Gần 900.000 thí sinh sẽ làm bài thi Ngữ văn kéo dài 180 phút trong buổi sáng 2/7.
Thí sinh khá thoải mái trước giờ thi môn Văn ở Đại học Công nghệ TP HCM sáng nay. Ảnh: Mạnh Tùng |
Bước vào ngày thi thứ 2, thí sinh sẽ thi tiếp môn bắt buộc cuối cùng là Ngữ văn. Thời tiết TP HCM khá mát mẻ. Hầu hết thí sinh đều có mặt ở điểm thi lúc 6h, tỏ ra khá thoải mái.
Tại ba điểm thi đặt tại Đại học Công nghệ TP HCM (cụm thi Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM chủ trì), hàng trăm thí sinh lần lượt xếp hàng ngay ngắn, trật tự đi thang máy lên các phòng thi. Không nhiều người lấy sách vở ôn bài, mà tranh luận sôi nổi về các chủ đề nghị luận xã hội có thể ra trong đề Văn.
Nhiều thí sinh cho biết, câu nghị luận xã hội tạo được cảm hứng nhiều nhất trong đề thi Văn vì giúp các em thỏa sức thể hiện cảm xúc, quan điểm cá nhân. “Em nghĩ đề bài nghị luận sẽ nói về chủ quyền biển đảo, môi trường biển nên em đã lên báo đọc nhiều tin tức về các vấn đề này”, Thanh Phúc (ngụ quận Bình Thạnh) dự đoán.
Trong khi đó, Hoàng Ngân (ngụ quận Thủ Đức) hỏm hỉnh nói: “Có thể đề nghị luận liên quan đến Tổng thống Obama nên em đã đọc, tìm hiểu nhiều câu phát biểu hay của ông khi đến Việt Nam”. Nhiều thí sinh khác lại dự báo các vấn đề thời sự như an toàn thực phẩm, lối sống của giới trẻ… sẽ được đưa vào đề Văn.
Với câu hỏi nghị luận văn học, thí sinh lại đưa ra nhiều dự đoán khác nhau về các tác giả có thể vào đề Văn năm nay: Kim Lân, Nguyễn Tuân, Tố Hữu..
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đề thi sẽ ra tương tự như năm 2015, nghĩa là không yêu cầu học thuộc lòng, nhớ máy móc, mà tăng cường khả năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết yêu cầu đề bài.
Dự kiến, cấu trúc đề sẽ gồm 2 phần, trong đó phần 1 là phần đọc hiểu (3 điểm). Người ra đề sẽ cho một trích đoạn trong tác phẩm văn học, thí sinh dựa vào đó để trả lời các câu hỏi.
Phần 2 là phần làm văn 7 điểm. Thí sinh phải vận dụng khả năng đọc- hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học (3 điểm). Câu 2 (4 điểm) thí sinh cần nêu cảm nhận, bình luận về một nhân vật, hiện tượng trong đoạn trích người ra đề cho sẵn.
Thí sinh trước giờ làm bài thi. Ảnh: Nguyễn Hải |
TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, với câu hỏi nghị luận xã hội, đề bài thường ra bởi ba dạng chính: nghị luận về một tư tưởng đạo lý, nghị luận về một hiện tượng đời sống, nghị luận về một vấn đề trong một tác phẩm văn học. Mỗi dạng lại sẽ bao gồm những dạng bài nhỏ hơn. Ví dụ, dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý có thể yêu cầu bàn luận về một ý kiến, một châm ngôn, danh ngôn; cũng có thể yêu cầu trình bày quan điểm cá nhân về một khái niệm phẩm chất tính cách nào đó.
Theo cô Tuyết, sau khi đã xác định được kiểu dạng đề, học sinh nên dành 5 phút để lập một dàn ý ngắn gọn tương ứng với kiểu đề. Trong dàn ý của bài văn nghị luận, học sinh cần chú ý 6 bước chính. Trước tiên là giới thiệu ngắn gọn vấn đề cần bàn luận. Phần này yêu cầu viết ngắn gọn, chính xác, nhất thiết phải nêu được vấn đề theo yêu cầu của đề bài. Ví dụ, nêu nguyên văn ý kiến, châm ngôn, danh ngôn…; khái niệm chỉ tính cách hay trạng thái tâm lý; nêu hiện tượng cần bàn luận… Phần này cũng chính là mở bài, vì thế học sinh tránh diễn giải dài dòng, chỉ nêu ý khái quát.
