Bộ GD&ĐT vừa quyết định lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia từ ngày 23-26/7. Thời gian kết thúc năm học lùi lại đến 30/6.
Trao đổi với PV Dân trí tối 22/2, PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT vừa “chốt” lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia.
Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 23-26/7/2020. Thời gian kết thúc năm học lùi lại đến 30/6/2020.
Như vậy so với năm ngoái, thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 diễn ra chậm gần 1 tháng, tương ứng mức thời gian học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19.
Trước đó, Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học theo hướng lùi lại và thi THPT quốc gia vào cuối tháng 7.
Kèm theo đó, thời gian đăng ký dự thi, xét tuyển vào ĐH cũng sẽ thay đổi. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể về nội dung này.
Ông Thành khẳng định, Bộ GD&ĐT chỉ hướng dẫn thay đổi về khung kế hoạch thời gian năm học.
Các địa phương căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch dạy học bù cho học sinh địa phương mình một cách phù hợp, hiệu quả nhất.
Nguyên tắc là phải dạy đủ thời lượng chương trình theo quy định, đảm bảo đủ kiến thức cho học sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, ngoài việc lùi thời gian tổ chức, kỳ thi THPT quốc gia 2020 cơ bản giữ ổn định như năm 2019.
Cụ thể, kỳ thi nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông, đảm bảo kết quả đánh giá trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
Đồng thời, là cơ sở cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh các quy trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông; làm cơ sở tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần tự chủ tuyển sinh được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Được biết, năm nay Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia.
Theo Bộ GD&ĐT, tài liệu để các thí sinh tham khảo trong định hướng ôn tập tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019 đã được Bộ công bố.
Tuy nhiên, đó chỉ là định hướng về định dạng và cấu trúc đề thi, nội dung của đề thi năm 2020 có thể vẫn được khai thác ở các đơn vị kiến thức đó hoặc các đơn vị kiến thức khác thuộc các chủ đề theo cấu trúc của các đề thi nói trên.
Nói cách khác, tỉ lệ về độ khó của các cấp độ câu hỏi trong đề thi là không thay đổi nhưng có thể khai thác ở các đơn vị kiến thức khác nhau thuộc các chủ đề theo cấu trúc của các đề thi chính thức THPT quốc gia năm 2019.
Để ôn thi tốt, theo TS Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), trước hết thí sinh phải nắm thật chắc kiến thức cơ bản, vì những câu hỏi thuộc nhóm kiến thức cơ bản sẽ chiếm tỉ lệ lớn của tổng số câu hỏi trong bài thi.
Khi làm bài, các em nên làm tuần tự từ trên xuống, vì độ khó của nhóm các câu hỏi sẽ tăng dần. Việc hoàn thành các câu hỏi cơ bản sẽ khiến các em có tâm lý tự tin, hứng khởi hơn.
Nếu các em sa đà vào những câu hỏi khó, sẽ dễ rơi vào hoang mang, lo lắng, mất kiểm soát về thời gian làm bài thi.
Tới thời điểm này, các thí sinh nên tự rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình THPT, tập trung chủ yếu vào nội dung chương trình lớp 12.
Đội ngũ giáo viên cần phân tích định dạng và cấu trúc đề thi chính thức, đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019.
Đặc biệt, tổ chức ôn tập, củng cố những nội dung kiến thức có tính kế thừa của lớp 10, 11 nhằm trợ giúp để các em trong quá trình hình thành kiến thức mới và ôn tập để nắm thật vững kiến thức cơ bản lớp 12.
Nên tư vấn hoặc tổ chức cho học sinh thi thử để học sinh làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi, rèn luyện về tâm lý thi cử cho các em.
Các đề thi thử khi xây dựng nên dựa vào cấu trúc đề thi tham khảo và đề thi chính thức trong kì thi THPT quốc gia năm 2019.