Không nên vội vàng
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, khuyên: “Trong những ngày đầu tiên này, thí sinh (TS) không nên quá vội vàng điều chỉnh nguyện vọng (NV) mà nên tham khảo ngành mình yêu thích ở các trường, trong đó có điểm chuẩn trong vòng 3 năm trở lại đây. Khi điều chỉnh trực tuyến, TS nên kiểm tra kỹ lại thông tin mã ngành, mã trường để tránh mất cơ hội”.
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng, cho rằng tâm lý của một số TS là điều chỉnh chậm sẽ mất cơ hội. Tuy nhiên, việc điều chỉnh NV từ ngày 19 – 28.7 đều có giá trị như nhau. “Các em đừng vội ra quyết định ngay trong mấy ngày đầu nếu chưa chắc chắn. Quan trọng nhất là chọn được ngành học, xem xét các trường có đào tạo ngành này, trong số các tổ hợp xét của trường đó thì chọn tổ hợp điểm thi cao nhất”
Theo tiến sĩ Hải, từ 15 – 20 điểm là nhóm có sự cạnh tranh rất lớn giữa các TS, đặc biệt trong nhóm ngành kinh tế, dịch vụ và công nghệ thông tin. Vì vậy, TS nên cân nhắc dựa trên điểm xét tuyển các trường vừa công bố. TS có điểm từ 13 – 15 nên chọn thêm phương án xét tuyển học bạ để tăng thêm cơ hội trúng tuyển.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhìn nhận: “TS chỉ nên điều chỉnh khi thấy điểm thi thực tế cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu mà mức chênh lệch đó là đáng lo lắng so với điểm xét tuyển”.
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng việc điều chỉnh là hết sức cần thiết nếu như trước đây đặt kỳ vọng vào các trường tốp trên, nhưng kết quả điểm thi không được như mong muốn. “Ngược lại, nếu kết quả điểm thi tốt, trước đây các em đánh giá khiêm tốn khả năng, thì đây là cơ hội để các em có thể tìm được trường mong muốn nhưng trước đây không dám đăng ký”, ông Minh nhận định.
Hầu hết các chuyên gia đều khuyên, TS không bị giới hạn số lượng NV, vì vậy thay vì điều chỉnh, TS nên tăng thêm một số NV phù hợp.
Ngành nào sẽ có điểm chuẩn cao hơn sàn?
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Ngôn ngữ Anh, sư phạm tiếng Anh và sư phạm toán là 3 ngành có điểm “sàn” rất cao, từ 19 – 20 điểm. Nếu thí sinh đạt 22 điểm thì cũng có thể đặt hy vọng vì phổ điểm năm nay thấp”.
Tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, điểm sàn xét tuyển vào trường là 15,5 điểm nhưng riêng 2 ngành kiến trúc và thiết kế nội thất là 18 điểm. “Ngành nào có nhiều TS đăng ký, có sức hút, có truyền thống tại trường thường có mức điểm chuẩn cao hơn các ngành khác. Ví dụ kiến trúc và thiết kế nội thất”, thạc sĩ Võ Văn Tuấn, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho hay.
Trong khi đó, thạc sĩ Dương Duy Khải, Phó giám đốc tuyển sinh khu vực, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng thông tin trường có 2 ngành không xét học bạ là y đa khoa và y học dự phòng, đồng thời đây cũng là 2 ngành có điểm sàn và dự kiến điểm chuẩn cao hơn hẳn. Được biết, điểm xét tuyển ngành y đa khoa của trường là 19 điểm, y học dự phòng là 17.
Tại Trường ĐH Lạc Hồng, nếu TS có mức điểm từ 14, 15 có thể xét tuyển vào hầu hết các ngành của trường, tuy nhiên để xét tuyển ngành dược thí sinh phải 16, ô tô 15, còn hóa học, sinh học, môi trường là 17. Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM cũng có các mức điểm khác nhau, trong đó luật quốc tế cao nhất, từ 17 điểm. Các ngành quan hệ quốc tế, kinh doanh quốc tế là 16 điểm, các ngành còn lại 15 điểm. Với phương thức xét tuyển học bạ THPT, trường nhận từ mức điểm 18 – 22, tùy tổ hợp môn.
Đối với Trường ĐH Việt Đức, năm nay trường vẫn duy trì điểm sàn là 20. Các ngành như khoa học máy tính, kỹ thuật cơ khí thì điểm trúng tuyển có khả năng sẽ cao hơn.
Theo thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, khối ngành sư phạm ở trường có xét tuyển điểm thi THPT quốc gia với mức điểm từ 10 trở lên, hoặc mỗi môn 5,5 xét theo học bạ.
Theo Thanhnien