Những vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trong các đề thi học kỳ cũng như đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn tại các trường THPT.
Theo như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm nay tương tự như cấu trúc đề thi năm 2015 theo hướng tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn liền với những thực tiễn xã hội. Chính vì vậy, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới, nhiều trường THPT trên cả nước đã ra đề thi học kỳ 2, đề thi thử THPT Quốc gia theo hướng đề cập đến những vấn đề thời sự đang được xã hội đặc biệt quan tâm.
- An toàn thực phẩm
Trong đề kiểm tra học kỳ 2 lớp 12 của Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM ở phần đọc hiểu văn bản, đề thi này trích dẫn nội dung về con số thực trạng người Việt bị ung thư, người Việt đang đầu độc nhau để kiếm tiền bằng mọi cách. Đó là tình trạng an toàn thực phẩm, tình trạng lãng phí trong xã hội…. Cụ thể đoạn trích trong văn bản như sau:
“Nhiều người Việt kiếm tiền bằng mọi giá, đánh đổi cả liêm xỉ, danh dự để có tiền. Sự kiếm tiền nào độc ác hơn là kiếm tiền trên sức khỏe và mạng sống đồng bào mình? Trung bình hai giờ đồng hồ có ba mươi người chết vì bệnh ung thư – một con số tàn nhẫn đến rợn người. Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? Đó là câu hỏi trăn trở của không biết bao nhiêu người có lương tâm và dường như đến thời điểm này họ vẫn đang bất lực. Làm thế nào để con người biết yêu thương nhau hơn? Đơn giản vậy thôi nhưng nó quyết định vận mệnh của cả dân tộc, cả thế giới này. Người nông dân chỉ cần thương người tiêu dùng một chút đã không nhẫn tâm tưới thuốc độc lên rau củ quả để đào huyệt chôn đồng bào mình và chôn sống chính mình. Các quan chức chỉ bớt lãng phí một chút thôi, sẽ có bao nhiêu bệnh viện được xây và bao nhiêu đứa trẻ được đến trường.
(Lê Bình, trích Tạp chí kinh tế xuân Bính Thân – Phẳng hay không phẳng, VTV1, 12/2/2016)”
Từ đó, đề bài yêu cầu thí sinh hãy trả lời câu hỏi: Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? (bằng cách đưa ra một giải pháp mà anh chị cho là thiết thực nhất để người Việt “thôi độc ác với nhau”).
Ở phần câu hỏi nghị luận xã hội đề bài cũng đề cập đến quan điểm sống tử tế: Có ý kiến cho rằng: Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết. Một ý kiến khác lại nêu vấn đề: Xã hội ngày nay, sống tử tế là quá khó khăn”
Từ đó đề bài đặt câu hỏi cho học sinh: Vậy anh/chị hiểu thế nào là sống tử tế? Hãy trình bày quan điểm của bản thân về sống tử tế trong cuộc sống hiện nay.
Đề bài này được đánh giá khá khó nếu học sinh không biết cách lập luận, tư duy và đưa ra dẫn chứng thuyết phục nhằm giải quyết vấn đề.
2. Chọn cá tôm hay nhà máy thép
Đây là một trong số các vấn đề thời sự “nóng” nhất được xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Chính bởi vậy mà nó đã xuất hiện trong đề Văn kiểm tra nhanh học sinh lớp 12 diễn ra vào ngày 27/4 của trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM.
Cụ thể đề thi đã trích dẫn quan điểm của một bạn đọc về câu trả lời của đại diện nhà máy thép Formosa “Chọn bắt tôm cá hay chọn nhà máy?” đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 27/4:
Trước hết, chính sách kinh tế của bất kỳ một quốc gia hiện đại nào cũng có mục tiêu tối thượng là giải quyết việc làm cho dân. Nhà máy thép Formosa cùng lắm giải quyết được mấy ngàn việc làm (mà chúng ta còn chưa biết chính xác trong mấy ngàn việc làm đó có bao nhiêu là cho người Trung Quốc, còn bao nhiêu cho người Việt Nam), còn cá tôm giải quyết được hàng triệu việc làm.
Nếu biển bị ô nhiễm, cá tôm bị chết thì việc làm và nguồn sống của hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng.
Mất việc không chỉ là những ngư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Mất việc là cả những người làm dịch vụ du lịch, những người làm dịch vụ ăn theo nghề cá. Mất việc là cả những người làm nghề cá ở những nơi không chịu ảnh hưởng của nguồn nước bị ô nhiễm.
Đơn giản là vì người tiêu dùng không dám ăn cá của họ nữa. Không có một nhà máy thép chưa chắc đã ảnh hưởng đến chính phủ. Nhưng để hàng triệu người mất việc làm thì không có chính phủ nào có thể đứng vững được.
Theo đó đề bài đặt câu hỏi: Theo quan điểm của em, tôm cá hay nhà máy thép quan trọng hơn? Hãy trình bày quan điểm của mình trong đoạn văn ngắn từ 5 đến 7 dòng.
3. Tỉ lệ người có trình độ thất nghiệp
Trong đề thi thử THPT Quốc gia của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An trích dẫn nội dung từ bài viết Thạc sĩ, cử nhân học trung cấp: Đi lùi tìm giá trị thực đăng tải trên báo Dân trí. Cụ thể đề bài như sau:
Một bài báo về tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường hiện nay như sau: Thực tế thất nghiệp đã mở ra làn sóng liên thông “ngược” khi thạc sĩ, cử nhân đổ xô học trung cấp để kiếm việc làm”.
Hãy viết một bài văn khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh, chị về hiện tượng này.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, nhiều đề thi thử của các địa phương cũng đề cập đến các vấn đề thời sự “nóng sốt” được đông đảo dư luận quan tâm. Chính vì vậy để làm tốt bài thi, thí sinh không chỉ cần nắm rõ các tác phẩm văn học trong SGK mà còn phải có kiến thức xã hội đặc biệt là các vấn đề thời sự.