Không học trường chuyên cũng không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, Trang, ở Hưng Yên, thấy mình có ít cơ hội vào đại học hơn hẳn bạn bè thành phố.
Từ Hưng Yên lên Đại học Bách khoa Hà Nội dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2022 sáng 8/5, Trang tham quan cả các gian tư vấn của nhóm trường kinh tế. Nghe nhiều bạn đặt câu hỏi về phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT, Trang có phần chạnh lòng vì em không có cơ hội sử dụng phương thức đó.
Đặt mục tiêu cao nhất vào Đại học Thương mại, Trang đã rất lo lắng khi đọc phương thức tuyển sinh dự kiến hồi đầu năm. Năm nay, trường sử dụng các phương thức: Xét bằng kết quả thi tốt nghiệp (45-50%); Xét học bạ (đối với học sinh trường chuyên) và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (10%) và xét kết hợp, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, khảo thí quốc tế hay giải học sinh giỏi (45-50%).
Không phải học sinh chuyên, không có chứng chỉ quốc tế như IELTS hay SAT, cũng không có giải thưởng cấp tỉnh, Trang nhẩm tính mình mất đi một nửa số cơ hội. Một số trường kinh tế có xét tuyển học bạ với học sinh trường không chuyên. Nhưng với điểm trung bình ở mức hơn 8, Trang tự thấy cơ hội trúng tuyển bằng phương thức này cũng không cao. Em chỉ còn biết trông chờ vào kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và thi tốt nghiệp THPT.
Nữ sinh Hưng Yên cho rằng không chỉ em mà nhiều học sinh ở các vùng nông thôn cũng chung cảm giác lo lắng vì cơ hội vào đại học hẹp hơn các bạn thành phố. Trang ví dụ ở Hà Nội, số trường chuyên nhiều hơn, các bạn được đầu tư học tiếng Anh tốt hơn và tiếp cận với việc lấy chứng chỉ như IELTS, TOEFL hay SAT sớm hơn. “Nhờ vậy, các bạn có thể xét tuyển bằng nhiều phương thức hơn vào nhiều ngành của rất nhiều trường. Rõ ràng cơ hội trúng tuyển lớn hơn chúng em rất nhiều”, Trang nhận định.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, nhiều phụ huynh và thí sinh cũng bày tỏ lo lắng tương tự khi nhiều trường giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT – phương thức mọi thí sinh có thể sử dụng. Điều này có thể khiến những em ở vùng khó khăn không thể cạnh tranh với thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi.
Trước lo lắng này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định hầu hết trường vẫn sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT bên cạnh nhiều phương thức khác, trong đó có các trường lớn.
“Số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có giảm đi nhưng chỉ là sự dịch chuyển giữa hai phương thức chính là xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ”, bà Thủy nói và dẫn chứng thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm gần đây cho thấy 90% chỉ tiêu vào đại học vẫn xét bằng hai phương thức quen thuộc này, chỉ 10% xét bằng các phương thức khác như sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hay kết hợp chứng chỉ quốc tế. Bà khẳng định phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ vẫn là chủ yếu, sẽ không ảnh hưởng lớn đến thí sinh ở các vùng khó khăn.
Cũng theo bà Thủy, các trường đại học sẽ dần chuyển xu thế sang đánh giá năng lực với những phương thức tuyển sinh khác phù hợp với yêu cầu của từng trường và lĩnh vực đào tạo. Tuy nhiên hiện tại, các phương thức tuyển sinh đại học vẫn khá ổn định và rất thuận lợi cho thí sinh.
“Không trúng tuyển trường này, các em vẫn có cơ hội ở rất nhiều trường khác. Tất nhiên, khi mong muốn đỗ những trường top đầu thì mức độ cạnh tranh lúc nào cũng cao, dù bằng phương thức nào”, bà Thuỷ nói thêm.
Trấn an phụ huynh và học sinh, GS Nguyễn Tiến Thảo, Phó ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh không chỉ thí sinh cạnh tranh với nhau mà các trường đại học cũng cạnh tranh để có được những sinh viên tốt nhất. Vì vậy, thay vì lo lắng, ông Thảo khuyên các em tập trung chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực hay thi tốt nghiệp THPT.
“Những em có năng lực không cần lo lắng vì vẫn có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường phù hợp”, ông Thảo nói.
Hiện nay tồn tại khoảng 20 phương thức tuyển sinh đại học, nhiều trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp. Tại hội nghị tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm 16/3, bà Thủy cho biết cách làm này không sai nhưng việc nhiều trường phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức không hợp lý có thể gây ra khó khăn cho thí sinh.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường cần đảm bảo nguyên tắc ổn định. Đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần có lộ trình giảm (chẳng hạn không quá 30% tổng chỉ tiêu mỗi năm) để không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của học sinh.