fbpx
Home Tin tuyển sinh Sau phúc khảo, thí sinh tăng 20,5 điểm: Lỗi thí sinh hay phần mềm chấm thi?

Sau phúc khảo, thí sinh tăng 20,5 điểm: Lỗi thí sinh hay phần mềm chấm thi?

0
Sau phúc khảo, thí sinh tăng 20,5 điểm: Lỗi thí sinh hay phần mềm chấm thi?
Sự việc thí sinh ở Tây Ninh sau khi phúc khảo thi THPT quốc gia 2019, điểm 3 môn tổ hợp Khoa học tự nhiên từ 0 tăng lên 20,5 điểm, khiến dư luận ngỡ ngàng. Vậy, lỗi ở đây do thí sinh hay do phần mềm chấm? 

Không thể đổ lỗi cho thí sinh

Như đã thông tin, Sở GD-ĐT Tây Ninh công bố kết quả chấm phúc khảo kỳ thi THPT quốc gia 2019, cả 95 bài thi sau khi phúc khảo đều được tăng điểm.

Đáng chú ý, có 58 bài thi trắc nghiệm ban đầu bị 0 điểm đã tăng điểm sau khi phúc khảo; có một bài tăng điểm nhiều nhất lên đến 8,75 điểm và ngược lại mức tăng điểm ít nhất từ 0 lên 2. Có một bài từ 0 điểm tăng lên thành 8,5 điểm; hai bài từ 0 tăng lên mức 8 điểm. Bên cạnh đó, nhiều bài thi tăng điểm từ 0 lên 7; 7,2; 7,5 sau phúc khảo.

Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, Ban Phúc khảo Sở GD&ĐT Tây Ninh đã rút bài thi của thí sinh, đối chiếu với biên bản thu bài thi, sơ đồ phát đề thi và dữ liệu ảnh quét của thí sinh để kiểm tra tính chính xác, xác định rõ nguyên nhân rồi tiến hành chấm phúc khảo.

Sau khi chấm phúc khảo, 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh thuộc Hội đồng thi Sở GĐĐT tỉnh Tây Ninh đã được trả về kết quả thực.

Ông Hồng cho rằng, nguyên nhân của việc 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 được phát hiện là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án.

Tuy nhiên, nhiều bạn đọc trên Dân trí cho biết, nếu do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án thì theo quy chế thi bài thi đó đã phạm qui nên không thể phúc khảo lại và cho tăng điểm từ 0 lên 8,75 được.

Bạn đọc Như Mười cho rằng, lý do tô nhầm mã đề thì không thể chấp nhận, có thời gian để giám thị kiểm tra mã đề, trong thời gian thi vẫn có thể nhắc nhở, kiểm tra giúp việc tô của học sinh. Đặc biệt, khi thu bài thì một lần nữa giám thị và trưởng, phó hội đồng đọc, dò kiểm tra lại SBD, mã đề… Như vậy, xin hỏi mã đề sai thế nào, sai khi nào?

Độc giả Hồ Tuấn cho hay, không sửa lỗi tô mờ, tô sai mã đề cho thí sinh mặc dù phần mềm đã báo lỗi thì lỗi thuộc về người chấm. Còn nếu phần mềm không báo lỗi thì lỗi do phần mềm.

Độc giả Dũng Nhu thắc mắc, Bộ GD&ĐT giải thích rất lạ kỳ là do các em này tô sai mã đề. Trong bài tổ hợp cả 3 môn cùng mã đề, cùng tờ phiếu trả lời mà lại có chuyện chỉ sai mã đề môn Giáo dục công dân.

Được biết, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại địa phương này và lần đầu tiên tham gia chấm thi THPT quốc gia.

Phải sửa lỗi tô sai của thí sinh

Về những lỗi thí sinh mắc phải như tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án mùa tuyển sinh năm nay rất nhiều thí sinh mắc phải. Tuy nhiên, việc sửa lỗi này do phần mềm phát hiện và bộ phận chấm thi sẽ xử lý.

Trước đó, trong quá trình chấm thi trắc nghiệm tại Thanh Hóa, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã phát hiện hơn 640 trường hợp tô sai số báo danh và mã đề. Ban chấm thi đã sửa cho các thí sinh.

Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, quy trình chấm thi phải scan bài thi và được nhận diện bằng mã hóa. Khi nhận diện mã hóa, phần liên quan đến số báo danh và mã đề, phần mềm sẽ đưa ra xem đúng số báo danh và đúng mã đề chưa để sau này có điểm, trả đúng cho thí sinh đó, hoặc bài đó đúng là bài của thí sinh làm.

Thầy Tớp khẳng định, hai lỗi này nếu thí sinh tô sai bắt buộc phải sửa, nếu không sửa thì phần mềm không chấm được.

Cụ thể, nếu có một bài chấm được thì số báo danh đó không có thực, có điểm nhưng không biết trả bài cho ai. Như vậy, buộc mỗi bài thi phải có số báo danh, chủ nhân.  Bên cạnh đó, mỗi bài thi có mã đề, mỗi mã đề có một đáp án, phải khẳng định xem thí sinh làm mã đề nào.

