Dưới đây là những vấn đề thời sự “nóng hổi” được dự đoán sẽ xuất hiện trong câu hỏi nghị luận đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2016.
Theo nội dung công văn hướng dẫn ôn tập thi THPT Quốc gia năm 2016, đề thi THPT năm nay nâng cao yêu cầu về vận dụng kiến thức thực tiễn đối với các vấn đề mang tính thời sự nóng hổi. Do đó, các em học sinh ngoài việc nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, rèn luyện kỹ năng phân tích, bày tỏ quan điểm còn cần phải để ý đến những sự kiện đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Vậy vấn đề nào có thể sẽ xuất hiện trong câu hỏi nghị luận đề thi môn Ngữ văn?
1. Gạc Ma – vòng tròn bất tử và bài học cho giới trẻ
Đề thi có được được đưa ra như sau: 64 người con đất Việt nằm lại giữa biển sâu và 27 năm nay để lại nỗi đau âm ỉ trong lòng mọi người. Cảm nhận của anh chị về tượng đài vững chắc thể hiện lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương của các chiến sĩ trong trận chiến Gạc Ma 14/3/1988.
Trận chiến Gạc Ma còn có tên gọi là Hải chiến Trường SA 1988 hay CQ-88 theo tài liệu của Hải quân Việt Nam. Trận chiến là cuộc tấn công của Hải Quân Trung Quốc vào bãi đá Cô Lin, bãi đã Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, hòng chiếm đóng những khu vực này. Để giữ được chủ quyền cho dân tộc, Hải quân Việt Nam đã phải đưa quân ra bảo vệ tuy nhiên phía Trung Quốc lại có những hành động như nổ súng, giật cờ trên các bãi đá và nã pháo vào tàu Hải quân nước ta vào ngày 14/3/1988. Kết quả quân Việt Nam chìm 2 tàu vận tải và hy sinh 64 chiến sĩ hải quân, 9 người khác bị bắt làm tù binh. Phía Trung Quốc thiệt hại một số xuồng đổ bộ và hi sinh 24 binh sĩ, chiếm đóng được bãi đá Gạc Ma. Quân đội 2 nước sau đó đã chia quân ra để đóng giữ một số bãi đá ngầm khác mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.
Sự hi sinh anh dũng của 64 chiến sĩ trong trận chiến Gạc Ma là tấm gương sáng, là tượng đài vững chắc thể hiện lòng yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo quê hương, tinh thần mưu trí sáng tạo và tình đồng đội đoàn kết.
2. An toàn thực phẩm và lương tâm con người
Đề bài có thể yêu cầu thí sinh nhận định về vấn nạn thực phẩm bẩn đã và đang đầu độc người dân và cả lương tâm con người.
Có thể dễ dàng nhận thấy bên cạnh những vấn đề thời sự như ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, một chủ đề cũng nhận được sự quan tâm lớn của xã hội hiện nay là vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề liên quan tới sức khỏe.
Đặc biệt khi thời gian qua có khá nhiều vụ việc sử dụng hóa chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi bị phát hiện và gây ra hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Trong khi đó, các cơ quan ban ngành có liên quan thì đùn đẩy trách nhiệm. Chế tài pháp lý của nhà nước còn lỏng lẻo. Mức phạt đối với những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa nghiêm khắc đã gây ra những luồng ý kiến tranh luận và nhận được sự quan tâm đông đảo của mọi người.
3. Nghị lực sống của con người (Qua tấm gương Trần Lập, chú lính chì dũng cảm Nguyễn Thiện Nhân…)
TS. Phạm Hữu Cường – người thầy hơn 20 năm kinh nghiệm luyện thi môn Văn cho các sĩ tử đưa ra đề bài như sau: Trong bài hát “Tâm hồn của đá”, cố nhạc sỹ Trần Lập đã viết: “Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá, đừng hoá thân thành đá…”. Anh/chị hãy viết một bài văn khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về lời khuyên đó.
Sau thời gian dài chiến đấu cùng căn bệnh ung thư trực tràng quái ác với một nghị lực và ý chí sống đầy mãnh liệt, ca sĩ – nhạc sĩ Trần Lập đã qua đời tại nhà riêng vào ngày 17/3/2016. Sự ra đi của anh đã để lại niềm thương tiếc vô hạn cho gia đình, bạn bè và người hâm mộ.
Trần Lập được biết đến là thủ lĩnh ban nhạc rock Bức Tường, trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, anh đã có những cống hiến to lớn cho nền âm nhạc nước nhà với khoảng hơn 30 ca khúc do anh sáng tác kéo theo đó là nhiều bản hit như Đường đến ngày vinh quang, Tâm hồn của đá, Bông hồng thủy tinh, Đôi bàn tay, Mắt đen… Tất cả đều được anh viết bằng những ca từ vô cùng ý nghĩa, gần gũi với đời sống và có sức mạnh truyền lửa cho nhiều thế hệ.
Nhưng căn bệnh quái ác đã cướp đi một Trần Lập cháy hết mình với rock, một Trần Lập quá “ngầu” với mô-tô, một Trần Lập đắm say khi đi qua mỗi cung đường, và một Trần Lập đầy lạc quan và quá đỗi kiên cường khi biến cố ập tới.
Bên cạnh những vấn đề trên thí sinh cần đặc biệt lưu ý đến những vấn đề thời sự có thể ra trong câu nghị luận như:
- Biển đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước.
- Thời cơ và thách thức của Việt Nam khi gia nhập TPP
- Ý thức của con người về biến đổi khí hậu
- Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây
- Sự vô tâm của con người nhìn từ vụ thảm sát ở Bình Phước
- Chiến tranh biên giới 1979….
Chú lính chì Thiện Nhân truyền lửa cho cuộc đời
Chú lính chì Thiện Nhân là một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi, bị súc vật cắn mất chân phải và bộ phận sinh dục khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót. Sau khi được tìm thấy và được nhận làm con nuôi, bằng nghị lực của mình Thiện Nhân đã nỗ lực sống tiếp và luôn nở nụ cười trong sáng gieo thêm tình yêu giữa con người với con người trong cuộc sống còn quá nhiều bộn bề, lo toan.
Mẹ nuôi của em đã bỏ nhiều công sức chữa trị và tái tạo lại bộ phận sinh dục cho em, với mong muốn em được sống một cuộc sống như người bình thường. Sau hơn 10 năm, giờ em đã có cuộc sống hạnh phúc bên mẹ, được học tập, vui chơi như những đứa trẻ khác. Bộ phim về cuộc đời của em đã truyền lửa tử tế cho cuộc đời và không chỉ được đón nhận nồng nhiệt ở trong nước mà còn vươn xa ra nước ngoài.
Lời dạy xúc động của PGS Văn Như Cương
Trong lễ khai giảng ngày 5/9/2015, trước hơn 1.000 học sinh trường THPT dân lập lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương đã dặn dò các em học sinh trước hết phải là người tử tế biết yêu thương, vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam. Thầy cũng nhấn mạnh rằng, việc đến trường là để học những kiến thức trong sách giáo khoa, nhưng những kiến thức này không phải là bảo bối hay cẩm nang thần kỳ để các em bước vào cuộc sống.
Thầy khuyên các em phải mở mang kiến thức xã hội, nâng cao kỹ năng mềm, trau dồi đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, biết yêu thương, căm giận, sống vì nhân dân, vì Tổ quốc và phải biết làm người tử tế.