Đề bài: Phân tích bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến
Bài làm
Từ lâu, mùa thu là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca và có lẽ không nhà thơ nào lại không viết về mùa thu. Bởi thiên nhiên mùa thu đẹp lạ lùng: những chiếc lá vàng rơi theo gió, những cơn gió nhẹ nhàng thoảng qua làm con người bỗng mênh mang … Nhưng có lẽ, người yêu thơ sẽ không hình dung được mùa thu Việt Nam ra sao, nếu không đọc ba bài thơ mùa thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến. Xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình”, học giỏi, nhưng không vì vậy mà cụ Tam Nguyên Yên Đổ lại chỉ ràng buộc mình với điển tích của thơ văn Trung Quốc. Bằng những cảm nhận tinh tế, bút pháp sáng tạo, Nguyễn Khuyến đã xây dựng nên trong thi ca Việt Nam một mùa thu chân thực, bình dị, dịu nhẹ: Ba bài thơ thu đều rất hay, rất đẹp, nhưng đối với tôi tuyệt mĩ nhất, hoàn hảo nhất, có lẽ là “Thu điếu”:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyên câu bé tẻo teo.
…
Tựa gối, ôm cẩn lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Tôi yêu bài thơ này, tôi cảm được mùa thu miền Bắc, tôi thầm phục Nguyễn Khuyến vì nhà thơ đã quá tài tình khi miêu tả mùa thu quê hương ông. Những sự việc tưởng chừng như quen thuộc, bình thường đã được nhà thơ của mùa thu tái tạo thật độc đáo để vẽ nên bức tranh tuyệt tác về cảnh thu: một cảnh thu cô đơn, vắng vẻ chứa đựng nhiều tâm sự:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”
Như bao bài Đường thi khác, hai câu thơ của bài “Thu điếu ” đã làm tròn nhiệm vụ thi pháp của nó: giới thiệu tổng quát cảnh mùa thu câu cá. Hình ảnh “ao thu ” và một “chiếc thuyền câu ” đã làm rõ đầu đề bài thơ. Người đọc yêu thơ chừng như nhớ ra rằng: hơn một lần hình ảnh một người câu cá trong một ao thu mà mình đã bắt gặp đâu đó trong thơ Đường. “Cảo thơm lẩn giở”, ta phát hiện ra: “nhất nhân độc điếu nhất giang thu”. Không rõ Nguyễn Khuyến có lấy cảm hứng từ câu thơ trên của Vương Sĩ Trinh hay không, nhưng có điều chắc chắn rằng cụ Tam Nguyên đã sáng tạo rất nhiều. Nếu như thi sĩ họ Vương đời Thanh đã dùng đến chín chữ “nhất” để miêu tả cái lẻ loi, vắng lặng của người câu cá mùa thu, thì trong toàn bài ‘Thu điếu”, nhà thơ làng Yên Đổ sử dụng duy nhất có một chữ “một” mà vẫn diễn đạt được tâm trạng của thi sĩ họ Vương. Vì sao vậy? Hãy chú ý cách dùng từ miêu tả rất đắt của Nguyễn Khuyến. “Lạnh lẽo” đúng là cái tiết trời miền Bắc se se lạnh. Hình ảnh “nước trong veo” tưởng chừng như in hình toàn bộ mùa thu trong trẻo. “Nước trong veo “, nghĩa là trong, trong lắm và dường như mọi vật đã biến đi hết, để lại một không gian tĩnh lặng một trời thu trong xanh thì nước mới trong veo như vậy. Tất cả, chim chóc có lẽ đã đi trốn tiết lạnh của mùa thu miền Bắc. Một nhà thơ đời Đường viết:
“Ngàn núi chim bay tiệt,
Vạn nẻo bóng người hết”.
nhưng ông còn tạo hình ảnh:
“Một thuyền ông áo tơi,
Ngồi câu trên sông tuyết”.
như để khẳng định con người trước thiên nhiên. Có lẽ, Nguyễn Khuyến thấm nhuần tư tưởng đó nên đã đặt hình ảnh: “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” trên “ao thu “Bé tẻo teo” là từ láy đặc sắc, diễn tả chiếc thuyền bé đến nỗi như chợt thấy một dấu chấm trong khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, vắng vẻ. Một sự cô đơn bao trùm. Hai câu đề chẳng những giới thiệu tổng quát cảnh thu mà còn phần nào hé được tâm trạng của tác giả. Từ một điểm yên lặng, ông câu hướng tầm mắt ra xung quanh, và ông nhìn thấy:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.”
