Nói chuyện với học sinh Bắc Giang ngày 6/4, ông Mai Văn Trinh (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) lưu ý một số điều về thi THPT quốc gia năm 2019.
Tại Trường THPT Yên Thế, học sinh nắm khá chắc về các quy chế cũng như điều chỉnh mới ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Nhiều em đặt ra câu hỏi về việc liệu có đảm bảo độ khó giữa các đề thi ở các mã đề.
Một nữ sinh hỏi: “Đề thi tham khảo năm nay dễ hơn nhiều so với đề thi thật năm ngoái, không biết khi thi thật thì độ khó có chênh lệch nhiều không?”
Ông Trinh động viên các em có thể yên tâm khi Bộ xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi trắc nghiệm theo khoa học về lĩnh vực khảo thí, xây dựng đề thi.
Để đáp ứng mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia, trong đề thi sẽ có nhóm những câu hỏi đáp ứng ngưỡng căn bản để phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp, sau đó sẽ có những câu hỏi khó dần lên, nhằm phân hóa hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ.
“Đề thi tham khảo năm nay có giá trị tham khảo rất tốt cho đề thi thật tới đây”, ông Trinh nhấn mạnh.
Về đăng ký các nguyện vọng ĐH, CĐ, ông Trinh cho hay về mặt nguyên tắc thì thí sinh được đăng ký không hạn chế, tuy nhiên nên nắm bắt thông tin, suy nghĩ kỹ và đăng ký trong vòng 5 nguyện vọng trở lại.
Tại Trường THPT Lạng Giang số 2 và THPT Thái Thuận, nhiều học sinh cũng bày tỏ lo ngại việc gian lận, tiêu cực diễn ra ở các địa phương.
Em Từ Phương Anh (Trường THPT Lạng Giang) chia sẻ em mong muốn các địa phương không để tiêu cực diễn ra như năm ngoái và đều thực hiện các công tác coi thi, chấm thi công bằng để các em có được cơ hội tốt nghiệp hay vào các trường đại học như nhau.
“Như năm ngoái có vẻ như các bạn ở các gia đình có điều kiện lại có điểm cao hơn, trong khi chúng em là những người học thật có thể sẽ phải chịu thiệt thòi và mất cơ hội đỗ đại học”.
Trước những lo lắng của học sinh, ông Trinh trấn an:
“Ngay từ bây giờ, các em không nên nghĩ đến ý định gian lận. Bộ GD-ĐT sẽ cùng 63 tỉnh, thành phố nỗ lực cố gắng để làm sao mang đến cho các em một kỳ thi an toàn, nghiêm túc với một loạt các giải pháp. Dù công nghệ cao đến mấy cũng sẽ bị phát hiện ra”.
Ông Trinh cũng mong muốn các học sinh truyền tải thông điệp này tới phụ huynh.
Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, đúng quy chế, ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cho hay đã quán triệt mỗi vị trí, thành viên tham gia vào kỳ thi này cần phải thực hiện tròn và rõ vai, thực hiện nguyên tắc 5 rõ: Rõ người – Rõ công việc – Rõ quy trình- Rõ trách nhiệm – Rõ kết quả.
Sở GD-ĐT cũng cho hay rất chú tâm trong việc lựa chọn những người để thực hiện những công tác tổ chức kỳ thi, đặc biệt đối với các vị trí “nhạy cảm” càng đòi hỏi, phẩm chất, trách nhiệm cao hơn.
Cũng trong ngày 6/4, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cũng đi kiểm tra công tác chuẩn bị tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
Theo ông Trinh, đây mới chỉ là những bước đầu trong công tác chuẩn bị do đó các địa phương vẫn cần tiếp tục làm việc tập trung, tập huấn chặt chẽ để đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra nghiêm túc, công bằng.