Đề bài: Phân tích bài thơ “Tảo giải” (Giải đi sớm) của Hồ Chí Minh.
Bài làm
“Ngục trung nhật kí” gồm 134 bài thơ chữ Hán, phần lớn viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Tập nhật kí bằng thơ này ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, từ tháng 8- 1942 đến tháng 9-1943, khi lãnh tụ Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ, đày đoạ và giải lui giải tới khắp các nhà lao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc:
“Quảng Tây giải khắp mười ba huyện,
Mười tám nhà lao đã ở qua…”.
“Nhật kí trong tù” biểu hiện một cách cảm động về đẹp của một tâm hồn lớn, một trí tuệ lớn và một dũng khí lớn của người chiến sĩ vĩ đại trong cảnh tù đày.
Bài thơ “Gỉải đi sớm” (Tảo giải) rút trong “Nhật kí trong tù” ghi lại một lần chuyển lao vô cùng gian khổ mà Bác phải nếm trải, qua đó ta thấy hình ảnh tuyệt đẹp của “ông tiên trong tù”
Hai câu thơ đầu nói về thời điểm cuộc chuyển lao diễn ra lúc nửa đêm về sáng:
“Nhất thứ kê đề dạ vị lan”.
Tiếng gà gáy một lần, đêm chuyển canh, trời chưa sang. Tiếng gà gáy cái âm thanh dân dã thân thuộc ấy đêm nay lại vang lên nơi đất khách quê người, gợi lên trong lòng người tù bị giải đi bao nỗi niềm. Câu thứ hai tả cảnh bầu trời một đêm thu phương Bắc:
“Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san”.
Trăng sao được nhân hóa: Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu. Một nét vẽ tạo hình trong trạng thái động của thiện nhiên, làm cho cảnh trăng sao càng trở nên hữu tình. Trong khổ ải “chinh nhân” không cảm thấy cô đơn, vẫn ngước mắt nhìn lên bầu trời, hướng về “thu san” để tận hưởng vẻ đẹp của vũ trụ. Trăng sao như cùng đồng hành với Bác trên chặng đường khổ ải. Đây là một nét vẽ rất tinh tế mang vẻ đẹp cổ điển: chấm phá cảnh trăng sao, lấy ngoại cảnh để biểu hiện tâm cảnh của nhân vật trữ tình đó là nhà thơ – chinh nhân.
Phải có một tình yêu đời tha thiết, một bản lĩnh phi thường, một hồn thơ dào dạt tình yêu thiên nhiên, người tù mới làm chủ hoàn cảnh gian khổ, đoạ đày để cảm thụ vẻ đẹp đêm thu. Một nét vẽ, một câu thơ đầy ánh sáng trong một cuộc đời còn nhiều tăm tối và cay đắng. “Chinh nhân” đang hướng về ánh sáng mà đi tới;
“Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
Nghênh diện thu phong trận trận hàn”
(Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt đêm thu trận gió hàn).
Hai câu 3, 4 miêu tả cảnh người đi đày – người đi xa đang bước đi trên con đường xa (chinh đồ thượng). Lúc bấy giờ, Bác đã trải qua những ngày dài bị đày ải, phải đắp chăn giấy, áo quần rách tả tơỉ. Thân hình tiều tụy, đôi chân mang nạng xiềng xích, lê bước đi trước mũi súng bọn lính áp giải. Từng trận… từng trận gió thu phương Bắc lạnh lẽo tới tấp thổi vào mặt Bác. Hai câu thơ này, có nhà phê bình văn học rất thú vị ở chữ “nghênh diện” vì nó gợi tả tư thế hiên ngang, bất khuất của Bác trên bước đường khổ ải. Cũng có ý kiến khác chú ý nhiều hơn đến các từ “chinh nhân” – “chỉnh đồ” ở câu thứ ba và hai chữ “trận” trong hình ảnh “trận trận hàn” ở câu 4. Bốn tiếng ấy hoà nhịp với nhau tạo nên âm hưởng trầm hùng. Giáo sư Nguyên Đăng Mạnh đã viết: “… Nhịp điệu ấy, âm hưởng ấy. khiến cho bài thơ không phái là tiếng hát đi đày mà là hành khúc trầm hùng”.
