Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Bộ GD&ĐT đã quyết định sẽ không xây dựng đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Thí sinh am hiểu kiến thức về xã hội sẽ có lợi thế khi làm bài thi.
Có thể nhận thấy xu hướng ra đề thi mở không còn chỉ giới hạn trong các môn khoa học xã hội mà còn mở rộng với tiếng Anh, Lịch sử, Sinh học, Vật lý, Hóa học. Chính vì vậy thí sinh ngoài các kiến thức trong sách giáo khoa cần nắm chắc cả các kiến thức thời sự “nóng” xảy ra trong thời gian gần đây.
Để làm được điều đó, ngoài việc tập trung toàn lực vào việc ôn thi THPT Quốc gia, các thí sinh cũng nên “bám” lấy tivi để có thể đảm bảo mình sẽ giải quyết được những câu hỏi mở, gắn liền thực tiễn và câu hỏi vận dụng cao.
Nguyễn Lan Anh, học sinh trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Em và các bạn đều tự giác vừa ôn thi vừa xem tivi, đặc biệt là các bản tin thời sự trên truyền hình, đọc báo những sự kiện nổi bật, được nhiều người quan tâm vì bất cứ vấn đề nào cũng có thể được đề cập đến trong đề thi. Hơn nữa bản thân em cũng nhận thấy, việc theo dõi các thông tin thời sự kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội không chỉ tốt cho kỳ thi sắp tới mà còn thực sự xây dựng cho học sinh chúng em thói quen tốt trong việc tích lũy kiến thức thực tế thay vì chỉ biết chăm chú vào học kiến thức sách giáo khoa”…
PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT chia sẻ đề thi THPT quốc gia năm nay gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao, về cơ bản giữ ổn định như kỳ thi năm 2015. Xu hướng của đề thi những năm gần đây ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, tăng cường câu hỏi mở, gắn liền thực tiễn và câu hỏi vận dụng, bảo đảm độ phân hóa cao, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Cũng trong công văn hướng dẫn ôn thi THPT Quốc gia 2016, Bộ cũng cho biết đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước.
Nhưng có lẽ đề thi mở đang khiến nhiều học sinh e ngại khi sợ phải tiếp cận với những vấn đề bản thân chưa từng tiếp xúc. Chẳng hạn trong đề thi giữa kỳ của học sinh một trường ở Vũng Tàu đưa câu hỏi liên quan đến bộ phim “Hậu duệ mặt trời”, một bộ phim truyền hình Hàn Quốc đang rất nổi tiếng. Tại trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, câu hỏi về bộ phim này cũng được đưa vào đề kiểm tra 15 phút môn tiếng Anh trong phần thi trắc nghiệm.
Hay như đề thi thử nhận được nhiều sự ủng hộ của thí sinh do TS Phạm Hữu Cường, giáo viên Ngữ văn đăng tải cũng liên quan đến một bài hát nổi tiếng của ca sĩ Trần Lập. Bên cạnh đó, virut Zika cũng xuất hiện trong đề thi thử của khá nhiều trường ở môn Tiếng Anh, Hóa học, Ngữ văn, Sinh học.
Trước xu hướng này, có ý kiến không ủng hộ khi cho rằng sẽ không thỏa đáng bởi nếu là học sinh ở vùng quê thì khả năng lớn các em sẽ không biết ca sĩ Trần Lập là ai, Hậu Duệ mặt trời là phim gì hay Virus Zika là bệnh như thế nào….
Ngoài các vấn đề trên, trong quá trình cập nhật thông tin thời sự thí sinh cần đặc biệt chú ý đến các vấn đề sau:
- Biển đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ với biển đảo của đất nước
- Thực phẩm bẩn và lương tâm con người
- Sự vô tâm của con người nhìn từ vụ án ở Bình Phước
- Ý thức con người về biến đổi khí hậu…
- Nghị lực sống của con người (Qua tấm gương Trần Lập, chú lính chì dũng cảm Nguyễn Thiện Nhân…)
- Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây
- Chiến tranh biên giới 1979….
- Thời cơ và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP
- Lời dạy xúc động của PGS Văn Như Cương
Để khắc phục được lỗ hổng kiến thức xã hội, giáo viên vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải là người bổ khuyết kiến thức, không để các em thiệt thòi. Trong mỗi giờ học, giáo viên cần lồng ghép các vấn đề thời sự để lấy ý kiến học sinh, định hướng làm bài.