Sau chỉ đạo của thành phố, nhiều sinh viên từ quê lên Hà Nội dọn đồ khỏi ký túc xá Mỹ Đình, nhường phòng làm khu cách ly cho những người có nguy cơ mắc Covid-19.
Trưa 19/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra quyết định lập khu cách ly tập trung tại khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm. Nơi đây gồm 3 toà nhà, tổng cộng 840 phòng, có thể đáp ứng chỗ ăn, ở cho tối đa 4.800 người. Ngay sau đó, sinh viên tại 3 đơn nguyên D3, D4, D5 có 24 giờ để chuyển đồ ra khỏi phòng.
Ông Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng ban quản lý ký túc xá Mỹ Đình, cho biết hiện có 1.500 sinh viên ở cả 5 toà. Ban quản lý đang tiến hành dồn sinh viên sang toà nhà D1, D2. Khó khăn nhất là nhiều sinh viên đang ở quê, không thể tự thu dọn. Vì vậy, ban quản lý đã mua thùng carton, bao tải để đóng gói đồ đạc, ghi tên từng người rồi niêm phong, tránh mất mát. Sinh viên ở quê không cần xuống Hà Nội dọn đồ, ban quản lý sẽ đảm bảo đồ đạc an toàn.
Ngô Thị Dung (bên phải), sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự ở D3, cho biết khi đang đi làm thì nhận tin phải chuyển đồ. Dung muốn tiếp tục ở với bạn cùng phòng nhưng không được nên chưa quyết định sẽ chuyển sang toà khác hay chuyển ra ngoài.
Một sinh viên Đại học Tài nguyên Môi trường vội vàng bắt xe từ Nam Định lên Hà Nội dọn đồ. Em cho biết cả phòng đã về quê do nghỉ học dài ngày nên không nhờ được ai giúp.
Đào Thu Hà cùng bố đi ôtô 7 chỗ lên ký túc xá Mỹ Đình để chở hết đồ đạc về quê. Em cảm thấy không yên tâm khi gửi đồ ở lại và cũng không biết đến bao giờ mới đi học. Trong 2 tháng qua, nữ sinh viên này ở nhà nghỉ tránh dịch và học online.
Ở nhà D1, Duy Tiến (bên trái, sinh viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đang cùng bạn dọn đồ để đón thêm người mới vào ở cùng. Tiến cho biết từ khi có dịch, phòng chỉ có 2 người do những bạn khác đã về quê hết. Tiến quê ở Kiên Giang, việc di chuyển khó khăn nên đành ở lại.
Đỗ Hữu Nam (đứng bên trái) cho biết mình được bạn nhờ đến giúp vì căn phòng 6 người chỉ có bạn anh ở lại. “Nếu chỉ dọn đồ cho một mình thì không sao nhưng trong buổi chiều, có đến 5-6 người gọi điện nhờ giúp nên chúng mình phải nhờ mình qua ứng cứu”, Nam cho biết.
Theo Zing