Cô giáo Lê Trần Diệu Thu – giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trần Quang Khải (Hà Nội) gợi ý ôn tập, chuẩn bị kiến thức, kĩ năng, thái độ cho các em thí sinh tham dự kì thi THPT quốc gia sắp tới.
A – Kiến thức
Phần làm văn
+ Chỉ ra nội dung chính của trích đoạn.
+ Giải thích ý nghĩa của từ ngữ.
+ Biện pháp tu từ trong đoạn trích (lưu ý khi chỉ ra tác dụng cần nêu cả phần tác dụng về mặt nội dung và phần hình thức).
+ Tìm ra thông điệp trong đoạn trích, rút ra bài học cho bản thân.
+ Phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, các kiểu diễn đạt trong đoạn văn…
Phần Đọc hiểu chiếm 3 điểm trong tổng số 10 điểm của bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia. Theo đó, phần ngữ liệu sẽ được cho trước kèm theo sau là 4 câu hỏi tương đương với các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Tuy nhiên nhiều em lại không biết cách phân bổ thời gian, viết lan man, dài dòng vì nghĩ viết càng dài điểm càng cao lấn chiếm mất thời gian dành cho phần Làm văn cần nhiều thời gian suy nghĩ và trình bày hơn.
Với lượng thời gian ít ỏi còn lại, các em sẽ không đủ để hoàn thành hết bài thi, bài viết không được trọn vẹn như vậy sẽ đánh mất điểm đáng tiếc. Khi trả lời các câu hỏi trên, học sinh cần đọc kĩ ngữ liệu và đề bài (việc không đọc kĩ ngữ liệu câu hỏi dẫn đến phần trả lời của nhiều các em sẽ “vừa thiếu, vừa thừa”).
Đề hỏi bao nhiêu vấn đề trả lời đúng trọng tâm, tránh bỏ sót ý; ngoài ra, các em cũng có thể lấy câu hỏi làm câu trả lời, phân tách các câu trả lời mạch lạc, không nên viết chi chít các ý vào nhau; không dùng bút xóa, nếu sai có thể gạch đi viết lại; không nên tẩy xóa bẩn… Đặc biệt, thí sinh không nên trả lời quá dài dòng, cần bám sát kiến thức trọng tâm (nếu trả lời không đúng trọng tâm, bài viết tuy có dài nhưng cũng không được điểm cao).
Phần làm văn chiếm 7 điểm, phần này quyết định rất lớn trọng số điểm của toàn bài thi. Trong phần làm văn các em phải trả lời 2 câu hỏi: Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.
– Đối với đoạn viết nghị luận xã hội (2 điểm) – câu hỏi thường là vấn đề rút ra từ phần ngữ liệu Đọc hiểu, các em cần xác định rõ vấn đề nghị luận, tham khảo các thông tin từ nhiều kênh khác nhau để trau dồi kinh nghiệm sống để lấy vốn viết bài sâu sắc hơn.
– Đối với nghị luận văn học (5 điểm), các em cần lập dàn ý trước khi viết; xác định câu chủ đề để triển khai ý toàn đoạn; trong quá trình phân tích, cần đi từ nghệ thuật đến nội dung; nên diễn đạt mạch lạc, liên kết ý; không nên văn hoa sáo rỗng, dùng văn nói khi viết. Dùng từ ngữ phù hợp sắc thái nghĩa, tránh dùng từ mơ hồ khó hiểu.
Để làm tốt, các em học sinh nên ôn kĩ:
Phần văn bản
+ Truyện ngắn (tóm tắt được truyện ngắn, tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời, phân tích nội dung và nghệ thuật tác phẩm (chi tiết, tình huống, diễn biến tâm lí nhân vật…).
+ Thơ (thuộc thơ, tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, phân tích các khổ thơ, bài thơ…).
Không nên học vẹt, cần học để hiểu bản chất kiến thức, mỗi một tác phẩm nên vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức, tìm ra những từ khóa để khắc sâu hơn kiến thức sau đó tự diễn đạt theo lời của mình để dễ dàng ghi nhớ sâu hơn.
B – Kĩ năng, thái độ
Phân chia thời gian luyện đề: Mỗi ngày luyện từ 1 – 2 đề văn, sau đó tham khảo đáp án chuẩn, tự nhìn nhận chỗ đúng, sai của mình để hoàn thiện cho đề lần sau.
Trình bày bài làm: Tập trình bày bài viết trên giấy thi, tự bấm giờ 120 phút cho một đề, chữ viết không nhất thiết phải đẹp nhưng cần sạch.
– Tâm lí thoải mái, tự tin, không lo sợ, căng thẳng, không tự gây áp lực cho mình mà hãy biến áp lực thành động lực.
– Thiết lập mục tiêu cho bản thân mình bằng quyết tâm cao độ.
– Mỗi ngày hoàn thiện một mục tiêu đã đặt ra để đạt kết quả tối ưu nhất môn Ngữ văn THPT quốc gia.
Với những chia sẻ trên, hi vọng các em học sinh sẽ có kết quả tối ưu nhất trong kì thi sắp tới!