Vật vã ôn đề cương, sợ điểm thi không cao, sợ ánh mắt thất vọng của bố mẹ… Chỉ là đợt kiểm tra học kỳ nhưng kéo theo những áp lực không đáng có.
Học sinh giỏi cũng hoảng loạn
Mới đây, một nữ sinh là học sinh giỏi đang học lớp 9 đã đăng lên một diễn đàn kêu cứu bày tỏ tình trạng, sự hoảng sợ của mình trong đợt kiểm tra học kỳ. Em vốn là một học sinh giỏi nhiều năm liền, luôn là niềm tự hào của bố mẹ, thầy cô nhưng khoảng 2 – 3 tháng gần đây, lực học của em giảm sút và em không kiểm soát được cảm xúc.
Em hay khóc, có khi chỉ là một suy nghĩ xoẹt qua, rồi buồn chán, bồn chồn… không tập trung được bài vở. Em nhốt mình trong phòng với những đề cương dày cộp đến 1 – 2 giờ sáng, ôn không vào nhưng không ngủ được. Em thấy mình kém cỏi, vô dụng nhưng chẳng biết phải nói với ai. Bố mẹ, thầy cô thấy em lơ lãng, lại càng nhắc: Lo ôn bài cho tốt!
“Thi học kì em sợ điểm sẽ không cao, em sợ nhìn vào ánh mắt thất vọng của ba mẹ lắm. Ba mẹ chưa bao giờ la mắng em, nhưng những câu nói như “ba mẹ chỉ có niềm tự hào là hai đứa con”… lại đặt cho em một thứ áp lực kinh hoàng.
Nếu em không đạt học sinh giỏi, em nhìn ra được ánh mắt ấy, dù ba mẹ không nói gì cả. Những điều ấy bào mòn em mỗi ngày một, làm em mất động lực để sống tiếp”, nữ sinh chia sẻ.
Hay một học sinh lớp 6 khác cũng bày tỏ sự buồn bã khi em… chỉ đạt 9,5 điểm môn Lý. Và thầy cô, bố mẹ còn nói, nếu cố gắng thì đã đạt điểm 10.
Vật vã làm đề cương, căng thẳng với bài kiểm tra học kỳ
Trong những ngày qua, học sinh ở TPHCM trải qua đợt kiểm tra học kỳ 1 của năm học. Một đợt kiểm tra định kỳ thông thường nhưng nhiều nơi, hay nhiều giáo viên biến thành một kỳ thi quan trọng và căng thẳng.
Học sinh nhiều trường phải ôn từng tập đề cương dày, môn nào cũng vậy. Có những môn hàng chục trang giấy A4, giáo viên yêu cầu học sinh phải làm hết để đảm bảo cho bài kiểm tra. Để giải quyết đống đề đề cương này, nhiều học sinh thức đêm để làm… cũng không xong. Phụ huynh lại kèm cặp, hối thúc, nhắc nhở.
Có trường, tin nhắn điện tử báo liên tục đến phụ huynh. Không chỉ cập nhật lịch thi mà thông báo, hối thúc trẻ hôm nay phải hoàn thành những bài tập nào, nội dung nào, từ môn này đến môn khác.
“Tôi chỉ đọc tin nhắn và nhìn tập đề cương của con thôi đã đủ thấy mệt thì con trẻ như thế nào. Đi học về, ăn uống đại khái rồi cắm đầu làm bài tập”, chị Nguyễn Ngọc Lan, có con học bậc THCS ở Phú Nhuận, TPHCM cho biết.
Việc học là cả một quá trình nhưng lúc này, học sinh ôn nhồi nhét, ôn lấy ôn để chỉ để làm sao đạt điểm cao nhất cho một bài kiểm tra.
Không chỉ học sinh ở lớp lớn, mà ngay ở tiểu học, tại nhiều trường, học sinh mới vào lớp 1, học chữ hơn 10 tuần lễ, cũng ôn đề cương dày cộp với những nội dung mà người lớn còn ngắc ngứ.
Chưa kể, có trường còn làm cho đợt kiểm tra trở nên nghiêm trọng khi như thể là một kỳ thi chuyển cấp hay thi THTP. Có trường tổ chức thi thử, số báo danh…
Học trò bất ổn vì điểm số
Phải nói, kỳ thi và những con điểm chẳng biết từ lúc nào như một cỗ máy “quay” học trò.
Trong một lần chia sẻ với nhà trường, phụ huynh về vấn đề học tập của con cái, ThS Đinh Thanh Phương, đang công tác tại một trường quốc tế ở TPHCM chia sẻ, bà đã gặp nhiều học trò bị ám ảnh bởi những kỳ thi, những kỳ vọng của gia đình, thầy cô… Đến ngày thi, các em đổ bệnh, hoảng loạn, sốt, nôn ói, đau bụng…
Bà Phương khuyến cáo, không chỉ những học sinh yếu mà cần lưu ý đến những em học sinh, thành tích tốt. Những lời ngợi ca của bố mẹ, người xung quanh làm em không dám dừng lại, luôn phải giồng mình để đạt kết quả tốt hơn nữa.
Điều này hình thành một sự căng thẳng vô hình lên tâm lý con trẻ. Nhiều bạn trẻ có kết quả học tập rất tốt, gia đình có điều kiện, tương lai tưởng như tươi tác nhưng kết cục có những em lại chọn cái chết vì không vượt qua nổi áp lực, kỳ vọng.
Hay có một vị phụ huynh đã thốt lên đau khổ “Học thế này con cái mình không thể làm người bình thường được”. Bà nói, bình thường sao được khi hết học ở trường rồi lại đi học thêm, đêm về làm bài, thời gian ngủ không đủ, không có thời gian vui chơi, đến ăn uống cũng phải vội vàng.
Nỗi lòng của người mẹ cũng là tâm tư của ông Nguyễn Tiến Đạt, nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM hơn một lần đặt ra vấn đề: Chúng ta đang dạy thế nào mà con trẻ bây giờ việc học không phải là sự hạnh phúc mà quay sang oán hận cha mẹ và thầy cô?
Vào thời điểm những đợt kiểm tra, nơi đến của rất nhiều học sinh là phòng khám tâm lý, bệnh viện tâm thần…