Đây là một trong những câu hỏi của thí sinh trong buổi giải đáp thắc mắc về quy chế thi THPT quốc gia 2018.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học và ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đã giải đáp những thắc mắc của thí sinh về kỳ thi THPT quốc gia 2018.
– Nếu trong bài thi trắc nghiệm khách quan mà em chỉ chọn 1 đáp án cho cả toàn bài thi thì bài thi của em có bị hủy không?
Trong quy chế thi năm 2018 của Bộ Giáo dục thì không quy định việc khoanh 1 đáp cho toàn bài thi là phạm quy. Như vậy các em hoàn toàn có thể lựa chọn phương án làm bài thi này.
Tuy nhiên có một điểm lưu ý rất quan trọng với các em là năm 2017 đã có một số thí sinh thực hiện phương án này và có thí sinh đã bị điểm liệt. Và khi bị điểm liệt của một môn trong một bài thi trắc nghiệm thì toàn bộ bài thi đó của em bị điểm liệt, em sẽ không được xét tốt nghiệp.
Năm nay, Bộ GD&ĐT có xuất bản cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng” như những năm trước không? Nếu có thì khi nào sẽ phát hành? Hiện nay có nhiều cơ sở đã ra cuốn cẩm nang riêng về chọn trường chọn ngành nhưng em không thấy đầy đủ bằng cuốn chính thống.
Từ vài năm nay, Bộ GD&ĐT đã không ban hành cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng”.
Một lưu ý đối với các em sử dụng cuốn cẩm nang của các cơ sở hiện nay phát hành là năm 2017, có nhiều trường hợp các em sử dụng thông tin từ cuốn cẩm nang này có nhiều sai sót dẫn đến việc các em không thể nhập mã trường, mã ngành vào cổng thông tin tuyển sinh THPT quốc gia.
Hiện nay để có được mã trường, mã ngành đúng, các thí sinh nên sử dụng từ 2 nguồn thông tin:
+ Thông tin chính thức từ Bộ Giáo dục trên trang web: thituyensinh.vn
Tại đây cũng sẽ có đề án tuyển sinh của tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về các ngành, chuyên ngành của các trường.
+ Thông tin chính thức từ các trường đại học được đăng tải trên website của trường.
– Điều kiện xét tuyển thẳng vào các trường sư phạm là lớp 12 phải đạt học sinh giỏi. Vậy yêu cầu này chỉ áp dụng với thí sinh xét học bạ hay với cả thí sinh xét điểm của kỳ thi THPT quốc gia nữa?
Em đang nhầm lẫn giữa điều kiện xét tuyển thẳng và điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường sư phạm.
Đối với những trường đào tại ngành sư phạm hệ đại học, Bộ GD&ĐT có quy định là nếu trường sử dụng phương thức xét học bạ thì thí sinh phải đạt từ học sinh giỏi lớp 12 trở lên mới được nộp hồ sơ xét tuyển. Đối với trường đào tạo ngành sư phạm hệ cao đẳng, trung cấp yêu cầu thí sinh phải có học lực lớp 12 đạt loại khá.
Đối với những ngành đào tạo sư phạm đặc thù như âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất… các em chỉ cần có học lực trung bình thì có thể nộp hồ sơ xét tuyển.
Các trường sư phạm sử dụng điểm của kỳ thi THPT quốc gia 2018 để xét tuyển thì sau khi có kết quả của kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào.
– Em thi vào trường đại học sư phạm nhưng ngành học không phải là sư phạm thì có cần đáp ứng yêu cầu phải đạt học lực loại giỏi lớp 12 không?
Em được xét tuyển như bình thường, không bị ràng buộc bởi các điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào.
– Nếu bạn A đỗ diện tuyển thẳng của một trường đại học nhưng lại không nhập học thì trường đại học có tuyển thẳng bổ sung không? Các trường này làm thế nào để lọc các hồ sơ tuyển thẳng “ảo” này?
Đối với những đối tượng có nguyện vọng xét tuyển thẳng và được xét tuyển thẳng vào các trường thì trước khi diễn ra đợt xét tuyển chung của toàn quốc thì Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các trường phải đưa danh sách những thí sinh trúng tuyển thẳng này nên trang web tuyển sinh của Bộ.
Khi các đối tượng này nhận được giấy báo nhập học diện tuyển thẳng thì các em phải làm thủ tục xác nhận nhập học vào trường đó. Khi danh sách thí sinh đỗ được đưa lên trang web của Bộ thì đây là danh sách và số lượng thí sinh nhập học chính thức diện tuyển thẳng. Như vậy trường cũng sẽ không tuyển thẳng bổ sung nữa, sẽ bớt đi phần nào hồ sơ tuyển thẳng “ảo”.
Tuy nhiên hiện nay vẫn có một phần hồ sơ tuyển thẳng “ảo” rất khó để loại được, đó là thí sinh trúng tuyển thẳng vào một ngành rồi nhưng lại lựa chọn đi học nước ngoài hoặc đỗ thẳng ngành nguyện vọng 1 rồi nhưng lại đợi đợt 2 xét tuyển vào ngành khác. Thực tế rất khó để giảm được hiện tượng này.