fbpx
Home Tin tuyển sinh Sinh viên ngành Kiến trúc chưa tốt nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp chào đón

Sinh viên ngành Kiến trúc chưa tốt nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp chào đón

0
Sinh viên ngành Kiến trúc chưa tốt nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp chào đón

Theo thống kê mới nhất, 100% sinh viên tốt nghiệp ngành Kiến trúc có việc làm trong vòng 12 tháng. Nhiều sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp chào đón và nhận khi tập sự tốt nghiệp, để tuyển dụng ngay khi sinh viên ra trường.

Ngành Kiến trúc là ngành gì?

TS. KTS. Ngô Lê Minh, Trưởng bộ môn Kiến trúc, ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: “Ngành Kiến trúc (KT) là ngành học nghệ thuật, đào tạo ra những Kiến trúc sư tương lai. Văn bằng Kiến trúc sư cho phép sinh viên tốt nghiệp ra trường được tham gia thiết kế kiến trúc công trình dân dụng và công nghiệp. Người học có đủ khả năng thực hiện các đồ án thiết kế kiến trúc công trình và thiết kế nội thất”.

Ngành Kiến trúc có thể chia ra những chuyên ngành sâu như Kiến trúc công trình, Kiến trúc nội thất, Kiến trúc cảnh quan, Di sản kiến trúc…

Sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về khoa học kĩ thuật và nghệ thuật, kiến thức về khoa học xã hội nhân văn liên quan đến ngành nghề và nghệ thuật tạo hình, bố cục không gian; rèn luyện kĩ năng thực hành sáng tác kiến trúc & thiết kế nội thất; thiết kế kĩ thuật hạ tầng trên tổng thể và chi tiết trong công trình.

Ngành Kiến trúc sẽ được đào tạo những gì?

TS. Ngô Lê Minh chia sẻ nội dung chương trình đào tạo ngành Kiến trúc tại ĐH Tôn Đức Thắng thuộc hệ chính qui và thực hiện theo học chế tín chỉ, diễn ra trong 8 học kì, tương đương 4 năm học với tổng số 138 tín chỉ:

  • Hai học kì đầu tiên, sinh viên học các môn đại cương và tiếng Anh theo tiêu chuẩn của nhà trường. Đồng thời, học các môn học cơ sở ngành làm nền tảng cho phần học chuyên ngành ở học kì kế tiếp.
  • Trong bốn học kì tiếp theo, sinh viên học các môn chuyên ngành, các môn họa thất để rèn luyện kĩ năng sáng tác và thiết kế đồ án kiến trúc. Ngoài ra, sinh viên sẽ được học các môn học bổ trợ cho chuyên ngành như lịch sử kiến trúc, khoa học môi trường kiến trúc, kiến trúc và năng lượng, phát triển kiến trúc bền vững,…
  • Hai học kì cuối được trang bị kiến thức về hành nghề kiến trúc, trang thiết bị kĩ thuật công trình, lập kế hoạch và quản lí dự án, các kĩ năng mềm phục vụ cho việc hành nghề, và các chuyên đề kiến trúc.
  • Phần kiến thức tự chọn, sinh viên có thể lựa chọn các môn: Bảo tồn và trùng tu kiến trúc, Kiến trúc và phong thủy, Kiến trúc và năng lượng, Tham quan kiến trúc và một số chuyên đề kiến trúc khác.
  • Trước khi được làm đồ án tốt nghiệp, sinh viên có khoảng thời gian tập sự nghề nghiệp tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chương trình đào tạo này hướng sinh viên tích cực nghiên cứu và chú trọng tự thực hành, áp dụng những kiến thức nền tảng vào các đồ án, chuyên đề của môn học.

Nội dung chương trình hiện đại, linh hoạt và chú trọng rèn luyện kĩ năng thực hành, chiếm tỉ lệ khoảng 50% tổng số tín chỉ của chương trình. Mục tiêu hướng đến nâng cao tính thực hành, kĩ năng thiết kế công trình, thiết kế nội thất nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, giúp sinh viên có khả năng tư duy sáng tạo để phác thảo ý tưởng thiết kế ban đầu cho đến triển khai bản vẽ kĩ thuật thi công.

Đồng thời, việc chú trọng thực hành giúp sinh viên hiểu biết căn bản về các giải pháp kết cấu công trình và sử dụng vật liệu xây dựng trong kiến trúc nội – ngoại thất công trình.

