Nắm chắc lý thuyết, liên hệ thực tiễn, sơ đồ hóa tình huống là những chìa khóa giúp học sinh vượt qua bài thi môn Giáo dục công dân.
Thầy Ngô Đức Kỳ, giáo viên môn Giáo dục công dân trường THPT Võ Trường Toản (TP HCM) chia sẻ một số lưu ý trong quá trình làm bài thi THPT quốc gia.
Trọng tâm kiến thức của bài thi Giáo dục công dân nằm trong chương trình lớp 12, một số câu thuộc nội dung kiến thức lớp 11 và lớp 10. Câu hỏi lý thuyết thường chiếm 70 %, phần còn lại là liên hệ thực tế.
Các câu hỏi sẽ xoáy sâu vào kiến thức pháp luật trong chương trình Giáo dục công dân lớp 12. Nội dung cần liên hệ thực tiễn gồm: các hình thức thực hiện pháp luật; các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý; các quyền tự do và dân chủ cơ bản của công dân.
Ví dụ:
Anh H đi xe máy phóng nhanh, vượt ẩu nên đâm vào người đi đường làm họ bị chấn thương, tổn hại sức khỏe là 31% và xe máy bị hư hỏng nặng. Trường hợp này, anh K phải chịu những loại trách nhiệm pháp lý nào?
A. Hình sự và dân sự.
B. Dân sự và hành chính.
C. Hình sự và kỷ luật.
D. Hình sự và hành chính.
Đáp án: A
Để làm tốt phần câu hỏi lý thuyết, thí sinh cần nắm chắc các khái niệm về pháp luật, tránh nhầm lẫn hoặc không phân biệt được khái niệm, nội dung cơ bản. Thí sinh cần đọc kỹ đề, xác định “từ khóa” trong câu hỏi, phân bố thời gian hợp lý.
Thí sinh cũng cần chú ý kiến thức, khái niệm dễ nhầm lẫn, gồm:
– Các hình thức thực hiện pháp luật (thi hành pháp luật, tuân thủ pháp luật…).
– Các loại vi phạm pháp luật (hình sự, dân sự, hành chính…).
– Các hình thức xử lý khi vi phạm kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, chuyển công tác, buộc thôi việc).
– Không phân biệt được các quyền (quyền khiếu nại, quyền tố cáo).
– Quyền và nghĩa vụ của người dân ở nơi sinh sống (những việc phải thông báo để dân biết và thực hiện, những việc dân bàn bạc và quyết định trực tiếp, những việc dân giám sát kiểm tra…).
Với câu hỏi tình huống, để làm tốt, thí sinh cần liên hệ, vận dụng kiến thức ở nhiều nguồn như: sách giáo, các văn bản luật, tin tức thời sự, báo chí…
Trước các tình huống dài, rắc rối, thí sinh cần đọc kỹ và phân tích dữ liệu. Nên gạch chân các dữ kiện hoặc ghi ra nháp hoặc sơ đồ hóa tình huống để dễ nhận biết nhất rồi mới trả lời.
Các em cần nhớ nguyên tắc, đề hỏi gì thì trả lời cái đó, tránh để phần dẫn của câu hỏi làm nhiễu.