fbpx
Home Học đường Sinh viên ngành Y nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương

Sinh viên ngành Y nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương

0
Sinh viên ngành Y nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương

Hơn 100 sinh viên ngành Y tình nguyện tham gia phòng chống dịch COVID-19. Với đặc điểm nghề nghiệp, họ chính là những chiến sĩ ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh này.

3h chiều ăn bữa trưa, 2 giờ sáng ăn bữa tối

6h sáng thứ hai, 23/3, như thường lệ, Nguyễn Cao Duy, sinh viên năm thứ 4, Ngành Y học dự phòng, trường ĐH Y Hà Nội có mặt tại sân bay Nội bài nhận nhiệm vụ.

Duy chính thức tham gia tình nguyện công tác phòng chống dịch COVID-19 tại sân bay bắt đầu từ ngày 19/3. Công việc của em thay đổi theo từng ngày.

Khác với mấy hôm trước, hiện nay số lượng chuyến bay giảm đáng kể nên không còn vất vả. Từ ngày 22/3 công việc của Duy và các bạn trong nhóm là nhập liệu phiếu khai báo y tế.

Nhóm của Duy có 6 bạn, chia thành 3 ca trực, mỗi ca trực 24 tiếng. Đến ca trực của ai, người đó có mặt ở sân bay từ 6 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Trước 21/3, khi người Việt ở nước ngoài về đông nên tất cả mọi người trong ca trực đều phải hỗ trợ các bác, các anh chị ở sân bay giúp hành khách khai báo thông tin y tế. Duy kể, thường em và các bạn nghỉ ngơi tranh thủ vì chuyến bay có những khung giờ khác nhau.

Những khung giờ cao điểm, nhiều chuyến bay một lúc, mọi người đều phải căng mình làm việc. Những hàng dài hành khách chờ được check in, làm sao để không sai sót, nhiều việc nhưng không rối, các khâu, các công đoạn theo một guồng quay ổn định cũng là một áp lực thực sự đối với những người lần đầu tham gia công việc như Duy.

Một vài khung giờ ít chuyến bay hơn hoặc không có chuyến bay, nhóm tranh thủ chia ca đi ăn. Có những hôm 2-3 giờ chiều Duy với các bạn bắt đầu ăn bữa trưa. Rồi có những ngày 1-2 giờ sáng mới đi bữa tối. Việc ngủ cũng phải khẩn trương, đôi khi là chợp mắt ngay trên ghế chờ của sân bay hoặc tại phòng làm việc.

Đang là sinh viên, phải làm việc 24/24 cũng có những áp lực nhất định. Nhưng các cô chú, anh chị đã động viên vì đây là khó khăn chung nên Duy dần quen và vượt qua không khó khăn. “Dịch bệnh đang gây ảnh hưởng mọi mặt của đời sống. Công an, hải quan, bộ đội cũng trực 24 tiếng/ca nên em và các bạn nhủ thầm cố gắng vượt qua”, Duy chia sẻ .

Duy cho biết trước khi ra nhận công việc tại sân bay, Duy cùng các bạn được nhà trường tập huấn, lồng ghép các kiến thức về dịch vào môn học. Đồng thời, nhóm có thêm 2 ngày để Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp tập huấn.

Phải giấu hàng xóm và người nhà

Nói chuyện với phóng viên sau một ngày làm việc bận rộn, Duy khá thoải mái, dường như không có dấu vết của sự mệt nhọc trọng giọng nói tiếng cười của em.

Em nghĩ là sinh viên ngành y, mỗi người góp sức một chút sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Ngay từ khi xác định thi vào ĐH, em đã nhận ra phần nào vai trò và trách nhiệm của mình. Em cảm thấy tự hào, sau đó hiểu được trách nhiệm mà mình cần phải đóng góp cho đất nước trước tình hình khó khăn này.

Từ khi vào ĐH, đây không phải lần đầu tiên Duy và các bạn tham gia phòng chống dịch. Hàng năm, các em đều tham gia hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 nguy hiểm hơn rất nhiều. Nên trước khi đi các thầy cô trong trường ĐH Y Hà Nội dặn dò rất kỹ, từ ăn uống đến việc giữ sức khỏe, lắng nghe và thực hiện phòng hộ theo hướng dẫn, chỉ đạo của các anh chị, cô chú.

Khi viết đơn xin tình nguyện, Duy rất hào hứng và cảm thấy đó là trách nhiệm của mình. Lúc đầu, bố mẹ em cũng phản đối vì nhận thấy đây là dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, bằng kiến thức đã được học ở trường, bằng sự tự tin của tuổi trẻ, Duy đã thuyết phục được bố mẹ để tham gia tình nguyện.

Tuy nhiên, hết ca trực, em trở về nhà tự cách ly và giấu không cho hang xóm, người thân của gia đình biết. “Đây là công việc khiến bản thân mình tự hào nhưng với người xung quanh, thì không hẳn như vậy. Nên hàng xóm hay người quen đều không biết em tham gia tình nguyện phòng chống dịch” – Duy cho hay.

Hiện đã qua giai đoạn cao điểm hành khách nước ngoài trở về Việt Nam. Công việc của Duy và các bạn tình nguyện không còn bận rộn như trước. Nhưng điều em mong mỏi nhất đó là làm thể nào hạn chế được tối đa lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Mong mọi người đều nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh.

Theo Tienphong

Comments

comments