Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, đối với các sinh viên đã và đang học tại các trường Đại học mà bị phát hiện gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia thì cũng sẽ bị xử lí theo quy định và pháp luật hiện hành. Hình thức xử lý sẽ buộc thôi học.
Sự việc gian lận điểm thi của Hà Giang và hiện nay đang diễn ra ở 1 số tỉnh khác liên quan đến công tác chấm thi THPT Quốc gia 2018 đang được các cơ quan chức năng làm rõ, vậy những sự việc này có ảnh hưởng đến tiến trình xét tuyển Đại học năm nay hay không?
Trao đổi với báo chí ngày 19/7, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang cập nhật lại điểm thi và ông Tuấn khẳng định, việc cập nhật lại điểm của các thí sinh không ảnh hưởng đến xét tuyển cả nước.
Đồng thời, hiện nay các Sở đang tiến hành chấm phúc khảo lại các bài yêu cầu phúc khảo của thí sinh. Vì vậy việc cập nhật lại điểm trên hệ thống không ảnh hưởng gì đến quá trình xét tuyển điểm cho các thí sinh.
Cho nên các thí sinh hãy cứ yên tâm và tiếp tục thực hiện các bước điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian tới.
Phóng viên: Như hiện tại, chúng ta đang phải đợi kết luận điều tra của cơ quan Công an đối với một số tỉnh đang nằm trong diện nghi vấn về điểm thi THPT của các thí sinh. Nhưng dư luận đang đặt ra câu hỏi, vậy đối với những năm trước, những sinh viên nằm trong diện được điều chỉnh đã nhập học vào các trường ĐH, trong khi bây giờ mới điều tra ra thì hướng xử lý sẽ như thế nào?
Ông Trần Anh Tuấn: Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Công an để điều tra vụ việc này; đồng thời, trong quy chế thi và quy chế tuyển sinh đã quy định rất rõ đối với các trường hợp phát hiện gian lận trong thi cử thì phải có hình thức kỉ luật kết hợp với các quy định hiện hành để xử lí.
Đối với các sinh viên đã và đang học tại các trường Đại học mà bị phát hiện gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia thì cũng sẽ bị xử lí theo quy định và pháp luật hiện hành.
Hình thức cao nhất là buộc thôi học và có thể bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức…
Phóng viên: Nếu điểm đầu vào thấp, các thí sinh đỗ được là nhờ may mắn, nhưng với quy trình đào tạo của các trường ĐH như hiện nay, thì các thí sinh này thì liệu có đáp ứng được yêu cầu chất lượng mà ngành đang hướng tới không?
Ông Trần Anh Tuấn: Tôi cho rằng, đối với khâu tuyển sinh đầu vào và đầu ra của các trường ĐH là tiến trình liên tục, có sự gắn kết với nhau chặt chẽ. Đối với các thí sinh có khả năng may mắn đỗ ĐH, có những biểu hiện gian lận mà không được phát hiện thì trong quá trình đào tạo ĐH dĩ nhiên sẽ bị sàng lọc, thải loại các đối tượng này.
Bởi vì, hiện nay trong các trường ĐH thì công tác đảm bảo chất lượng, xây dựng chuẩn đầu ra đòi hỏi đáp ứng yêu cầu từ thị trường lao động rất cao.
Phóng viên: Các thí sinh đã đủ 18 tuổi, nhưng chúng ta vẫn nghĩ trách nhiệm thuộc về phụ huynh với câu chuyện “bố mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Nhưng các em này đã hoàn toàn có đủ tư cách là công dân thì các em có phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này như thế nào?
Ông Trần Anh Tuấn: Trên thực tế, tất cả các cá nhân đã đủ tuổi trưởng thành thì đều phải thực hiện theo pháp luật, trong trường hợp cụ thể khi cơ quan điều tra phát hiện ra vi phạm ở mức nào thì xử phạt theo mức đó và theo pháp luật.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo Dantri