Công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT 2020 đang được Bộ GD&ĐT lên kế hoạch chi tiết, chặt chẽ. Theo đó, chỉ những cán bộ đạt yêu cầu qua các bài test mới tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Huy động cả thanh tra Nhà nước và thanh tra tỉnh
Về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi nhưng Bộ GDĐT vẫn chịu trách nhiệm chỉ đạo chung.
Trong đó, có ban hành quy chế, hướng dẫn thi, chịu trách nhiệm xây dựng đề thi và phần mềm chấm thi, tập huấn cho cán bộ coi thi, chấm thi và đặc biệt là công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo sự an toàn, công bằng, minh bạch của kỳ thi.
“Kỳ thi năm nay có điểm mới là huy động cả thanh tra Nhà nước và thanh tra tỉnh cùng tham gia. Ngoài ra, Bộ GDĐT có kế hoạch sau khi có phổ điểm thi sẽ so sánh với kết quả học bạ để đánh giá chất lượng có thực chất hay không. Qua đó, thấy điểm mạnh, điểm yếu để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục địa phương”, Bộ trưởng Nhạ thông tin.
Với việc huy động lực lượng thanh tra các cấp như trên, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ để chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra tỉnh tổ chức phù hợp.
Hiện, Bộ đang xây dựng một tài liệu tập huấn điện tử (Infographic và Video), mô phỏng các khâu của kỳ thi về nghiệp vụ thanh tra thi tốt nghiệp THPT và các bài test để người được tập huấn dễ hình dung, nắm vững từng quy trình thanh tra, kiểm tra thi.
Sau đó, sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá để xem người tham gia tập huấn có nắm vững nhiệm vụ, cách thức thực hiện nhiệm vụ của mình trong kỳ thi hay không.
“Chỉ những cán bộ, công chức, viên chức đạt yêu cầu qua các bài test mới tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra” – ông Cường nhấn mạnh.
Giảng viên đại học sẽ tham gia 2 nhóm thanh tra
Chánh Thanh tra Bộ cho hay, năm nay dù không huy động cán bộ, giảng viên trường ĐH tham gia coi thi, chấm thi nhưng lực lượng này vẫn được huy động tham gia công tác thanh tra kỳ thi.
Bộ sẽ huy động cán bộ, giảng viên ĐH có đạo đức tốt, có kinh nghiệm tham gia hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương. Việc huy động cán bộ, giảng viên tham gia phải đảm bảo đúng các quy định pháp luật. Dự kiến có 2 nhóm khác nhau, một số tham gia các đoàn thanh tra/kiểm tra của Bộ, một số tham gia các đoàn của địa phương.
Thành lập 63 đoàn kiểm tra ở tất cả các khâu
Theo kế hoạch Thanh tra của Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thanh tra (hoặc kiểm tra) các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại 63 địa phương trong suốt thời gian coi thi, chấm thi (gồm các đoàn của Thanh tra Bộ, các đoàn của Ban Chỉ đạo thi quốc gia).
Đồng thời, sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra, việc chỉ đạo, chuẩn bị thi và việc thanh tra/kiểm tra công tác chuẩn bị thi của Sở GD&ĐT theo các khu vực Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam (tổng số 20 sở GD&ĐT).
Việc kiểm tra, giám sát tại Vòng 2 của khu vực in sao đề thi cũng được tiến hành với 63 cán bộ, giảng viên của cơ sở giáo dục đại học thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát độc lập tại 63 Sở GD&ĐT, 1 người /Sở.
Về kiểm tra công tác coi thi cũng sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở. Thành viên trong mỗi Đoàn kiểm tra được phân công thành các tổ, mỗi tổ kiểm tra trực tiếp 1 điểm thi.
Số lượng thành viên mỗi tổ tại 1 điểm thi được điều động trên nguyên tắc: Tổ có 2 người với điểm thi có dưới 15 phòng thi; Tổ có 3 người với điểm thi có từ 15 phòng thi đến 24 phòng thi; Tổ có 4 người với Điểm thi có từ 25 phòng thi đến 34 phòng thi; Tổ có 5 người với điểm thi có từ 35 phòng thi đến 44 phòng thi; Tổ có 6 người với điểm thi có trên 45 phòng thi.
Về kiểm tra công tác coi thi, đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra việc chỉ đạo, tổ chức coi thi và việc thanh tra/kiểm tra công tác coi thi của Sở GD&ĐT (bao gồm cả việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn khu vực in sao đề thi); Thời gian kiểm tra từ 8/8 đến hết ngày 10/8/2020.
Về thanh tra công tác chấm thi sẽ thành lập 63 đoàn thanh tra; mỗi đoàn có từ 4-6 người, thanh tra trực tiếp tại một Sở GD&ĐT trong thời gian chấm thi.
Theo Dantri