Bản chất hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học hoàn toàn khác nhau, khi ghép chung sẽ không tránh khỏi khập khiễng, tiêu cực.
Từng nhiều năm giảng dạy đại học, nhà giáo về hưu Nguyễn Phương chia sẻ góc nhìn về kỳ thi THPT quốc gia.
Ngay từ khi có chủ trương kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học làm một, người viết bài đã hơn một lần nói về sự bất cập, rất nhiều thầy cô giáo cũng chia sẻ cùng ý nghĩ. Song dường như các nhà quản lý không tham khảo ý kiến chuyên môn.
Sự cố Hà Giang chắc chắn không phải là duy nhất và nó có thể thấy trước. Tổ chức thi tốt nghiệp THPT kiêm tuyển sinh đại học như hiện nay với mong muốn tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho xã hội, nhưng hai kỳ thi này khác nhau về bản chất. Người viết tạm phân chia như trước khi có “2 trong 1”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Một kỳ thi chỉ để đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu chương trình học phổ thông, tốt nghiệp THPT có thể được xếp vào loại đánh giá thành quả (thuật ngữ đánh giá giáo dục gọi là achievement test). Trong điều kiện thi nghiêm túc, có thể 100% thí sinh đạt điểm rất cao hoặc thậm chí điểm tối đa cũng không có vấn đề gì. Kết quả ấy chỉ phản ánh một thực tế là toàn bộ học sinh đã “hoàn thành xuất sắc chương trình phổ thông”.
Với tính chất như trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể giao hoàn toàn cho các Sở Giáo dục tổ chức. Các Sở có thể tiến hành, nhưng thời điểm khác nhau, giảm áp lực về nhiều phương diện. Để có những đề thi không khác biệt giữa các tỉnh thành, Bộ Giáo dục cung cấp cho mỗi Sở cấu trúc và bảng đặc tả các yêu cầu của đề thi. Việc biên soạn đề thi sẽ do giáo viên mỗi Sở thực hiện trên cơ sở cấu trúc và quy ước chung đó.
Để có thông tin so sánh chung phục vụ cho công tác quản lý giáo dục trên phạm vi quốc gia, Bộ Giáo dục vẫn có thể phân tích, so sánh, nghiên cứu kết quả thi của các tỉnh. Nếu chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông được tổ chức tại các địa phương, còn kỳ thi tuyển sinh đại học do các đại học hoặc Bộ Giáo dục tổ chức, chuyện thao túng kết quả với mục đích giúp con em những người có tiền, có quyền bước chân vào đại học bằng cách gian lận sẽ bị hạn chế.
Kỳ thi tuyển sinh đại học
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng không hoàn toàn mang tính chất đánh giá năng lực học tập đại học vì vẫn dựa vào chương trình phổ thông, nhưng không phải tất cả thí sinh đạt trong kỳ thi phổ thông đều được tuyển vào đại học, cao đẳng, do chế độ “chỉ tiêu”. Rõ ràng, kỳ thi này là “hybrid” (lai) giữa đánh giá thành tích và tuyển loại/độc lập.
Với tính chất tuyển – loại là chủ yếu, kỳ thi tuyển sinh đại học có phần nào đó mang tính chất độc lập tương đối với chương trình học tập của thí sinh (proficiency). Điều này có nghĩa nội dung bài thi có những yếu tố vượt lên trên yêu cầu của chương trình học sinh đã học. So sánh một cách thô thiển, nó tương tự vòng đấu loại trong thể thao để tìm ra những ứng viên tốp trên, nó không quan tâm đến cách tập luyện ở nhà của ứng viên.
Những bài thi độc lập có thể lấy ví dụ như khi người ta tuyển tiếp viên điện thoại. Người ta lấy những yêu cầu công việc, kỹ năng thực tế của công việc làm nội dung bài thi. Bài thi tuyển sinh đại học đo lường khả năng, kỹ năng của ứng viên để học được đại học, ví dụ tư duy logic, phân tích, tư duy tổng hợp, kỹ năng tìm thông tin… Ai quan tâm sẽ thấy bài thi SAT (Mỹ) là một trong những bài thi tuyển sinh đại học đòi hỏi ứng viên những kỹ năng như thế để xem có đủ năng lực (aptitude) để học đại học hay không.
Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2018 ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Tuyển loại, sàng lọc như vậy có lợi cho cả xã hội và cá nhân, vì không phải ai cũng học đại học thành công. Nếu không có năng lực, ứng viên chuyển hướng học nghề hoặc tham gia đời sống lao động, đỡ lãng phí sức lực, tiền và thời gian.
Trái ngược với kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu tất cả thí sinh đạt điểm tuyệt đối hoặc gần tuyệt đối thì bài thi đó không tốt, không còn khả năng phân loại, và kỳ thi tuyển sinh đó thất bại. Thực tế đã cho chúng ta thấy những nghịch lý có thí sinh đạt điểm 30/30 mà vẫn trượt đại học. Ngược lại bài thi tuyển sinh đại học mà có kết quả toàn điểm không (0) hoặc gần (0) cũng không ai mong muốn, việc tuyển loại cũng hoàn toàn thất bại.
Cũng cần phải nói thêm rằng với thí sinh không được học (uninformed) thì bài thi có dễ đến đâu cũng không thể có kết quả cao.
Như vậy, thực tế cho thấy có thể có 100% học sinh tốt nghiệp phổ thông, nhưng không phải 100% những người đó có thể học đại học thành công. Sự thật này đúng ở mọi quốc gia trên thế giới.
Trắc nghiệm khách quan
Sau sự cố gian lận ở Hà Giang, có ý kiến cho rằng nguyên nhân là bài thi sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan. Thực ra, lỗi là do con người chứ không phải công cụ. Theo mô tả, quy trình là khá an toàn. Tuy nhiên, bài làm của thí sinh lưu ngay tại địa phương, trong tầm kiểm soát của quan giáo dục địa phương, khả năng thao túng càng cao.
Chuyện sửa bài, thậm chí đổi bài trước khi chấm thi từng xảy ra rất nhiều khi chưa có trắc nghiệm khách quan. Chính trắc nghiệm khách quan và chấm bài bằng máy nhằm chống gian lận và đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Chuyện gian lận trong thi cử là muôn thuở và có ở muôn nơi. Lê Quý Đôn ngày xưa bị xử phạt vì liên lụy đến chuyện nâng điểm của con, Mỹ vừa rồi phạt sinh viên Trung Quốc vì gian lận thi TOEFL. Điều này cũng khiến ta phải suy nghĩ.
Với điều kiện Việt Nam, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các tỉnh thành tổ chức với theo cách đã bàn ở trên, kỳ thi tuyển sinh đại học cần được tổ chức riêng như trước năm 2015. Nếu Bộ Giáo dục cần tập trung vào vĩ mô, phương án trả lại công tác tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng là phù hợp.
Câu hỏi hiện nay là từ ngày tổ chức thi THPT quốc gia, có bao nhiêu học sinh đã đỗ oan và có bao nhiêu người trượt oan? Khó có câu trả lời chính xác, nhưng chừng nào còn hai trong một và kỳ thi này được tổ chức như hiện nay, sự lặp lại sự cố Hà Giang là khó tránh khỏi.
Sau 13 năm tổ chức kỳ thi đại học ba chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả thi), năm 2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Trong hai năm 2015-2016, thí sinh tập trung về một số cụm thi lớn, do các trường đại học chủ trì. Thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ do Sở Giáo dục địa phương chủ trì. Từ năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia đổi mới theo hướng trừ Ngữ văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Sở Giáo dục tổ chức với sự tham gia của các đại học. Thí sinh thi ngay tại địa phương mình. Năm 2018, kỳ thi xảy ra sự cố gian lận quy mô lớn ở Hà Giang. Hội đồng chấm thẩm định của Bộ Giáo dục xác định có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 đến 29,95. Hiện Lạng Sơn, Sơn La cũng bị rà soát sau nghi vấn điểm thi của nhiều thí sinh cao bất thường. |