Hầu hết học sinh đều sợ bài đọc hiểu vì có quá nhiều từ mới mà các em không biết và cho rằng phải biết hết từ, hiểu hết bài đọc thì mới trả lời được các câu hỏi.
Chuyên đề đọc chiếm số lượng nhiều nhất (20/50) câu hỏi trong bài thi THPTQG và được chia làm 2 phần: Đọc điền từ vào chỗ trống (1 bài) và Đọc hiểu (2 bài).
2 bài của phần đọc hiểu có độ dài từ 250-300 từ và 350-400 từ và có tổng số là 15 câu. Trong đó có 2 câu hỏi dễ, 8 câu hỏi trung bình và 5 câu hỏi khó. Hầu hết học sinh đều sợ bài đọc hiểu vì có quá nhiều từ mới mà các em không biết và cho rằng phải biết hết từ, hiểu hết bài đọc thì mới trả lời được các câu hỏi.
Trong bài viết dưới đây cô giáo tiếng Anh Phạm Liễu sẽ có những chia sẻ và chỉ ra những sai lầm mà thí sinh thường gặp khi làm dạng bài này.
Quá phụ thuộc vào từ vựng
Từ vựng thực sự quan trọng và nếu chúng ta đọc và hiểu hết nghĩa của từng từ và câu văn trong bài đọc chắc chắn các em sẽ đạt điểm cao. Nhưng vấn đề là nếu các em chỉ ngồi đọc và dịch câu thì sẽ không đủ thời gian làm bài. Chính vì thế các em sẽ phải cần các chiến thuật và mẹo làm bài với dạng bài tập này.
Các em nên nhớ rằng mục đích chính của bài đọc hiểu là để kiểm tra KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU của các em chứ không phải kiểm tra từ vựng.
Trả lời câu hỏi theo thứ tự
Thực chất là các câu hỏi trong phần thi đọc hiểu cũng không được sắp xếp theo thứ tự các đoạn văn, nên việc chọn trả lời theo tứ tự từ 1 đến hết là sai lầm.
Phân bổ thời gian không hợp lý, không có chiến lược làm bài phù hợp
Để làm bài đọc hiểu đòi hỏi học sinh phải có vốn từ rộng và nắm chắc ngữ pháp. Vì vậy mà khi làm phần này đầu tiên dễ dẫn đến tình trạng học sinh đầu tư quá nhiều thời gian vào việc dịch văn bản. Việc làm này sẽ làm giảm thời gian để làm các phần khác trong bài thi.
Quyết định chọn đáp án một cách vội vàng.
Một số bạn chỉ đối chiếu đáp án với phần thông tin trong bài đọc về mặt từ vựng, xem rằng các từ trong đáp án/ câu hỏi có khớp với thông tin trong ngữ liệu hay không, nếu khớp chọn luôn đáp án đó mà không để ý đến cách tác giả diễn đạt, sử dụng cấu trúc ngữ pháp.
Áp dụng một số phương pháp làm nhanh một cách máy móc.
Đối với các câu hỏi từ vựng ở dạng tìm từ đồng nghĩa hoặc từ gạch chân/ in đậm được dùng thay cho từ/cụm từ nào, các bạn học sinh rất hay làm theo những “tips” : đó là từ xuất hiện ở đầu/ cuối câu trước nó; hay như dạng bài tìm từ đồng nghĩa , các bạn hay chọn những từ đã xuất hiện trong bài đọc, cũng có khi đúng nhưng thường thì đó là những đáp án gây nhiễu.
Còn nhiều lỗi mà học sinh mắc phải trong quá trình làm đọc hiểu, với kinh nghiệm của mình, trong bài viết tiếp theo cô sẽ chia sẻ một vài phương pháp, hi vọng rằng sẽ tiếp thêm cho các em động lực và hướng đi cụ thể trong quá trình chinh phục dạng bài đọc hiểu.