fbpx
Home Featured Theo gót các anh chị Olympia, Phan Đăng Nhật Minh nhận học bổng và lên đường du học Úc

Theo gót các anh chị Olympia, Phan Đăng Nhật Minh nhận học bổng và lên đường du học Úc

0
Theo gót các anh chị Olympia, Phan Đăng Nhật Minh nhận học bổng và lên đường du học Úc
Phan Đăng Nhật Minh sẽ hoàn thành 3 năm học cử nhân tại Đại học Swinburne, sau đó học bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Australia hoặc một quốc gia khác.

Phan Đăng Nhật Minh – cựu học sinh THPT Hải Lăng (Quảng Trị) là người giành ngôi vị Quán quân ở vòng chung kết của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” 2017.

Sau khi giành chiến thắng này, ngoài các phần thưởng có giá trị, Nhật Minh còn nhận được các suất học bổng 35.000 USD từ trường Đại học Kỹ thuật Swinburne, Úc.

Tiếp bước các anh chị trong đại gia đình Olympia, Phan Đăng Nhật Minh mới đây đã quyết định tiếp tục hành trình chinh phục giấc mơ tri thức tại Đại học Swinburne, Australia, chuyên ngành Hoá học.

Nhật Minh cho biết cậu sẽ hoàn thành tốt 3 năm học cử nhân tại Đại học Swinburne, sau đó học bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Australia hoặc một quốc gia khác.

Đại học Swinburne – ngôi trường tốt và nổi tiếng về nhóm ngành STEM, là điểm đến du học quen thuộc của các thí sinh Olympia. Hầu hết quán quân của Đường lên đỉnh Olympia đều du học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne. Và cũng rất đặc biệt, người duy nhất du học ở 1 ngôi trường khác là Lương Phương Thảo (quán quân năm thứ 3 – du học Đại học Monash, Úc) cũng là người duy nhất về Việt Nam sinh sống và làm việc.

Đại học kỹ thuật Swinburne đã tài trợ học bổng trị giá 100%, 50% và 25% cho các bạn thắng giải chung kết năm lần lượt theo thứ hạng Nhất, Nhì và Ba của Đường lên đỉnh Olympia.

Viện Đại học Công nghệ Swinburne hay Đại học Công nghệ Swinburne (Swinburne University of Technology) là một viện đại học công lập ở Melbourne, bang Victoria, Úc. Swinburne được thành lập bởi George Swinburne vào năm 1908.

Đại học Kỹ thuật Swinburne nằm trong top 3% các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu thế giới, theo nhiều danh sách xếp hạng học thuật trên thế giới.Swinburne có vị trí top 100 thế giới của bảng xếp hạng ARWU về chuyên ngành Vật Lý. Swinburne là trường duy nhất nằm ngoài nhóm 8 trường Đại học lớn nhất ở Úc (Group of Eight) được xếp trong top 100 trường đứng đầu thế giới về lĩnh vực khoa học này.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, điểm thi các môn của Nhật Minh là Toán 8,6; Ngữ văn 6,25; Vật lý 8,5; Hóa học 9; Sinh học 6,75; KHTN 8,08 và Tiếng Anh 9,6. Có thể thấy, Nhật Minh đạt điểm khá cao ở các môn khoa học tự nhiên nhưng phần thi Ngữ Văn chưa thực sự tốt như mọi người kì vọng.

Trước đó, Nhật Minh được biết đến với biệt danh “thần đồng”, khi chỉ mới là cậu học sinh cuối cấp 2, Minh đã tự mình hoàn thành xong chương trình lớp 11. Anh chàng còn từng giành giải khuyết khích cuộc thi Olympic tiếng Anh qua Internet dành cho học sinh cấp THPT vào năm học 2014-2015.

Cậu bạn này từng tham gia trò chơi truyền hình Chinh phục dành cho học sinh bậc THCS cách đây 3 năm và gây ấn tượng bởi cách suy luận sắc bén cùng tốc độ nhanh đến chóng mặt. Toán học, văn học và xã hội là 3 lĩnh vực mà Minh ghi điểm nhiều nhất. Trong cuộc thi đó, Nhật Minh đã vượt qua Hồ Đắc Thanh Chương – người vừa giành ngôi vị Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2016 – để giành giải nhất.

Kết thúc lớp 10, Nhật Minh với thành tích học sinh giỏi toàn diện nên đã được trường cử đi thi Đường lên đỉnh Olympia. Và tại cuộc thi này, Nhật Minh đã thể hiện được bản lĩnh lẫn tài năng hơn người của mình trước hàng triệu khán giả.

Anh chàng giữ cùng lúc 3 kỷ lục: Điểm thi tuần cao nhất tại Olympia 17 (400 điểm), điểm Khởi động cao nhất (110 điểm) và điểm số cao nhất trong lịch sử 17 năm Olympia (460 điểm).

Chia sẻ về áp lực của mình, Nhật Minh từng cho biết: “Nguồn cơn của áp lực mà em mang trong mình khi đến với cuộc thi từ gia đình cũng có, bạn bè cũng có, nhà trường cũng có và cả xã hội nữa. Nhất là trong khi em cũng được một số người biết đến, được đặt cho biệt danh “cậu bé Google”. Biệt danh đó gây ra một áp lực không hề nhỏ cho em và khiến em phải thi đấu thật là tốt phù hợp với sự kỳ vọng của gia đình.

Em không thích cái biệt danh ấy lắm vì thứ nhất, nó khiến em cảm thấy cái tên quá lớn lao so với em, quá mang tính khoa trương, thứ hai là bởi vì Google giống như một biển kiến thức khổng lồ mà em thì mới chỉ chạm được vào bề mặt của nó thôi. Em vẫn còn phải cố gắng thêm nhiều nữa thì mới có thể chạm được vào mức độ kiến thức mà mình mong muốn”.


Comments

comments