fbpx
Home Tin tuyển sinh Thay đổi phương án thi THPT: Tăng tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp?

Thay đổi phương án thi THPT: Tăng tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp?

0
Thay đổi phương án thi THPT: Tăng tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp?

Với việc thay đổi phương án thi THPT quốc gia 2019 theo hướng tăng tỉ lệ điểm thi trong xét tốt nghiệp THPT. Vậy tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trong năm tới sẽ có nhiều biến động hay không?

Tỷ lệ tốt nghiệp giảm 15%?

Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2019 với một số điều chỉnh thay đổi so với năm 2018. Một trong những thay đổi quan trọng, tác động trực tiếp đến thí sinh là tăng tỉ lệ kết quả thi trong điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Trong khi đó, điểm xét tốt nghiệp năm 2018 gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp.

Với thay đổi này, một số nhà giáo dự đoán những em học sinh lớp 12 có học lực trung bình sẽ bị ảnh hưởng bởi theo cách cũ có thể đỗ, nhưng theo cách mới có thể trượt.

Bởi thực tế, những năm vừa qua, điểm thi THPT quốc gia không quyết định việc thí sinh có được tốt nghiệp hay không mà còn phụ thuộc vào kết quả học tập năm lớp 12.
Chỉ tính riêng cho học sinh thi và có xét tốt nghiệp năm 2018 (không tính các thí sinh đã tốt nghiệp ở những năm trước dự thi chỉ để xét tuyển ĐH), điểm trung bình năm lớp 12 của học sinh cả nước là 7,61 (năm 2017 là 7,34). Điều này có nghĩa là dù không có điểm khuyến khích, một học sinh lớp 12 năm 2018 chỉ cần điểm trung bình của 4 bài thi THPT quốc gia 2,39 điểm (và không bị điểm liệt) cũng sẽ tốt nghiệp THPT.
Một số chuyên gia đã tính toán nếu áp dụng công thức tính điểm xét tốt nghiệp
 2019 cho năm 2018 thì tỉ lệ tốt nghiệp trung bình cả nước sẽ giảm khoảng hơn
 15% còn xấp xỉ 80%; và ở một số địa phương mức giảm lên đến 20%.
Tuy nhiên, thầy Đào Tuấn Đạt (giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội) lại nhận định, sẽ không thay đổi nhiều đến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp, những em học sinh lớp 12 có học lực trung bình cũng không bị ảnh hưởng lớn bởi cách tính này.

Thầy Đạt lí giải, với cách tính này, xét một học sinh có điểm trung bình lớp 12 đạt 5 điểm thì học sinh đã có là 1,5 điểm. Như vậy, điểm trung bình bài thi của thí sinh chỉ cần 3,5 điểm nữa là có thể tốt nghiệp.

“Tôi nghĩ là học sinh vẫn tốt nghiệp khá cao, không ảnh hưởng gì. Đáng lẽ, với đề thi tham khảo mà Bộ vừa công bố, thì chỉ cần học trung bình đã dễ dàng đạt được 5 điểm. Vì thế, việc cộng thêm 30% điểm học bạ thực chất là học sinh tự nhiên được “khuyến mại” 30% điểm rồi”- Thầy Đạt nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm, trên báo Người Lao động, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định, có 3 yếu tố để có thể dự đoán tỉ lệ tốt nghiệp 2019 tuy có thể giảm nhưng chỉ giảm ít, thậm chí vẫn ở mức trên 90%. Một là như đã công bố, đề thi năm 2019 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và ở mức độ dễ hơn để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Hai là điểm khuyến khích và điểm ưu tiên vẫn tiếp tục được áp dụng và ba là, theo xu thế “nước lên thuyền lên”, nhiều trường THPT sẽ nâng điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh lên cao hơn nữa.

Tỷ lệ không quan trọng bằng chất lượng học sinh

Nói thêm về cách thay đổi phương án thi, Thầy Đào Tuấn Đạt cho rằng, vấn đề đặt ra không phải ở tỷ lệ nào mà nên đặt câu hỏi: “Nếu làm được 5 điểm thì học sinh xứng đáng để tốt nghiệp chưa?”.

“Đề như năm nay mà Bộ GD&ĐT vừa công bố để học sinh tham khảo có cấu trúc đề dễ, học sinh trung bình đã có thể đạt 6 điểm. Vì vậy, có thể coi như học sinh được khuyến mại 1,5 điểm rồi. Vậy thì, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn cao thôi, không thay đổi nhiều so với năm ngoái”- thầy Đạt nhận định.

Hơn nữa, theo thầy Đạt, 30% học bạ có phản ánh thực chất lực học của học sinh không?; “Học bạ mỗi nơi mỗi kiểu, vì có điểm học bạ, lập tức, các trường sợ học sinh trượt thì họ phải thương học trò mà cho điểm cao lên, mà khi cho điểm lên cao hơn thì không phải là điểm thực học.

“Thi tốt nghiệp THPT quốc gia ra đề dễ cũng được nhưng phải thi thật nghiêm thì mới thay đổi chất lượng được. Nếu có chỉ đạo từ trên xuống cần phải coi nghiêm thì sẽ có kết quả thực chất ngay,”- Thầy Đạt nêu quan điểm.
Liên quan đến căn bệnh thành tích và tình trạng giáo viên ở cấp THPT rộng tay, cho điểm rất cao để tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp cho học sinh, nhiều cán bộ tuyển sinh các trường Đại học đã than thở, chỉ mong các thầy cô phổ thông đánh giá điểm học bạ chính xác, để các trường ĐH,CĐ xét đúng. Đừng cho điểm ảo, để trường đại học không thể chọn lựa đúng thí sinh.
Theo Tienphong

Comments

comments