Thứ 2 là giải thích khái niệm (nếu có), tức là trả lời câu hỏi “là gì?”. Phần này có thể giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng… tùy theo từng vấn đề. Sau đó nêu những biểu hiện của vấn đề trong cuộc sống, trong văn chương, tức là trả lời câu hỏi “như thế nào?”, rồi lý giải nguyên nhân vấn đề, hiện tượng hay phẩm chất, tức là trả lời câu hỏi “vì sao?”.
Thí sinh cũng cần bàn luận về vấn đề, đánh giá phẩm chất, hiện tượng…, đặt ra một số câu hỏi lật ngược lại vấn đề, nhìn vấn đề sâu hơn ở nhiều góc độ… Ví dụ hiện tượng/phẩm chất/ý kiến ấy có luôn đúng/sai/tốt/xấu?
Cuối cùng là rút ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân. Một bài học nhận thức nên là suy nghĩ chân thành, sâu sắc chứ không phải sáo rỗng, hô khẩu hiệu như nhiều học sinh thường làm. Phần này thường là phần kết bài của bài văn nghị luận xã hội.
Năm 2015, đề thi Văn quốc gia gồm 10 câu hỏi cho cả hai phần đọc hiểu và làm văn. Đề cũng gây hứng thú cho thí sinh từ câu đầu tiên khi đề cập đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, đến cuộc sống gian khổ của người lính canh giữ đảo.
Thầy Nguyễn Phi Hùng, tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Anhxtanh Hà Nội nhận định, nội dung đề thi không giới hạn trong phạm vi kiến thức sách giáo khoa mà chú trọng đến kỹ năng đọc hiểu văn bản, kỹ năng làm văn và hiểu biết xã hội của học sinh. Nét mới của đề thi 2015 là yêu cầu đọc hiểu một văn bản thơ trong bài thơ Hát về một hòn đảo của Trần Đăng Khoa không có trong sách giáo khoa. Đối với dạng bài này, thí sinh chỉ cần nắm chắc kỹ năng làm bài và trình bày cẩn thận, sáng rõ, các em sẽ có cơ hội giành điểm tối đa là 3 điểm.
Ở phần làm văn, đề trích dẫn một đoạn văn trong tác phẩm và đề nghị học sinh phân tích nhân vật dựa trên ngữ liệu cụ thể đó. Cách hỏi này khiến học sinh không phải học thuộc lòng mà chủ yếu sử dụng kỹ năng phân tích văn bản văn học. Đề thi đã chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá kỹ năng.
Tuy vậy, nếu thí sinh không cẩn thận, vẫn không thể được điểm cao. Theo phổ điểm năm 2015, số thí sinh bị điểm 0 là 423, mức 0,5 điểm là 192 và mức 1 điểm là 349.
Tổng số em bị điểm liệt theo đồ thị là hơn 960. Chỉ có 11 thí sinh đạt điểm 9,5 và 7 em đạt 9,75, không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối.
Trong buổi thi Văn năm 2015, số thí sinh vi phạm quy chế rất đông, chủ yếu là do mang điện thoại di động, mang tài liệu vào phòng thi. Cả nước có 320 em bị kỷ luật, trong đó khiển trách 9, cảnh cáo 13 và đình chỉ 298. Vì vậy, Thứ trưởng Giáo dục Bùi Văn Ga nhắc nhở, đề thi không yêu cầu học thuộc lòng, nhớ máy móc, nên thí sinh tuyệt đối không mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi. Nếu bị phát hiện, kể cả chưa sử dụng các em vẫn bị đình chỉ thi.
Lịch thi THPT quốc gia 2016. Đồ hoạ: Tiến Thành – Hoàng Thuỳ |
Theo Vnexpress