Nhà thơ cảm nhận được sắc màu xanh biếc của làn sóng ao thu quả là hay. Nhưng sẽ còn thú vị hơn nữa khi nhà thơ bậc thầy ấy còn nhận thấy những làn sóng lăn tăn, “hơi gợn tí”. Nguyễn Khuyến đã quan sát thực tinh tế để phát hiện được những hình ảnh đặc sắc trong cảnh vật thật bình thường. Một chiếc lá vàng rơi. Đó là điều bình thường của mùa thu. Nhưng đối với nhà thơ có lòng yêu thu rất mực ấy, ông lặng nhìn cặn kẽ, tinh tế đường bay của nó. Và “vèo” một cái, chiếc lá vàng bay qua. Có thể nói từ “vèo” là một đóng góp xuất sắc của Nguyễn Khuyến cho văn chương. Bởi nó không chỉ là từ tượng hình mà còn là từ tượng thanh, nó không những khiến người đọc nhìn thấy sự rơi rất nhanh của chiếc lá, mà còn giúp nghe được tiếng lá rơi. Cảnh phải cực kì tĩnh, tâm phải cực kì thanh thì nhà thơ mới có thể phát hiện được ra nét lặng tuyệt diệu ấy của thiên nhiên. Mùa thu quả là đặc sắc? Có lẽ bao người đã thốt lên như vậy khi đọc hai câu thực này. Nhưng chưa hết:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”
“Trời xanh ngắt” đó là từ ngữ quen thuộc của Nguyễn Khuyến, có lẽ ông không tìm từ nào đắt hơn để cực tả được cái trong xanh của mùa thu đất Bắc. Trên bầu trời, vài tầng mây treo lơ lửng. Tựa hồ chúng không chuyển động vì quá nhẹ? Cảnh động quá nhẹ vì rất tĩnh. Nhà thơ lại nhìn về xóm nhỏ xa xa ven ao, nơi ấy có ngôi nhà của mình. Trên những con đường làng hoàn toàn vắng người qua lại, những ngõ đi trồng trúc quanh co hoàn toàn vắng dấu chân người. Lại là những gì vắng vẻ cô đơn. Và lại càng vắng vẻ cô đơn hơn nữa, khi cả một không gian rộng lớn yên tĩnh bao trùm những lối mòn yên tĩnh. Một vế đối thật đặc sắc. Điều đó giúp người đọc hiểu được gì trong tâm trạng ông Tam Nguyên Nguyễn Khuyến? Nhà thơ hướng mắt nhìn ra xa, lên cao, như một ông chài quăng lưới, cuối cùng thì cũng thu về tâm điểm của mình:
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Có lẽ ông câu đang chất chứa trong lòng một tâm sự sâu kín nên ông chỉ nhìn trời, nhìn đất, để rồi chẳng câu được gì. Phải chăng, đó là tâm trạng cô đơn trước cảnh vật thiên nhiên, trước tình người, nghĩa đời trong xã hội thê hương. Câu cá là một thú tiêu khiển. Con người ấy đã lặng lẽ ngồi câu cá để mong có thể tìm lại sự thanh thản, mà nào có được. Khi câu cá, ông ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên để rồi càng thêm cô đơn. Đến ngay chú cá vô tư, chẳng mắc câu ông, chỉ “đớp động dưới chân bèo” dường như để nhắc rằng ông lão đừng nên lơ đãng như vậy.
Thực ra, trải suốt bài thơ vẫn còn sóng biếc, lá vàng, tầng mây, ngõ trúc, con cá, lá bèo …, nghĩa là ông không hoàn toàn cô độc, nghĩa là ông vẫn còn có thú tiêu khiển.
Có thể nói hai câu kết đã bộc lộ rõ cái “tôi” của Nguyễn Khuyến. Và người đọc càng thêm hiểu ông: tại sao nhà thơ lại yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đến như vậy. Nguyễn Khuyến đã kết thúc bài thơ rất thành công. Có thể nói “Thu điếu” đưa người yêu thơ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ vẻ đẹp tuyệt diệu này đến vẻ đẹp tuyệt diệu khác để cuối cùng bật lên giá trị của bài thơ: một cảnh thu toàn bích của quê hương yêu dấu.
Hỡi ai đã từng xao động trước thác núi Lư hùng vĩ của Lý Bạch, trước lầu Hoàng Hạc xa xăm của Thôi Hiệu, tại sao lại không xao động trước mùa thu của Nguyễn Khuyến, một mùa thu rất Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, “Thu điếu ” chỉ tả cảnh thu nơi làng quê Nguyễn Khuyến, nhưng nó sẽ sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam. Đó là viên ngọc quý của thơ ca dân tộc.
Bạn hãy thưởng thụ, yêu thu và cảm “Thu điếu ” kẻo sau này lại hối tiếc: tại sao hồi đó mình vô tình như vậy.