Phó giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Tuấn Khanh khẳng định điểm thi tốt nghiệp THPT phản ánh đúng năng lực của thí sinh, không có chuyện nới lỏng khi chấm.
Theo dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT, năm 2020, An Giang xếp thứ tư về điểm trung bình chung 9 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (năm ngoái đứng thứ bảy). Tỉnh này còn xếp thứ nhất về điểm thi môn Ngữ văn.
Trao đổi với Zing, ông Trần Tuấn Khanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho rằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của địa phương này không đột biến.
Không bất ngờ khi dẫn đầu môn Văn
– Ông có hài lòng với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay của An Giang?
– Tôi rất vui. Điểm số Ngữ văn và các bài thi Khoa học Xã hội khác của An Giang khá tốt. Kết quả này ổn định, không đột biến.
– An Giang “thăng hạng” từ vị trí thứ 9 năm ngoái lên dẫn đầu cả nước về điểm thi Ngữ văn. Ông có bất ngờ?
– Khi biết kết quả thống kê này, cá nhân tôi không bất ngờ. Chất lượng dạy học của An Giang được duy trì và giữ ổn định trong nhiều năm. Ngữ văn và bài thi Khoa học Xã hội là thế mạnh của An Giang. Trong thống kê so sánh 4 năm qua, tỉnh đều duy trì top 10 địa phương có kết quả tốt nhất của cả nước.
Tất nhiên, mỗi năm thứ hạng có sự biến động. Với Ngữ văn, năm 2019, An Giang xếp thứ 9/63 địa phương. Năm 2018, địa phương xếp thứ 4. Chênh lệch thứ hạng trong top đầu là điều hợp lý, không có tình trạng đột biến, năm trước quá cao, năm sau quá thấp.
Không riêng Ngữ văn mà các môn xã hội An Giang đều có kết quả khá tốt. Năm nay, môn Lịch sử, Địa lý của địa phương xếp thứ 3, 4 cả nước. Các môn tự nhiên có sự biến động trong phạm vi chấp nhận được. Môn Sinh học, An Giang xếp thứ 6 cả nước, năm trước là thứ 7.
– Theo ông, nhờ vào đâu, An Giang có kết quả tốt như năm nay, đặc biệt ở môn Ngữ văn?
– Về mặt chuyên môn, những năm gần đây, ngành giáo dục An Giang có nhiều biện pháp cải thiện chất lượng dạy và học.
Sau mỗi kỳ thi, ngành chỉ đạo tất cả tổ chuyên môn của các trường phổ thông ngồi đánh giá lại kết quả, xem đã làm tốt những gì, chưa cải thiện thế nào, để điều chỉnh dạy và học.
Sở GD&ĐT duy trì công tác chuyên môn thực hiện nội dung chương trình, kiểm tra, đánh giá ở các trường, bám theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
An Giang có hình thức sinh hoạt chuyên môn theo hội đồng từng môn. Sở tập hợp các giáo viên có năng lực và kinh nghiệm giảng dạy tốt, thành đội ngũ cốt cán. Bên cạnh sinh hoạt tổ chuyên môn của mỗi trường, hàng tháng, hội đồng bộ môn cấp tỉnh đều xây dựng chuyên đề tư vấn thêm cho các trường.
Dựa trên chất lượng từng năm học, đặc biệt là kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, sở chọn lọc trường có chất lượng, kết quả tốt và chưa tốt ở từng môn. Giáo viên trường có chất lượng chưa tốt sẽ học tập phương pháp giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng giáo án, kiểm tra đánh giá của trường tốt.
Kết quả năm nay của An Giang là “trái ngọt” cho sự nỗ lực, phấn đấu cải thiện chất lượng dạy và học. Đây không phải là kết quả đột biến trong 1, 2 năm.
Không chấm thi “nới tay”, gian dối
– Nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi với kết quả môn Văn năm nay của An Giang, ông nghĩ gì về điều này?
– Chúng tôi luôn tôn trọng nguyên tắc học thật, thi thật. Các kỳ thi địa phương hay quốc gia đều làm rất chặt từ khâu coi thi đến chấm thi, đảm bảo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
Năm nay, khâu coi thi, địa phương không có trường hợp cán bộ, giám thị hay thí sinh nào vi phạm quy chế. Sở tổ chức quy trình chấm thi tự luận theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT từ nghiên cứu đáp án, chấm chung tối thiểu 10 bài để thống nhất cách chấm. An Giang đảm bảo mỗi bài thi được 2 giám khảo chấm độc lập, thuộc tổ khác nhau.
Học sinh và giáo viên của An Giang làm quen với cách coi thi, chấm thi này ngay từ những bài kiểm tra trên lớp.
Chúng tôi tin tưởng vào kết quả kỳ thi của An Giang. Sở GD&ĐT khẳng định kết quả này là thực chất, không có sự gian lận hay chấm “nới tay” ở môn Văn.
– So với các tỉnh lân cận, An Giang có thế mạnh, sự khác biệt gì để vượt lên mặt bằng chung.
– Tôi không dám khẳng định là lợi thế. Tuy nhiên kết quả này là cả quá trình xây dựng nề nếp giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Học thật dẫn đến thi thật. Kết quả thi phản ánh đúng năng lực của học sinh.
Chúng tôi cố gắng duy trì việc kiểm tra đánh giá sát với năng lực của học sinh. Qua đó, ngành giáo dục đánh giá được phương pháp, nội dung dạy học. Quá trình này kéo dài nhiều năm mới có thể tích lũy được chất lượng, tạo sự phát triển và thể hiện bằng kết quả qua kỳ thi chung của cả nước.
– Ngành giáo dục An Giang tự tin duy trì được kết quả này ở những năm sau?
– Chúng tôi đặt mục tiêu duy trì thành quả như năm nay, dựa trên nền tảng có sẵn. Mỗi tỉnh sẽ có những nỗ lực riêng để chất lượng giáo dục càng phát triển hơn. Có thể năm sau thứ hạng sẽ thay đổi nhưng nằm trong biên độ hợp lý, không phải kết quả đột biến.
Theo dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT, An Giang dẫn đầu cả nước về điểm trung bình Ngữ văn. Số bài thi đạt từ 9 điểm trở lên cao gấp 70 lần năm ngoái.
Trong số 50 bài thi đạt điểm từ 9,75 trở lên của cả nước, 25 bài thi thuộc về thí sinh tại hội đồng An Giang, chiếm 50%. Tỉnh này có một trong hai bài thi đạt điểm tuyệt đối.
Theo Zing