Có tổng điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của Trường ĐH Sài Gòn đến 3,5 điểm, thí sinh Đoàn Văn Tú vô cùng bức bối khi không có tên trong danh sách trúng tuyển vì một công thức em không hề hay biết.
Thí sinh Đoàn Văn Tú (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) đã tốt nghiệp trung cấp năm 2014 (tương đương THPT) có học lực khá với điểm trung bình 7,2. Năm nay Tú dự thi THPT quốc gia 2019 để lấy điểm xét tuyển đại học và đạt điểm số môn Ngữ văn là 5.5.
Tú đăng ký nguyện vọng 1 ngành Sư phạm âm nhạc (tổ hợp N01) của Trường ĐH Sài Gòn và có kết quả thi năng khiếu khá tốt (Năng khiếu 1: 8 điểm; Năng khiếu 2: 8 điểm).
Như vậy tổng điểm của Tú (gồm môn Văn và 2 môn Năng khiếu) là 21.5, tức cao hơn điểm chuẩn của ngành Sư phạm Âm nhạc tới 3,5 điểm (điểm chuẩn ngành học này năm 2019 là 18). Tuy nhiên, khi xem kết quả trúng tuyển của Trường ĐH Sài Gòn công bố, Tú không thấy thông tin về mình.
“Gia đình tôi có liên hệ tới phòng đào tạo của nhà trường và tôi cũng đến hỏi trực tiếp thì đều nhận được cùng một câu trả lời là: “Ngành Sư phạm Âm nhạc bị lỗi kỹ thuật, chiều nay, tối nay hoặc ngày mai tra cứu lại”. Trưa ngày 10/8, một chuyên viên phòng đào tạo gửi email trả lời rằng tôi thiếu điều kiện điểm môn Văn. “Theo quy định của Bộ thì các ngành sư phạm phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng quy định. Vì trường chỉ xét môn Văn nên theo công thức: điểm môn Văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6 trở lên thì mới đạt điểm sàn. Theo cách tính này thì điểm tôi là 5,5+(0,25/3) bé hơn 6”, Tú nói về thông tin của trường.
Theo Tú, công thức này chưa từng được nhà trường công bố mà cũng không có trong quy định của Bộ GD-ĐT.
“Xin hỏi quy định “Văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6” ở đâu ra? Ngày 21/7/2019, Trường ĐH Sài Gòn ra thông báo “Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào” (điểm sàn) với công thức: Điểm sàn = tổng điểm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính) + điểm ưu tiên khu vực + điểm ưu tiên đối tượng.
Ngành Sư phạm Âm nhạc có điểm sàn 18, vì sao không đính kèm theo điều kiện “Văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6 trở lên” để tôi chuẩn bị tâm lý và rút nguyện vọng sớm? Dẫn đến trường hợp tôi nghĩ mình đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn và đăng ký nguyện vọng 1, đồng thời trên hệ thống truy cập thông tin của Bộ GD-ĐT http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn cũng hiển thị nguyện vọng của tôi là “hợp lệ”?
Vì sao các chuyên viên phòng đào tạo không trả lời tôi có điều kiện phụ về cách tính điểm môn Văn khi tôi đến gặp trực tiếp mà chỉ báo rằng “lỗi kỹ thuật”. Để đến ngày hôm nay mới cho tôi công thức làm tôi hụt hẫng.
Nếu Trường ĐH Sài Gòn sử dụng kết quả THPT quốc gia, phải thực hiện theo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là “điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định”. Vậy công thức: “Văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6” có phù hợp không? Văn bản nào của Bộ GD-ĐT quy định như thế hay là quy định riêng của trường này?”, thí sinh thắc mắc.
Đặt hết toàn bộ hy vọng vào nguyện vọng 1 ngành Sư phạm âm nhạc của Đại học Sài Gòn, Tú thật sự sửng sốt với thông tin cách tính điểm mà không hề được công khai trên bất cứ một phương tiện thông tin đại chúng nào.
“Nếu áp dụng công thức “điểm môn Văn + 1/3 điểm ưu tiên phải tối thiểu bằng 6 mới đủ điều kiện vào ngành Sư phạm Âm nhạc” thì phải công bố cho tất cả các thí sinh được biết, đằng này phía thí sinh chúng tôi không có một thông tin gì để chuẩn bị tâm lý, đến khi có điểm chuẩn mới xuất hiện công thức này”.
Quá bức bối, em đã gửi phản ánh đến báo VietNamNet với hy vọng được gửi ý kiến tới Bộ GD-ĐT để giải quyết trường hợp này.
Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, trường hợp này thí sinh không đủ điểm sàn theo quy định của quy chế tuyển sinh ĐH đối với các ngành sư phạm.
Cụ thể, ở khoản 3 Điều 2 nêu rõ: “Đối với các ngành đào tạo giáo viên, các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng – Hàm – Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế này.
Cụ thể, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định”.
Bà Phụng cho biết, như vậy, điểm sàn hệ đại học đối với các ngành sư phạm là 18 (mức điểm đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực) thì sàn 1 môn văn hoá để xét tuyển vào các ngành sư phạm, trình độ đại học là 6. Như vậy cách tính mà Trường ĐH Sài Gòn đưa ra là không sai.
“Điều 2 của Quyết định Số 2084/QĐ – BGDBT cũng nhắc đến việc các trường sử dụng quy chế để xác định điểm sàn. Tức là trường sử dụng 2 môn thì điểm sàn 2 môn = điểm sàn 3 môn Bộ công bố chia 3 x 2. Nếu trường sử dụng 1 môn thì điểm sàn 1 môn = điểm sàn 3 môn Bộ GD-ĐT công bố chia 3. Trong trường hợp này, thí sinh được 5,5 điểm môn Ngữ văn thì chưa đạt sàn môn văn hoá theo quy định trên”, bà Phụng nói.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng có thể công tác công bố thông tin của trường không được rõ nhưng tổng thể, không thể nói thí sinh không nắm được quy chế Bộ GD-ĐT ban hành.
“Chúng tôi cũng cảm thấy rất tiếc và chia sẻ với trường hợp của thí sinh khi em có mức điểm các môn năng khiếu khá cao. Tuy nhiên đã là quy chế tuyển sinh quy định chung thì buộc tất cả phải tuân thủ. Trường hợp của thí sinh hãy xem xét các trường tuyển bổ sung để nộp hồ sơ nguyện vọng”.
Quy chế có thể rất chuẩn nhưng việc nhà trường không công bố mà công bố điểm sàn chung cộng với cách tính điểm sàn như đại diện Bộ GD-ĐT phân tích thì với hiểu biết và khả năng bao quát thông tin của đối tượng là thí sinh là rất khó để hiểu, để tiện theo dõi. Theo quy chế, thí sinh Tú đã không trúng tuyển, nhưng rõ ràng hệ thống công bố thông tin của trường còn nhiều vấn đề cần xem xét lại.