fbpx
Home Tin tuyển sinh Sau bê bối thi cử, trường đại học có rà soát lại đầu vào?

Sau bê bối thi cử, trường đại học có rà soát lại đầu vào?

0
Sau bê bối thi cử, trường đại học có rà soát lại đầu vào?

Nhiều trường đại học cho biết, rất lo ngại nếu tuyển phải thí sinh có điểm “ảo”. Tuy nhiên trong quá trình học sẽ có cách để loại những sinh viên không đảm bảo chất lượng.

Gian lận thi cử ở Hà Giang và Sơn La là những “hình ảnh xấu xí” trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.  Đại đa số trường đại học tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia đều rất ngỡ ngàng khi tại Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được phù phép điểm số. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm, cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Tại Sơn La, Bộ GD-ĐT đã công bố có 29 bài thi môn Ngữ văn đã bị chỉnh sửa điểm, một số bài thi trắc nghiệm bị can thiệp, chỉnh sửa nay vẫn chưa được làm rõ điểm gốc.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ bài thi tại những địa phương này được “phù phép” vì muốn thí sinh có một chỗ học ở các trường công an, y dược, hoặc quân đội – những trường đại học vốn có điểm chuẩn cao ngất ngưởng.

Các trường đại học khác dù không có biện pháp để phân biệt thí sinh có điểm thật hay “ảo” trong quá trình tuyển sinh nhưng đã phương án để “loại” sinh viên khỏi giảng đường nếu không đảm bảo chất lượng.

Theo bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, do trường thiên về đào tạo kinh tế – kinh doanh và ngôn ngữ, nên tất cả sinh viên trúng tuyển vào trường đều có một kỳ thi gọi là đánh giá năng lực ngoại ngữ trước khi vào học.

“Không phân biệt sinh viên đến từ đâu, có chứng chỉ quốc tế hay không, chúng tôi có rà soát để xem đối tượng sinh viên của mình thuộc nhóm nào để phân nhóm cho phù hợp trong quá trình học tập. Qua đó cũng giúp chúng tôi xác định mức độ đầu vào của sinh viên, để sau này so sánh với đầu ra”- bà Hương cho biết,

Theo bà Hương, cứ giả sử bởi tiêu cực của người lớn như thế mà các thí sinh có thể vào được một trường ở top trên thì sẽ đối mặt với 2 vấn đề. Một là sẽ phải học cùng với những bạn giỏi thực sự thì sẽ bị đuối, hụt hơi trong môi trường chung. Cá nhân các bạn đó sẽ tự cảm nhận được mình bị đuối và không theo được, thậm chí nhiều khả năng sẽ bị đào thải.Thứ hai, những hình thức tiêu cực trong nhà trường cũng được trường bằng mọi cách làm triệt tiêu mạnh mẽ. Do đó, nếu như tinh thần vẫn đi theo “văn hóa chạy chọt” hay “bằng cách này hay cách khác để giành vị trí của người khác” thì cũng rất khó để có thể hoàn thành được chương trình học.

Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho hay, hằng năm trường vẫn xem xét và lọc ra những sinh viên thuộc diện bị dừng học, thôi học. Trong số những người vào trường giả sử nếu có một vài trường hợp rơi vào diện nghi vấn thì chính những bạn đó sẽ khó để có thể tồn tại trong một tập thể chung vậy.Khi trường đặt ra các chuẩn đầu ra thì chương trình học cũng hướng như thế, nếu sinh viên năng lực quá kém thì không thể vượt qua được.

