Trong năm học 2019 – 2020, tỉnh Thanh Hóa và ngành giáo dục tiếp tục thực hiện giải thể, sáp nhập 8 trường THPT trên địa bàn. Sau 3 năm thực hiện việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, địa phương này đã giảm được 65 trường.
Ông Hoàng Văn Thi, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa cho biết, trong thời gian qua, Sở đã tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc dồn dịch các điểm lẻ trường Mầm non, Tiểu học; công tác ghép trường phổ thông phù hợp với điều kiện địa phương, theo Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, triển khai thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục Mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, trong đó thu hút các nhà đầu tư phát triển các trường học ngoài công lập.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dạy nghề và Trường Trung cấp nghề cấp huyện theo Thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Kết quả, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã sáp nhập được 23/27 đơn vị cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và cơ bản đã đi vào ổn định. Còn lại 4 đơn vị chưa sáp nhập theo lộ trình sẽ thực hiện trong năm 2019.
Để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và điều kiện học tập của nhân dân, tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, sau 3 năm thực hiện, địa phương này đã giảm được 65/78 trường (đạt tỷ lệ 83,33%). Riêng năm học 2018 – 2019, giảm 21 trường; có 13 trường THPT giải thể, sáp nhập trong 2 năm (2018, 2019) theo Nghị quyết số 103 của HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả, năm học 2018 – 2019 có 5 trường THPT giải thể, sáp nhập gồm: THPT Đinh Chương Dương, Lê Văn Linh, Triệu Sơn 6, Trần Khát Chân, Tĩnh Gia 5.
Cụ thể, đã sắp xếp 56 lớp với 2.122 học sinh; bố trí, sắp xếp, điều chuyển 202 cán bộ, giáo viên, nhân viên vào các trường THPT trên địa bàn.
Năm học 2019 – 2020, sẽ thực hiện giải thể, sáp nhập 8 trường THPT còn lại gồm: Trần Ân Chiêm (Yên Định), Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa), Triệu Thị Trinh (Nông Cống), Trần Phú (Nga Sơn), Nguyễn Hoàng (Hà Trung), Lê Viết Tạo, Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa), Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương).
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp học về cơ sở vật chất và con người chưa được đầu tư để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Một số địa phương chưa thực hiện việc sắp xếp trường, lớp học theo kế hoạch, lộ trình đã ban hành như: Thạch Thành, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hà Trung, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Nông Cống và Hậu Lộc.
Nguyên nhân được đưa ra là do đang trong quá trình triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; chính quyền các địa phương chưa quyết liệt trong việc tổ chức thực hiện; công tác chỉ đạo, phối hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và nhân dân chưa thực sự hiệu quả; việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý các cấp học vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác cán bộ.