Về lý thuyết, sinh viên sẽ nhận được nhiều lợi ích khi các công ty trực thuộc trường học ra đời, nhưng cơ sở giáo dục cần cẩn trọng khi đưa chúng đi vào hoạt động.
Gần đây, nhiều trường mạnh dạn thành lập công ty riêng trong trường học. Đầu tháng 12, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố thông tin thành lập Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TP.HCM, vốn điều lệ hơn 4 tỷ đồng. Ngay sau đó, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng ra mắt Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa.
Ở nhiều trường đại học khác, dù không thành lập công ty riêng vẫn có nhiều trung tâm trực thuộc trường hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự hạch toán.
Ngoài lợi ích tài chính phục vụ cho các hoạt động của trường, các công ty riêng cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho sinh viên nhiều hơn.
Lợi ích nhiều nhất thuộc về sinh viên
Theo ông Trần Anh Tiến – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa, dù hoạt động dưới trung tâm dịch vụ hay hình thức công ty, doanh nghiệp, lợi ích lớn nhất của các tổ chức này vẫn thuộc về sinh viên.
“Trước hết, các vị trí trong công ty là cơ hội nghề nghiệp rất lớn cho các bạn sinh viên của trường vì đa số các ngành nghề hoạt động của công ty trường đều có đào tạo. Hơn nữa, sinh viên đang học tập tại trường cũng có thể thực tập hoặc cộng tác với công ty ở một số lĩnh vực. Đơn cử như công ty có những đơn đặt hàng nghiên cứu khoa học xã hội thì sinh viên có thể tham gia các công đoạn khảo sát khoa học, rất phù hợp với năng lực của các em”, ông Tiến phân tích.
Hơn nữa, theo ông Tiến, việc có công ty trong trường đại học sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và trường học tốt hơn. Cơ hội để sinh viên thực tập ở các công ty cũng dễ dàng hơn.
Tương tự, thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM – cho biết hiện trường này cũng có trung tâm Ngoại ngữ, Tin học, Viện Chiến lược và Quản trị doanh nghiệp, Công ty tư vấn kế toán – kiểm toán, Trung tâm dịch vụ du lịch và lữ hành hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự hạch toán.
“Các trung tâm này hỗ trợ rất tốt cho hoạt động kết nối doanh nghiệp của trường và hỗ trợ thực tập cho sinh viên. Đồng thời làm thêm các dịch vụ bên ngoài để tạo nguồn thu. Nguồn thu hiện tại được đưa vào quỹ hoạt động đào tạo chung của trường. Việc phát huy hiệu quả của các đơn vị này thì điểm hay nhất của nó chính là góp phần tạo tiếng vang của trường trong cộng đồng doanh nghiệp”, ông Sơn nói.
Xu hướng của quá trình tự chủ đại học?
Giải thích về việc cho ra đời Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa, ông Tiến – Giám đốc công ty – cho biết việc này nằm trong lộ trình tự chủ đại học của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhà trường có đã kế hoạch thành lập một công ty riêng từ năm 2014, tuy nhiên đến nay mới hội đủ điều kiện để xin cấp phép.
Nhưng thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng nếu nói việc các trường đại học tự thành lập công ty là kết quả của việc tự chủ đại học e rằng chưa xác đáng.
“Mô hình công ty hoặc trung tâm tự chủ thực sự hiệu quả với công tác xây dựng thương hiệu, tạo thêm doanh thu cho nhà trường và đặc biệt là kết nối doanh nghiệp. Việc này được tạo ra nhờ cơ chế tự chủ mà các đơn vị này có được. Tuy nhiên, việc các trường tự thành lập công ty phụ thuộc vào mục đích của trường. Đôi khi việc thành lập công ty để thực hiện quản lý những quỹ nào đó hay để đầu tư lĩnh vực mà cơ chế của một cơ sở giáo dục chưa cho nhà trường thực hiện”, ông Sơn nói.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng nhận định các trường cần cẩn trọng khi hình thành các công ty, doanh nghiệp trong trường học vì bên cạnh lợi ích luôn tồn tại khoảng tối.
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT – cho rằng việc thành lập các công ty nghiên cứu và phát triển có thể cho thấy dấu hiệu phát triển tốt của một trường đại học, nhưng các công ty đó cần tập trung vào mục đích cải thiện chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.
“Khi thành lập và hoạt động cần xác định rõ trách nhiệm quản lý công sản rõ ràng. Nếu dùng cơ sở vật chất, thiết bị được đầu tư từ nguồn ngân sách cần có cơ chế tính toán khấu hao tránh lợi dụng tài sản công nhưng lợi ích tư thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, cần đảm bảo việc đóng góp thuế bình đẳng với các doanh nghiệp, để có cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp không phải thuộc cơ sở giáo dục”, TS Vinh cảnh báo.
Chung ý kiến về vấn đề này, TS Phạm Thị Ly cũng cho rằng việc thành lập các công ty trong các cơ sở giáo dục về lý thuyết là điều tốt, mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên và nhà trường. Nhưng nếu không thận trọng, các công ty này có thể sẽ bị lợi dụng biến thành tấm bình phong để biến công thành tư và vụ lợi cá nhân.
“Cần thúc đẩy những sáng kiến mới nhằm tháo gỡ rào cản cho sự phát triển ở các trường, nhưng cũng cần môi trường minh bạch và công bằng để khích lệ những nỗ lực đúng đắn phù hợp với lợi ích chung của nhà trường cũng như của xã hội”, TS Ly phân tích.
Theo Zing