“Ví dụ như ở Ngoại thương việc học ngoại ngữ và thi qua được các học phần là cực kỳ khó, nếu sinh viên không đủ khả năng thì không thể vượt qua nổi. Học ngoại ngữ không phải ngày một ngày hai mà phải cả một quá trình tích lũy. Chúng tôi có thể thấy rõ sinh viên qua các học phần.  Những bạn yếu vào trường sẽ càng bị đuối hơn. Nên theo tôi việc các bố mẹ, người lớn bằng cách nào đó để “nhét” con vào được các trường đại học không phù hợp năng lực thì thật sự trước hết đã không tốt cho chính con em họ. Tôi tin các bạn sinh viên đều hiểu trình độ của mình đến đâu. Nếu kết quả vượt quá khả năng của mình nhiều thì chắc chắn sẽ cảm nhận được và không hề tốt cho việc hình thành tâm thế của các bạn trẻ”

Theo bà Hương, cần nâng cao nhận thức xã hội cũng như những người có hành vi, ý định tiêu cực. “Bởi trong giáo dục, vấn đề về nhận thức và tâm thế cực kỳ quan trọng và nếu bỏ qua điều đó thì không còn là giáo dục nữa”.

Bà Hương cho rằng đến một lúc, việc tốt nghiệp đại học hay không không còn quá quan trọng và có bằng mà không có năng lực thực sự thì cũng coi như thất bại. Trước đây, Trường ĐH Ngoại thương dựa hoàn toàn vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia đối với tất cả các chương trình đào tạo nhưng giờ đây, trường đã phân chia các chương trình đào tạo ra để xác định đối tượng khác nhau. Với điều kiện hiện tại trường không tự tổ chức được một kỳ thi riêng nên sau phân chia như vậy, trường dùng thêm các phương thức khác nữa và dần dần sẽ bớt lệ thuộc vào kết quả điểm thi THPT quốc gia.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay, với cơ chế về chuẩn đầu ra nghiêm túc thì nhà trường vẫn sẽ đón nhận tất cả và đối xử bình đẳng với các sinh viên trúng tuyển. Tuy nhiên, ông Điền nghĩ rằng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ không phải là đối tượng mà các thí sinh có “dấu hiệu điểm thi bất thường” hướng đến.

“Bởi cơ chế sàng lọc của trường chúng tôi rất khốc liệt, đảm bảo những sinh viên không thực giỏi thì không dám vào học. Chính vì vậy chúng tôi không lo lắng, băn khoăn và không có động thái cho việc phải rà soát”, ông Điền chia sẻ.

Ông Điền cho rằng nếu sinh viên yếu kém nhưng bằng tiêu cực để rồi có thể trúng tuyển vào trường chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc học tập và dễ bị đào thải.

“Mỗi năm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội buộc thôi học 600-700 sinh viên, nên tôi nghĩ kể cả có trúng tuyển được vào nhưng những em năng lực kém thì khó lòng mà trụ lại được. Vào được nhưng có ra được hay không mới là vấn đề”, ông Điền nói.

Tại TP.HCM, nhiều trường đại học cho biết không lo ngại tuyển thí sinh có điểm không thực chất, nhưng nếu tuyển phải thí sinh có “điểm ảo” thì trường cũng có biện pháp loại thí sinh không đảm bảo chất lượng này trong quá trình học tập.

Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng trường không quá lo lắng vì địa bàn tuyển sinh của trường nằm ngoài những địa danh bê bối vừa bi phanh phui,  Hơn nữa, phổ điểm của trường từ năm 2017 chỉ ở mức từ 17 đến 23,75 là “vùng ngoài gian lận”.

“Chúng tôi không quá lo lắng, vì phân phúc điểm chuẩn của trường ngoài vùng gian lận”- ông Lý nói.

Theo ông Lý, dù trở thành tân sinh viên nhưng nếu không có động cơ học tốt, học lực không tương xứng với trình độ thật, năng lực thực sự của các em thì chắc chắn trước sau gì những sinh viên này cũng bị loại thông qua kết quả học.

“Mỗi năm Trường ĐH Nông lâm TP.HCM buộc thôi học khoảng 3% sinh viên. Như vậy, sau 4 năm học, tỷ lệ sinh viên bị buộc thôi học do nhiều lý do (chủ động nghỉ và bị cho nghỉ) khoảng 10%”- ông Lý cho biết.