Sinh viên học ngành Kiến trúc có thể làm những công việc gì?

Theo thống kê mới nhất, những sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong vòng 12 tháng là 100%. Nhiều sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp chào đón và nhận khi tập sự tốt nghiệp, để tuyển dụng ngay khi sinh viên ra trường.

Các học phần nghề nghiệp từ học kì 4 trở đi như Mô hình & mô phỏng kĩ thuật số, Họa thất, Giới thiệu về hành nghề kiến trúc được kết hợp tổ chức giảng dạy cùng với doanh nghiệp. Chính các học phần nghề nghiệp, và quá trình tập sự nghề nghiệp đem đến cơ hội tốt cho sinh viên tìm kiếm việc làm khi ra trường.

Theo TS. KTS. Ngô Lê Minh, sinh viên có nhiều cơ hội tham gia các hội thảo, chuyên đề, xưởng thiết kế (workshop) trong và ngoài nước để tích lũy kinh nghiệm thực tế, tiếp cận với môi trường tuyển dụng và tham gia vào những dự án trong tương lai.

Sinh viên có cơ hội thực tập tại các công ty kiến trúc trong nước, các tổ chức kiến trúc, công ty, tập đoàn thiết kế xây dựng lớn, đặc biệt là các công ty kiến trúc nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian 4 – 8 tháng vào học kì cuối để chuẩn bị tốt cho đồ án tốt nghiệp hoặc ngay cả các học phần nghề nghiệp, kiến tập khi còn là sinh viên năm 1, năm 3…


Những trường đại học đào tạo ngành Kiến trúc
Một số trường đào tạo ngành, nhóm ngành Kiến trúc thí sinh có thể tham khảo để lựa chọn thi tuyển năm 2019.
ĐH Tôn Đức Thắng
Năm 2019, ĐH Tôn Đức Thắng tuyển sinh theo ba phương thức: Xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2019 và tuyển thẳng.
Năm 2018, trường này tuyển sinh ngành KT xét tuyển tổ hợp môn V00, V01. Điểm chuẩn là 20 điểm.
ĐH Kiến trúc TP HCM
Năm 2018, trường tuyển sinh ngành này điểm chuẩn chia theo khu vực. Riêng tại cơ sở chính TP HCM, điểm chuẩn năm 2018 là 21 điểm. Điểm chuẩn tại cơ sở TP Cần Thơ là 18,2 điểm và tại Đà Lạt là 16,10 điểm.
ĐH Văn Lang
ĐH Văn Lang tuyển sinh ngành Kiến trúc các khối V00, V01, H02; môn chính nhân hệ số hai với điểm chuẩn 15 điểm năm 2018.
ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng
Năm 2018, trường này tuyển sinh ngành Kiến trúc điểm sàn là 16 điểm.
– Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia đối với các thí sinh dự kì thi THPT quốc gia trong cùng năm tuyển sinh (50% ÷ 60% tổng chỉ tiêu).
– Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả học tập lớp 12 ghi trong học bạ của học sinh tốt nghiệp THPT (40% ÷ 50% tổng chỉ tiêu).
Trường tổ chức xét tuyển các môn văn hóa; tổ chức thi tuyển môn Vẽ mĩ thuật và xét tuyển kết quả thi môn Vẽ mỹ thuật (môn Vẽ mỹ thuật, môn Hình họa, môn Bố cục màu …) của thí sinh đã dự thi các môn này tại các trường đại học trên toàn quốc trong cùng năm tuyển sinh đối với các ngành năng khiếu: Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất.
ĐH Kiến Trúc Hà Nội
Năm 2018, các nhóm ngành như ngành Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Kiến trúc cảnh quan và Chương trình tiên tiến ngành kiến trúc của trường này điểm chuẩn giao động từ 20 – 24,52 điểm. Xét tuyển tổ hợp V00, trong đó điểm Vẽ mĩ thuật nhân hệ số 2.
ĐH Xây Dựng Hà Nội
Ngành Kiến trúc ĐH Xây dựng điểm chuẩn năm 2018 cao nhất toàn trường là 19 điểm. Trường xét tuyển tổ hợp V00, V01, V02, V10; trong đó môn Vẽ mĩ thuật là môn chính.

Comments

comments