Phương án thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 dự kiến sẽ “giải quyết” nhiều vấn đề tồn đọng trong kỳ thi năm nay.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã khép lại và được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá nhìn chung là thành công. Tuy vậy, kỳ thi vẫn còn tồn tại một số bất cập cần giải quyết. Do đó, Bộ tiếp tục tiến hành “hoàn thiện” nhằm đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia 2017 (dự kiến) diễn ra trung thực, khách quan, tin cậy và nhẹ nhàng nhất cho xã hội.
Hiện tại, dự thảo ban đầu về phương án thi cử năm tới đang thu hút sự chú ý của toàn xã hội và gây ra 2 luồng tranh cãi nhất định. Nhìn chung, phương án thi 2017 đã được xây dựng để giải quyết được các bất cập tồn đọng trong kỳ thi năm nay.
Cụ thể, mục tiêu chống gian lận, quay cóp đã được đưa lên một “tầm cao” mới với việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm ở tất cả các môn và không có đề thi giống nhau trong cùng một phòng thi. Một trong những bất cập khi trong các kỳ thi THPT quốc gia là tình trạng chấm lỏng, chấm chặt khác biệt giữa các cụm thi cũng có thể được xóa bỏ nhờ phương án thi trắc nghiệm, chấm bằng máy.
Bài thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội sẽ làm giảm tình trạng học lệch, học tủ nhưng vẫn bảo đảm việc phân luồng khi cho phép học sinh được tự chọn một trong hai bài thi thông qua 2 khối cơ bản.
Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm từ việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội cho thấy trình độ ra đề hiện nay hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đánh giá, phân loại, phân hóa học sinh trong một bài thi tổng hợp nhằm mục đích xét tuyển.
Đề thi được xây dựng dựa trên tiêu chí hạn chế tối đa tình trạng gian lận, quay cóp nên việc giao cho địa phương đảm nhận công tác tổ chức và trông thi dưới sự giám sát của các trường đại học là hoàn toàn khả thi.
Với mục tiêu tạo ra một kỳ thi khách quan, trung thực, nhẹ nhàng nhất cho xã hội thì kết quả của kỳ thi năm 2017 sẽ rất đáng tin cậy khi sử dụng để xét tốt nghiệp hay xét tuyển đại học.
Tuy vậy, về lâu về dài thì Bộ nên xem xét áp dụng công nghệ thông tin để học sinh làm bài trên máy tình thay vì giấy thi, thi thành nhiều đợt như nhiều nước phát triển đang áp dụng. Đặc biệt, Bộ nên tính toán giới hạn kiến thức, cách ra đề và đưa ra bộ đề minh họa sớm nhất để các trường, giáo viên có định hướng ôn tập sớm cho học sinh.
Xem thêm: