Không kiểm soát được thí sinh ảo, thí sinh thay đổi nguyện vọng (NV) sau khi có kết quả thi… đang là nỗi lo của các trường ĐH trong mùa tuyển sinh năm nay.
Sáng 21-4, nhiều trường ĐH đã bắt đầu trích xuất dữ liệu đăng ký xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Đây là những trường đã có đủ dữ liệu cập nhật từ các sở GD-ĐT. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều đang lo tỉ lệ thí sinh ảo lớn.
“Đối với thí sinh, tôi khuyên các em phải hết sức thận trọng khi thay đổi NV. Nhất là các em trúng tuyển NV 1, cần cân nhắc kỹ quyết định điều chỉnh NV của mình để tránh trường hợp đậu thành rớt
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng
Càng cao nguyện vọng càng lo
Tổng chỉ tiêu của Trường ĐH Cần Thơ năm nay là 8.000, nhưng thống kê cho thấy trường này đang dẫn đầu trong các trường độc lập với trên 95.000 NV đăng ký xét tuyển, trong đó số NV 1, 2, 3 chiếm khoảng 70%.
PGS.TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng số thí sinh đăng ký NV 1, 2, 3 này nếu trúng tuyển sẽ học tại Trường ĐH Cần Thơ, các trường khác không lấy được.
“Nếu có danh sách thí sinh đăng ký NV 1, 2, 3, chúng tôi sẽ xét tuyển và tự lọc ảo từ số thí sinh này. Ngoài ra, trong số NV đăng ký xét tuyển trên không đồng đều giữa các ngành, nên khi xét tuyển sẽ có một số ngành thiếu chỉ tiêu” – ông Xê nói.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, quy chế tuyển sinh năm nay cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn NV và kết quả cho thấy thí sinh đăng ký trung bình 4-5 NV đã buộc các trường ĐH phải “sống chung với thí sinh ảo”.
Thống kê sơ bộ tính đến sáng 21-4, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có tổng số NV đăng ký xét tuyển là hơn 51.000 và tổng số NV1 là hơn 14.000, trong khi năm nay trường này có 4.200 chỉ tiêu.
“Qua trao đổi với thí sinh trong đợt tư vấn vừa qua, hầu hết thí sinh cho biết chủ yếu các em dựa vào kết quả học bạ để phỏng đoán điểm thi rồi đăng ký. Vì vậy dữ liệu sau ngày 21-7 mới là nền tảng để trường xét tuyển, còn số liệu hiện nay chủ yếu để tham khảo. Sau khi biết điểm thi, các em mới chọn lựa chính xác được ngành học.
Điều đáng lo ngại đối với các trường ĐH là số lượng đăng ký thi THPT giảm khoảng 80.000 so với dự báo của Bộ GD-ĐT, dẫn đến số đăng ký xét tuyển vào các trường sẽ giảm theo. Sắp tới chỉ còn chỗ đứng cho các trường đào tạo tốt, còn trường đào tạo kém có nguy cơ không có người học vì thí sinh có nhiều lựa chọn” – ông Dũng nhận định.
ThS Nguyễn Văn Đương, phó trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Tổng chỉ tiêu của trường là 5.000, nhưng do năm nay mỗi thí sinh được quyền đăng ký rất nhiều NV nên dự báo số NV thực của trường chỉ hơn 10.000. Hơn nữa, sau khi có điểm thi THPT quốc gia, thí sinh còn được quyền thay đổi NV đăng ký xét tuyển.
Trường cũng rất lo ngại việc thí sinh thấy lượng NV đăng ký xét tuyển vào trường cao dẫn đến thay đổi NV. Đây là ẩn số của mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, khi biết tỉ lệ NV 1, 2, 3 của trường hiện chiếm hơn 70% nên cũng yên tâm phần nào”.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã có tổng số hơn 40.000 NV đăng ký xét tuyển và hơn 7.000 NV 1, là trường nằm trong tốp những trường có số lượng NV đăng ký xét tuyển cao nhất. Tuy nhiên, đại diện nhà trường cũng chưa yên tâm với con số trên vì cho rằng số lượng NV 1 vẫn phải chờ kết quả thi của thí sinh và còn điều chỉnh NV, nên hiện vẫn chưa nói lên được điều gì.
Tương tự, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM hiện cũng đang nằm trong tốp những trường có số lượng NV đăng ký xét tuyển nhiều nhất. Tuy nhiên, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng nhà trường – cũng cho rằng con số thống kê trên chỉ có giá trị tham khảo, vì sau khi có kết quả thi thì thí sinh còn được quyền điều chỉnh NV. Trường cũng mong có đầy đủ dữ liệu của thí sinh để phân tích, đánh giá tình hình, từ đó đưa ra giải pháp lọc ảo.
“Top 20-30” vẫn lo không tuyển đủ
Ông Phạm Thành Công – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, thuộc top 5 trường có số lượng NV đăng ký xét tuyển cao nhất – cho rằng dù biết tỉ lệ ảo cao do thí sinh được thoải mái chọn NV nhưng với số lượng NV rất lớn thí sinh đã đăng ký, trường hầu như không còn lo lắng việc có tuyển đủ chỉ tiêu hay không.
Tuy nhiên trái lại, dù có số lượng NV đăng ký cao nhưng một số trường lại cho rằng những số liệu đó không đảm bảo trường tuyển đủ chỉ tiêu, chứ chưa nói đến chuyện dôi dư hay tăng điểm chuẩn được.