Tiếp theo, phần mềm sẽ xem phần trả lời của thí sinh, nếu bắt được đúng thí sinh tô đủ đậm, mỗi câu hỏi chỉ có một đáp án, thì nhận diện câu hỏi đó không có vấn đề gì. Nhưng nếu thí sinh tô đúp, phần mềm sẽ báo lỗi. Hiển nhiên, tô đúp mà câu hỏi trả lời trắc nghiệm không thể có 2 câu trả lời.

Ngoài ra, có trường hợp thí sinh đã tô xong đáp án nhưng lại chọn đáp án khác. Vì vậy, đáp án cũ mà thí sinh tẩy đi, nhưng không tẩy hết, vẫn còn mờ mờ, phần mềm khuyến cáo nên mở bài thi đó ra xem.

Với kinh nghiệm chấm thi trắc nghiệm nhiều năm, thầy Tớp cho rằng, nếu mở ra quả thực các em đã tô, mà các em tẩy đi còn mờ mờ thì mình hiểu rằng các em chỉ còn một đáp án. Còn nếu như hai đáp án đều tô, mà không có dấu hiệu tẩy thì đương nhiên là phải để nguyên. Như vậy, cái này chỉ khuyến cáo mình nên xem xét cho các em.

Với lỗi tô mờ hoặc là tô rồi nhưng mà đã tẩy đi ở Thanh Hóa có tới 1.500 bài thi mắc phải. Để tìm ra lỗi này, Ban Chấm thi đã phải mở gần 12.000 bài ra để xem vì phần mềm cảnh báo phải làm để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh – thầy Tớp cho hay.

Cán bộ chấm thi phải có trách nhiệm!

Được biết, phần mềm chấm thi trắc nghiệm năm nay có 4 pha xử lý bài thi và chấm thi. Cụ thể, Pha quét ảnh, Pha quét ảnh, Pha sửa lỗi của thí sinh và Pha chấm bài thi.

Đối với pha sửa lỗi của thí sinh thì chỉ bài nào bị lỗi mới hiển thị. Các lỗi mà thí sinh thường mắc phải là Không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được.

Lỗi nhầm SBD đặc biệt nhất khi gặp phải là một thí sinh đi thi tô nhầm thành SBD của một thí sinh không đi thi. Không tô mã đề, tô mã đề không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề nào.

Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại. Có những lỗi do quét bài như để gấp phiếu, sai mặt phiếu, làm phiếu bị biến dạng.

Phần mềm chấm thi năm nay có điểm mới, khi sửa lỗi SBD hay lỗi mã đề thi, phần mềm chỉ hiển thị ảnh bài thi đã được che phần bài làm của thí sinh. Phần mềm hiển thị cửa sổ nhập liệu để người dùng nhập SBD và Mã đề thi đúng cho file ảnh bài thi được chọn.

Về qui trình sửa lỗi gặp phải ở phần bài làm thì chỉ bài nào bị lỗi mới hiển thị. Khi sửa bài làm, phần mềm chỉ hiển thị ảnh bài thi; phần thông tin SBD, Mã đề thi và các phần được ghi tay bị che. Phần mềm hiển thị ra cửa sổ nhập liệu cho phép người dùng nhập thông tin các câu trả lời của thí sinh bị lỗi.

Đặc biệt, khi người dùng thực hiện bất cứ thao tác sửa nào, phần mềm đều tự động ghi lại trong nhật ký. Kết quả sửa bài thi được phần mềm lưu lại và đồng thời in ra biên bản sửa lỗi.

Đối với pha chấm bài thi, sau khi nhập đáp án vào phần mềm, cán bộ chấm thi phải kiểm tra, so sánh với đáp án trên bản giấy có dấu đỏ): các Hội đồng thi nạp đĩa đáp án vào phần mềm. Nếu chưa thực hiện Pha thứ 3, khi phát hiện còn lỗi chưa sửa thì Phần mềm sẽ chặn, không cho phép thực hiện Pha thứ 4 này.

Cán bộ chấm thi của một trường đại học tại Hà Nội cho rằng, với 4 pha xử lý bài thi và chấm thi này đòi hỏi cán bộ chấm thi phải rất có trách nhiệm, không bỏ qua bất kỳ một cảnh báo nào của phần mềm trong khâu rà soát. Phải xác định lỗi và sửa lỗi của tất cả các bài được phần mềm báo lỗi xong rồi mới chuyển sang khâu chấm. Mục đích việc làm này là đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, sau khi trong quá trình đối soát dữ liệu điểm thi từ các địa phương gửi về, Bộ GD&ĐT đã phát hiện những bất thường về điểm thi của một số bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi tỉnh Tây Ninh. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Ban Chấm chi trắc nghiệm và Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh rà soát, báo cáo từng trường hợp cụ thể.

“Lỗi thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án mới là nguyên nhân ban đầu theo báo cáo của đơn vị chấm trắc nghiệm. Tuy nhiên, Bộ đang kiểm tra rà soát, phải sau ngày 2/8 mới có thông tin kết quả tiếp theo. Bộ sẽ làm rõ lỗi từ bộ phận nào để xử lý nghiêm túc” – Ông Hồng nói.

Comments

comments