi được các sự việc để phát hiện ra sự phi lý về các thời điểm hiển thị trong ổ cứng chứa dữ liệu. Với khả năng thứ hai, cơ quan điều tra vẫn có thể tìm ra manh mối để trả lại điểm thi thực cho TS; hoặc chí ít là có thể giám định từng bài thi để kết luận bài thi bị can thiệp.
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, cũng nhận định giả thiết chỉnh sửa bài thi trước khi quét bài ở Sơn La là hoàn toàn có thể xảy ra vì kết luận ban đầu của Bộ GD-ĐT cho thấy có tới 5 người liên quan mà trong phòng chấm thi trắc nghiệm (cách ly hoàn toàn với bên ngoài) thì số lượng người tham gia cũng chỉ khoảng như vậy. Nếu tất cả cùng đồng lòng “bắt tay” với nhau để vi phạm thì điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả việc chọn bài thi ra để sửa rồi mới quét. Điều này không phức tạp vì phiếu trả lời trắc nghiệm không có phách, không rọc phách, trên phiếu hiển thị tất cả thông tin cá nhân của TS.
Sẽ dựa vào giám định hình sự để phát hiện
Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia khẳng định cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định dấu hiệu sai phạm sửa bài thi trắc nghiệm của một số TS.
Dư luận hiện đang rất quan tâm việc xác định sẽ được tiến hành ra sao để sớm trả lại sự công bằng cho TS. Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, Giám đốc Trung tâm tư vấn – giám định dân sự, Liên hiệp Các hội khoa học – kỹ thuật VN, cho rằng khi có mẫu giám định (bài thi của TS) thì bằng biện pháp kỹ thuật hiện đại trong giám định về chữ viết có thể xác định được các dấu hiệu sửa chữa trên bài thi và phần bài làm có cùng một loại mực hay không; chữ nào viết trước, viết sau hay viết đồng thời. Với bút mực thì việc xác định dễ dàng hơn so với bút chì, nhưng vẫn có thể làm được, đặc biệt là khác loại bút chì.
Cũng theo ông Hùng, thông thường trên một bài thi, cùng chọn một đáp án thì TS chỉ dùng một loại bút chì chứ không viết hai loại bút trên cùng câu trả lời. Bên cạnh đó, còn những dấu hiệu khác cũng có thể xem xét cụ thể được.

Comments

comments