Bộ GD&ĐT ban hành quy chế mới bỏ việc làm tròn đến 0,25 điểm cho bài thi trắc nghiệm. Như vậy năm nay, nếu như thí sinh đạt được 4,99 điểm cũng không được cộng tròn thành 5 điểm.
Về việc chấm thi trắc nghiệm theo quy chế năm 2015 quy định: Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm. Quy chế mới năm 2016 quy định: Tổ chấm thi tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.
Điều này đồng nghĩa với việc hội đồng chấm thi có thể lấy đến 0,01 điểm. Như vậy năm nay, nếu thí sinh được 4,99 điểm cũng không được cộng tròn thành 5 điểm, chỉ trong trường hợp là 4,995 điểm trở lên thì mới được cộng tròn điểm.
Đối với việc chấm thi Bộ quy định rõ, các trưởng môn và cán bộ chấm thi phải là các cán bộ, giáo viên THPT; cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng. Mỗi môn thi phải có ít nhất từ ba cán bộ chấm thi trở lên là những người đang trực tiếp giảng dạy đúng môn được phân công chấm thi. Những giảng viên, giáo viên đang trong thời kỳ tập sự và thành viên của ban thư ký, ban làm phách của Hội đồng thi không được chấm thi.
Đồng thời Bộ GD&ĐT đã có yêu cầu gửi đến các hội đồng chấm thi phải siết chặt quy định về chấm phúc khảo bài thi. So với dự thảo đã ban hành trước đó, thông tư sửa đổi chính thức bổ sung một số nội dung nhằm quy định chặt chẽ hơn nữa về kết quả chấm bài thi phúc khảo. Quy chế mới cũng bổ sung quy định: Bài thi có điểm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được tiến hành điều chỉnh điểm.
Bộ cũng đã có barem điểm số trong việc chấm thi. Nếu có sự chênh lệch đến 0,5 điểm thì các cặp chấm thi sẽ phải đối chất với nhau. Nếu đối chất thì cán bộ chấm thi sẽ tìm ra sự đúng-sai trong việc chênh lệch điểm. Cán bộ chấm sai thì sẽ bị hội đồng chấm thi đánh giá về trình độ chuyên môn, năng lực. Chính vì vậy họ phải có trách nhiệm, cẩn trọng trong việc chấm bài của thí sinh.
Xem thêm: