Để có thể chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới, thí sinh cần lưu ý những điểm dưới đây để có thể đạt điểm trong từng câu hỏi thuộc đề thi môn Toán.
1. Bài toán về khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị hàm số.
Đây là câu hỏi tương đối dễ giúp thí sinh có thể ăn điểm tuyệt đối. Điều thí sinh cần lưu ý là tính toán thật cẩn thận từng chi tiết bởi thí sinh rất có thể sẽ mắc phải những lỗi cơ bản như: thiếu kí hiệu gốc tọa độ, thiếu x, y, không chia độ; Vẽ đồ thị không có đối xứng, vẽ lơ lửng hay không xác định tọa độ các giao của đồ thị với hai trục một cách chính xác (đó là căn cứ để nhìn đồ thị trong khi chấm bài).
2. Xác định giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hàm số.
Tùy theo tính chất của tập xác định được nêu trong bài, thí sinh tìm cách phù hợp nhất. Đồng thời thí sinh cũng cần chú ý đến các kiến thức như: Tính đơn điệu của hàm số, bài toán tìm cực trị của hàm số, bài toán tiếp tuyến của đồ thị, ….
3. Câu hỏi có thể rơi vào số phức và phương trình logarit
Với câu hỏi số phức, thí sinh chỉ cần biết các công thức cơ bản, các thao tác tính toán đơn giản là có thể làm được. Điều quan trọng là phải thực hành cẩn thận, tránh sai lầm trong tính toán.
Với câu hỏi về phương trình logarit, thí sinh cần nắm chắc các điểm sau: phương trình và bất phương trình mũ, phương trình và bất phương trình logarit, bài toán liên quan đến bất phương trình. Đặc biệt cần chú ý đặt điều kiện xác định và kiểm tra trước khi đưa ra kết luận
4. Bài toán về tích phân.
Nếu rơi vào dạng bài này, thí sinh cần nắm vững hai phương pháp tính là phương pháp biến đổi và phương pháp tích phân từng phần, ứng dụng để tính tích phân…
5. Bài toán tọa độ trong không gian.
Với dạng bài này, thí sinh cần ôn đầy đủ về cách viết phương trình của mặt phẳng, của đường thẳng, của mặt cầu….
6. Câu hỏi về lượng giác hoặc bài toán về tổ hợp
- Với bài toán về lượng giác trước hết thí sinh cần học thuộc và biết cách sử dụng các công thức biến đổi lượng giác
- Với bài toán về tổ hợp cần chú trọng các kiến thức về hoán vị, chỉnh hợp, tổ hợp, xác suất và nhị thức newton.
7. Hình học không gian.
Để làm tốt dạng bài này, thí sinh cần ôn lại các kiến thức về hình học ở lớp 11 như: góc của hai đường thẳng, góc của đường thẳng và mặt phẳng, góc của hai mặt phẳng, xác định hình chiếu của một điểm lên mặt phẳng….
8. Bài toán về tọa độ trong của mặt phẳng
Để có thể ăn điểm phần này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức vững về hình học phẳng từ các tính chất trong tam giác tới phép đối xứng đồng thời phải có sự kết hợp, phân tích để tìm ra các giải.
9. Phương trình có chứa căn thức.
Đây là câu hỏi tương đối khó thí sinh cần chuẩn bị ôn tập một cách có hệ thống về phương trình, bất phương trình và hệ phương trình từ những lớp dưới.
10. Bài toán tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của một biểu thức
Đây là câu hỏi khó nhất trong đề thi đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức thật vững chắc về bất đẳng thức cùng khả năng biến đổi các hằng đẳng thức một cách uyển chuyển nhất để đưa đến các bất đẳng thức thích hợp.