Phần hai của bài thơ nói về cảnh rạng đông. Cả trời đất bừng sáng trong khoảnh khắc, bầu trời từ màu trắng (bạch sắc) chuyển sang màu hồng (dĩ thành hồng). Bao la một màu hồng. Cảnh bình minh hiện lên vô cùng tráng lệ:
“Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,
U ám tàn dư tảo nhất không!”
Ánh sáng chuyển hoá: “bạch sắc” – ” thành hồng”; màu sắc tương phản đối lập: “hồng” / “u ám”. Một đêm thu lạnh lẽo đã trôi qua. Thơ viết về rạng đông đầy màu sắc rạng rỡ. Đúng là “thi trung hữu hoạ”. Sau này, vào mùa thu năm 1949, tại chiến khu Việt Bắc, trong bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy”, Bác cũng viết:
“Thuyền về trời đã rạng đông,
Bào la nhuốm một màu hồng đẹp tươi”.
Một đằng là cảnh rạng đông khi bị lưu đày, một đằng là cảnh rạng đông trên chiến khu thời kháng chiến,cảnh ngộ tuy khác nhau nhưng đều biểu hiện một tâm hồn yêu thiên nhiên, một tâm thế lạc quan yêu đời của người chiến sĩ vĩ đại.
Hai câu cuối toát lên một phong thái, một cốt cách thi sĩ rất đẹp:
“Noãn khí bao la toàn vũ trụ,
Hành nhân thì hứng hốt gia nồng”.
Hơi ấm bao la bao trùm cả vũ trụ lúc rạng đông đã làm cho hồn thơ của người đi đường càng thêm đượm nồng. “Chinh nhân” trở thành “hành nhân”. Bác như quên hết mọi đau khổ, lòng ấm lên, vui lên cùng vạn vật. “Thi hứng” dâng lên dào dạt trong lòng. Câu thơ tràn đầy xúc cảm. Bác không nói đến “thép” mà vẫn sáng ngời chất thép vì vần thơ đã thể hiện một cách tuyệt đẹp phong thái ung dung, tâm hồn thư thái lạc quan yêu đời của người chiến sĩ vĩ đại trong khổ ải.
Đọc “Nhật kí trong tù” ta bắt gặp nhiều cảnh chuyển lao. Có trường hợp bị giải đi trong mưa gió: “Năm mươi ba cây số một ngày – Áo mũ đâm mưa, rách hết giày”. Lại có lần bị đày đoạ: “Hôm nay xiềng xích thay dây trói – Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung”. Có cảnh “Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình..”. Thật là trăm lần khổ ải, nghìn điều đắng cay! Tuy nhiên, trong khổ cực đày đoạ, lúc nào phong thái của Bác cũng hết sức ung dung tự tại, lạc quan, làm chủ hoàn cảnh: “Vật chất tuy đau khổ — Không nao núng tinh thần”.
Tóm lại, “Giải đi sớm” là một bài thơ đặc sắc. Tính nhật kí và hướng nội của bài thơ rất rõ nét. Cảnh đêm thu gió rét. Con đường đi đày xa lắc. Có trăng sao trên núi thu. Có cảnh bình minh tráng lệ và ấm áp. Và có tâm cảnh: “Hành nhân thi hứng hốt gia nồng”.
Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng bị quân thù giải đi trong gió rét trên con đường xa, với tâm thế ung dung, lạc quan và yêu đời… là một hình ảnh đẹp mà người đọc cảm nhận được qua bài thơ này. Nét vẽ chấm phá về trăng sao, về rạng đông đã tô đậm chất trữ tình và sắc thái cổ điển của bài thơ “Tảo giải”.
Bài thơ “Tảo giải” là bài hát đi đày của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Chân tay bị xiềng xích mà vẫn ung dung lạc quan. Nó giúp ta khám phá vẻ đẹp tâm hổn Hồ Chí Minh:
“… Mười bốn trăng tê tái gông cùm
Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc
Mà thơ bay .., cánh hạc ung dung!”.
(Tố Hữu)