Theo một số hiệu trưởng trường THPT, học sinh có xu hướng lựa chọn bài thi môn xã hội tăng hơn mọi năm. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, các em nên chọn tổ hợp xét tuyển phù hợp năng lực để tránh lãng phí.
Chọn thi xã hội nhiều hơn
Theo một khảo sát trước đó tại TP Hồ Chí Minh, ngay từ năm ngoái, học sinh đã có xu hướng lựa chọn bài thi môn xã hội cho kì thi năm nay.
Theo hiệu trưởng một Trường THPT tại quận Thủ Đức, nhà trường thường phát phiếu khảo sát sớm, ngay từ đầu hè để nắm nguyện vọng các em. Điều bất ngờ là kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, tỷ lệ HS lựa chọn bài thi khoa học xã hội tăng đột biến.
Tại Hà Nội, lãnh đạo một số trường cho biết, học sinh trường mình cũng có xu hướng chọn bài thi xã hội nhiều hơn so với năm ngoái.
Theo thống kê của cô Văn Thùy Dương với PV Dân trí trong sáng nay (20/3), Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy), năm học 2016-2017, toàn trường có số học sinh chọn thi môn tự nhiên là 335 em trên tổng số 547 học sinh toàn trường, chiếm 61,24%. Số học sinh đăng kí thi môn xã hội là 212 em/547 học sinh, chiếm 38,76%.
Sang năm học 2017- 2018, toàn trường có 308/526 học sinh đăng kí dự thi môn tự nhiên, chiếm 58,55%. Đặc biệt năm học này, số học sinh đăng kí thi môn xã hội là 218/526 em, chiếm 41,44%, tăng so với năm ngoái.
Ông Phạm Vương Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) cho biết, số học sinh của trường chọn bài thi xã hội năm nay cao hơn bài thi tự nhiên. Theo ông, xu hướng này đã xuất hiện từ năm ngoái.
Trao đổi với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho hay, tỉ lệ học sinh lựa chọn tổ hợp thi tại trường mình năm nay cân bằng hơn so với năm ngoái. Cụ thể, trường có 488 học sinh thì có 247 em dự thi môn khoa học tự nhiên và 241 học sinh đăng kí làm bài thi môn khoa học xã hội.
“Ngay từ đầu năm, nhà trường đã có khảo sát nhu cầu của các em xem định hướng ra sao, phân loại các em chọn tổ hợp thi nào để ổn định luôn. Do đó, việc tuyển sinh dễ dàng và không bị quá vất vả”, cô Nhiếp chia sẻ.
Cũng theo cô Nhiếp, so với năm ngoái, tỉ lệ lựa chọn giữa hai tổ hợp thi cân bằng hơn vì năm ngoái, tỉ lệ lựa chọn bài thi môn xã hội cao hơn. Điều này theo Hiệu trưởng Nhiếp, một phần do nhà trường đã phân tích năng lực, sở trường của các em ngay từ đầu, trên cơ sở đó mới chọn trường.
Đồng thời, vào đầu năm học, bản thân hiệu trưởng cũng có hẳn bài học về việc chọn ngành nghề. Vậy nên các em đã có lựa chọn cân bằng, đúng với sở trường và năng lực.
Cân nhắc lựa chọn phù hợp
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã chứng kiến số lượng học sinh lựa chọn bài thi Lịch sử trong tổ hợp bài thi Khoa học xã hội còn cao hơn cả Toán học.
Điều này khác biệt với mọi năm. Nguyên nhân, theo một số chuyên gia giáo dục, lựa chọn này giúp các em dễ lấy điểm hơn.
Cụ thể, với bài thi môn khoa học xã hội, HS có thể gặp khó khăn ở môn lịch sử nhưng với môn địa và giáo dục công dân, các em có nhiều cơ hội lấy điểm cao hơn. Môn địa được sử dụng Atlat, còn giáo dục công dân có những kiến thức gần với thực tế nên HS không cần học thuộc lòng nhiều…Theo lãnh đạo một số trường trung học phổ thông, việc khảo sát ban đầu thường chính xác đến trên 90% vì học sinh có sự lựa chọn sớm nhằm ổn định quá trình học và ôn luyện.
Đưa ra lời khuyên cho các sĩ tử, cô Nhiếp cho rằng, các em cần phân tích điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có lựa chọn sáng suốt hơn. Được biết sang tuần sau, trường này tiếp tục có hoạt động tư vấn cho học sinh trước khi các em đặt bút làm hồ sơ dự thi, sao cho các em có thể chọn được ngành nghề phù hợp nhất với năng lực.
Còn theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN, nếu lựa chọn tổ hợp xét tuyển không phù hợp với năng lực, các em sẽ theo học rất vất vả, và thực tế đã có những em phải “đúp” hoặc chuyển ngành vì không theo học nổi hết chương trình đào tạo. Sẽ là lãng phí thời gian, tuổi trẻ và tiền bạc cho thí sinh và ảnh hưởng tới chất lượng cũng như uy tín của cơ sở đào tạo.
Tuyển sinh năm 2018, thí sinh như lạc vào “ma trận” tổ hợp xét tuyển của các trường đại học nên rất lúng túng cho việc lựa chọn. Chia sẻ với các thí sinh, GS Nguyễn Đình Đức cũng cho rằng, tổ hợp xét tuyển mới hay truyền thống không quan trọng bằng việc xem xét năng lực và kiến thức của mình có phù hợp với ngành học hay không.
“Nếu chọn ngành toán hoặc CNTT mà chọn tổ hợp Văn, Sử, Địa, là không phù hợp. Nhưng nếu thí sinh chọn ngành báo chí chẳng hạn, trước kia chọn khối C (Văn, Sử, Địa) mà nay lại chọn tổ hợp Toán, Văn, Ngoại ngữ, “lạ” so với truyền thống, nhưng lại rất phù hợp”.
Chính vì vậy, GS Đức khuyên các thí sinh nên nghiên cứu kỹ thông tin tuyển sinh của các Trường ĐH, CĐ, tương ứng; tìm hiểu kỹ các chương trình đào tạo mà các em muốn theo học, xem mình có phù hợp không để cân nhắc lựa chọn tổ hợp xét tuyển cũng như lựa chọn ngành nghề cho phù hợp.
Theo Dantri