Sau bê bối thi cử, trường đại học có rà soát lại đầu vào?
Học sinh dự thi THPT quốc gia 2018

Còn ông  Phạm Thái Sơn, Phó trường phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết quả thực rất khó để biết được thí sinh nào điểm thật, thí sinh nào điểm “ảo”, vì xét tuyển theo kết quả thi quốc gia, điểm thi là do Bộ GD-ĐT công bố, còn nếu xét tuyển theo học bạ thì điểm học cũng đã được đóng dấu của trường phổ thông, vì vậy, chỉ còn cách lọc sinh viên khi vào học.

“Chúng tôi thực hiện kiểm tra hồ sơ của thí sinh sau khi nhập học. Nếu có gian lận hồ sơ thì bị xử lý kỷ luật đến mức đuổi học. Với những chương trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn đầu vào cũng như chuẩn đầu ra, sinh viên phải được xác định ngày từ đầu, nếu không có thực lực sẽ bị loại ngay sau năm thứ nhất”- ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, thực hiện sáng học nhiều năm nay, cho thấy việc sàng tra hồ sơ rất ít sinh viên bị đuổi học, nhưng sáng lọc quá trình học và đánh giá chất lượng thì nhiều sinh viên bị loại. “Có ngành đến 10% sinh viên bị đuổi học ngay từ năm đầu tiên. Mỗi năm trường cảnh báo học vụ 300-400 sinh viên”- ông Sơn cho hay,

Ông Sơn khuyên rằng, đầu vào chỉ là một trong những điều kiện để giúp các trường xây dựng phương án tổ chức đào tạo sao cho hiệu quả, đáp ứng chuẩn đầu ra của ngành. Người học, phụ huynh cần thông minh hơn trong việc chọn đại học, không bằng mọi giá để vào trong khi năng lực không đáp ứng. Ông Sơn cũng mong, sau khi thẩm tra xong Bộ nên công bố kết quả để các trường đại học có căn cứ trong việc kiểm tra thí sinh trúng tuyển.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đương, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng thực sự trường rất lo lắng nếu tuyển phải thí sinh không có điểm thực chất, nhưng cũng “bó tay” vì không có cách nào để biết hay loại được các em.

“Không có cơ sở nào để chúng loại các em hết. Nhiều người nói rằng thực hiện khảo sát đầu năm, em nào không đạt thì loại nhưng không có sở sở nào để loại các em. Lý do gì để nói rằng khảo sát không qua nên các em bị loại, trong khi các em đã trúng tuyển bằng điểm thi quốc gia. Chúng tôi chỉ có thể sàng lọc những sinh viên này trong quá trình học theo cơ chế học vụ và đào tạo tại trường”- ông Đương cho biết

Theo ông Đương, dù không nhiều nhưng hàng năm có một số thí sinh bị nghỉ học do không đáp ứng được chất lượng và vi phạm học vụ.

Ông Lê Chí Thông, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM cho biết dù rất ngỡ ngàng khi có chuyện gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay ở một số địa phương, trường vẫn tuyển sinh bình thường.

“Làm sao để biết thí sinh nào là điểm thực chất hay điểm ảo đây? Còn theo quy định học vụ, về tín chỉ những sinh viên không đạt yêu cầu trong quá trình học sẽ phải loại khỏi trường. Mỗi năm Trường ĐH Bách khoa có một số sinh viên phải nghỉ học và bị cảnh cáo học vụ, nhưng số này không lớn lắm”- ông Thông cho hay.

Đại diện Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, cũng cho biết trường không lo gì về việc tuyển sinh đầu vào, bởi vào học nếu sinh viên không đủ năng lực sau một học kỳ cũng sẽ bỏ học hoặc bị đình chỉ vì không kịp tiến độ. – Vietnamnet

Comments

comments