“Tỉ lệ ảo quá lớn nên dù ở top 20 trường có số NV đăng ký cao nhất trong toàn quốc, trường vẫn canh cánh nỗi lo không tuyển đủ” – đại diện một trường ĐH chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đào Tùng – trưởng ban quản lý đào tạo Học viện Tài chính (trường nằm trong nhóm trường có lượng NV đăng ký lớn) – cho rằng ngay cả các trường có số lượng đăng ký NV trong top 30 vẫn lo thí sinh ảo, không đủ chỉ tiêu.
Theo ông Tùng, thông tin công bố từ nguồn dữ liệu của Bộ GD-ĐT chỉ mới là số lượng NV đăng ký, không phải số lượng thí sinh. Như vậy, nếu trường nào càng nhiều tổ hợp, càng nhiều ngành thì số lượng ảo càng cao.
“Ví dụ, có trường trên 40.000 NV đăng ký, trong đó có gần 20.000 NV 1, 2, 3. Nhưng thực chất có 10 ngành đăng ký, mỗi ngành lại có 2-3 tổ hợp. Như vậy, số thí sinh thực tế chưa chắc đủ chỉ tiêu. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng công bố số lượng NV 1, 2, 3 để thí sinh biết, song tất cả đều chưa có điểm. Số lượng NV đăng ký cao, dẫn đến tâm lý thí sinh sẵn sàng điều chỉnh NV khi có điểm” – ông Tùng phân tích.
Nên công bố dữ liệu đăng ký xét tuyển
“Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên công bố tất cả dữ liệu về NV đăng ký xét tuyển để thí sinh biết, như cách làm của Trường ĐH Cần Thơ vào năm 2015. Làm như vậy, thí sinh sẽ tự điều tiết NV đăng ký xét tuyển của mình và tránh được tình trạng thí sinh điểm cao lại rớt, trong khi một số ngành không tuyển đủ.
Quy chế năm nay cho phép thí sinh đã trúng tuyển NV 1 có quyền không nhập học để đăng ký xét tuyển đợt 2. Trong tình huống này, các trường không thể lọc ảo được” – PGS.TS Đỗ Văn Xê đề xuất.
Lượng lớn thí sinh đăng ký “nguyện vọng ước mơ”
Theo ông Nguyễn Phong Điền, Bộ GD-ĐT cho phép chọn không giới hạn số ngành, trường, các NV thứ tự khác nhau đều bình đẳng trong xét tuyển giữa các thí sinh. Như vậy, có lượng lớn thí sinh “đặt cửa” NV 1 là ngành yêu thích nhất, nhưng thực ra đó là ngành cao hơn năng lực của các em. Nếu NV 1 của trường nào đó chủ yếu là “nguyện vọng ước mơ”, thì cuối cùng trường đó lại phải tìm đến những thí sinh ở các NV khác để xét tuyển phù hợp.
Phải chờ phổ điểm
Ông Nguyễn Văn Khải – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược Hải Phòng – cho biết với 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh, thông thường các năm trước trường sẽ có khoảng 3.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, chủ yếu tập trung cạnh tranh cao ở ngành y đa khoa. Năm nay, số NV xét tuyển của trường tăng cao gấp 4-5 lần trước đây, cũng tương ứng với thống kê chung của Bộ GD-ĐT, trung bình mỗi thí sinh đăng ký 4-5 NV.
Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy ngành y đa khoa của trường dù là ngành nổi trội vẫn thường có số lượng lớn thí sinh chỉ chọn NV2, sau khi đã quyết phương án NV 1 dành cho ngành y đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội. Vì vậy về cơ bản, trường chỉ có thể yên tâm với thí sinh đăng ký xét tuyển NV 1 vào trường.
Theo ông Khải, hiện tại trường chưa nắm được dữ liệu cụ thể nên không thể phân tích hết các khả năng. Dù dữ liệu ra sao, ông Khải vẫn cho rằng tỉ lệ thí sinh ảo năm nay sẽ tương đối lớn ở tất cả các trường.
Nhiều trường cũng cho rằng tổng số NV không có giá trị nhiều bằng số lượng NV 1 đăng ký vào trường cao hay thấp. “Tổng số NV đăng ký vào trường cao, nhưng chủ yếu là các NV 3, 4, 5 thì số NV đó ảo là chính, phải chờ thí sinh rớt các NV trước mới đến mình. Các trường chỉ có thể tin tưởng vào số NV 1, vì đó mới là thí sinh thực sự có NV vào trường” – lãnh đạo một trường ĐH nhận xét.
Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng trường nào có dưới 50% số NV là NV 1, 2, 3 thì việc xác định danh sách trúng tuyển sẽ rất khó khăn và kéo dài. Tuy nhiên với cơ chế tuyển sinh năm nay, ngay số lượng NV 1 lớn cũng không đảm bảo chất lượng tuyển sinh năm nay của trường đó tốt được.
Thực tế tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khi còn thi “ba chung”, có năm số thí sinh dự thi vào trường lên đến 21.000-22.000 thí sinh, cao hơn gấp 2 lần bình thường, nhưng kết quả tuyển sinh cũng không có gì đột biến so với những năm có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển thấp hơn. “Chỉ khi nào có phổ điểm của thí sinh mới phán đoán được chính xác tình hình tuyển sinh năm nay” – ông Điền nói.
Theo tuoitre