Khác với năm 2015, Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016 sẽ có một số điểm mới đáng chú ý.
LTS: Liên qua tới Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được tổ chức từ tháng 5 tới, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn với Phó giám đốc Nguyễn Kim Sơn.
PGS. Nguyễn Kim Sơn cho biết, một số lưu ý quan trọng khác với năm 2015 mà thí sinh và người nhà cần chú ý.
PGS. Nguyễn Kim Sơn. Ảnh Xuân Trung
Trường Đại học nào được dùng chung kết quả bài thi đánh giá năng lực?
PV: Năm 2016 Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục phương thức thi theo bài thi đánh giá năng lược. Ông có thể cho biết những điểm được duy trì, phát huy của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2015?
PGS. Nguyễn Kim Sơn: Trên cơ sở kết quả thí điểm đổi mới tuyển sinh năm 2015, và sau khi tổng kết, đánh giá, tham khảo ý kiến các chuyên gia, từ ý kiến phản hồi của thí sinh, phụ huynh, giáo viên…thì xác định năm 2016 sẽ tiếp tục phát huy những ưu thế, những điểm tốt được xã hội, phụ huynh, học sinh ghi nhận.
Những cái gì tốt, được xã hội ghi nhận thì quan điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì, phát huy, hoàn thiện. Đó là những nét lớn để đảm bảo tính kế thừa liên tục. Và bên cạnh đó, những điểm gì cần đẩy mạnh đổi mới chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm.
Nhưng cái căn bản, cốt lõi là vẫn duy trì phương thức thi đã được triển khai như năm trước.
Vậy những điểm mới của kỳ thi năm nay là gì thưa ông?
PGS. Nguyễn Kim Sơn: Năm 2015 chúng tôi tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và chỉ cho Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng có thể đáp ứng, cùng với nguyện vọng của một số các trường đại học khác thì năm 2016 sẽ có thêm một số các trường ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tham gia cùng sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để phục vụ cho công tác tuyển sinh.
Và các trường này cũng cùng tham gia tổ chức kỳ thi với chúng tôi. Tuy nhiên với một số lượng trường còn khiêm tốn, vì còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng so với năm trước thì năm nay đã mở rộng, có chia sẻ, hợp tác với các trường bên ngoài.
Năm trước các trường chỉ hỗ trợ chúng tôi về công tác thi nhưng chưa sử dụng kết quả. Năm nay chúng tôi ưu tiên cho các đơn vị mà năm trước đã phối hợp tổ thức thi được sử dụng kết quả.
Năm nay vẫn sẽ tổ chức thi trên địa bàn của 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng).
Tại Hà Nội những trường được sử dụng chung kết quả bài thi đánh giá năng lực gồm: Đại học Tài nguyên Môi trường, Đại học Thủ đô, Đại học Nguyễn Trãi. Tại Đà Nẵng có Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Tại Nam Định là trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định…
Việc mở rộng này chỉ mới quy mô còn khiêmtốn, nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều này còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố nên bước đầu năm nay sẽ chia sẻ phạm vi các trường như trên. Còn sau này tùy theo phương diện xã hội chúng tôi sẽ mở rộng thêm trong tương lai.
Với phương diện đối với xã hội, đối với ngành giáo dục chúng tôi vẫn xác định công cuộc đổi mới này cũng là một trong bước đi đóng góp nhiều hơn cho ngành. Phân tích sự đóng góp đó không chỉ hoàn toàn những trường nào được sử dụng chung kết quả thi, mà quan trọng nhất là phương thức, quy trình và cách làm.
Điều đó bản thân chúng tôi cho rằng mới quan trọng cho sự đóng góp của ngành giáo dục.
Điểm mới nữa, năm 2015 số thí sinh dự thi vào Đại học Ngoại ngữ thì cần phải làm một bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cùng với một bài thi đánh giá năng lực chung, bài thi đó được làm trên giấy. Nhưng năm 2016 sau một thời gian chuẩn bị, bài thi ngoại ngữ cho cả 5 thứ tiếng đều được làm trên máy tính.
Trong kết quả bài thi đánh giá năng lực thì bài thi đáng giá năng lực chung có giá trị dự tuyển vào các đơn vị trong thời gian 24 tháng, còn bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ chỉ có giá trị 12 tháng.
Về thời gian dự thi; chúng tôi sẽ chia thành 2 đợt, trong đợt 1 chia làm nhiều ngày, nhiều ca. Các ca thi diễn ra trong các ngày từ 5-8/5, và 13-15/5 (khoảng 6 ngày). Đợt 2; từ ngày 05/8/2016 đến ngày 15/8/2016.
Trong các ca thi được tổ chức vào các ngày như vậy thì khi đăng ký dự thi thí sinh ngoài việc xác định địa điểm thi (thi ở đâu trong 7 tỉnh, thành phố) thì phải chọn thêm thời gian thi. Đây là điểm khác so với năm trước.
Việc thí sinh phải chọn cả địa điểm thi và thời gian thi có nghĩa rằng chúng tôi đã khống chế về số lượng thi cho từng ca thi. Thí dụ như ca thi 1 đã đủ thí sinh đăng ký dự thi thì những thí sinh đăng ký tiếp theo sẽ được chuyển sang ca 2.
Thí sinh đăng ký dự thi có thể theo hai cách; đăng ký qua mạng như năm trước và có thể trực tiếp tại Trung tâm Khảo thí của Đại học Quốc gia. Thí sinh nộp lệ phí thi qua duy nhất 1 ngân hàng là BIDV hoặc qua Trung tâm Khảo thí.
Lệ phí dự thi, căn cứ vào thực tế thì thí sinh đăng ký dự thi bài thi đánh giá năng lực sẽ nộp 200.000 đồng, thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ nộp là 150.000 đồng.
Điểm mới trong đăng ký xét tuyển, Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay sẽ tổ chức cho thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến (nếu thí sinh nào muốn nộp trực tiếp vẫn có thế đến trụ sở Đại học Quốc gia Hà Nội).
Cũng lưu ý với các thí sinh, năm trước chỉ có một khoa Y-Dược yêu cầu thí sinh có ý định nộp hồ sơ vào khoa phải bắt buộc chọn phần tự chọn thuộc học phần khoa học tự nhiên, năm nay còn thêm một yêu cầu, sau khi có kết quả đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Khoa học tự nhiên thì cũng bắt buộc trong phần tự chọn phải chọn khoa học tự nhiên.
Thí sinh được 2 nguyện vọng/trường
Trước khi tham gia bài thi đánh giá năng lực thì thí sinh phải chuẩn bị tâm lý như thế nào? Liệu thí sinh có bị giới hạn khi chọn trường không?
PGS. Nguyễn Kim Sơn: Trong năm nay thí sinh nôp hồ sơ dự tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội thì thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng/đơn vị.
Còn những đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, chi tiết thí sinh có thể tham khảo trên trang chủ của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tôi chia sẻ với các thí sinh là không cần phải lo lắng nhiều. Thực tế kiểm nghiệm từ năm 2015 cho thấy, các thí sinh ở thành phố hay nông thôn, vùng sâu đều thích ứng với điều kiện thi trên máy tính. Hầu như không có ý kiến phàn nàn khó khăn về hình thức thi này.
Các thí sinh có thể vào trang chủ của Đại học Quốc gia Hà Nội làm bài mẫu để làm quen với hình thức thi.
Chúng tôi muốn đánh giá năng lực người học một cách toàn diện, năng lực tổng hợp, tuy nhiên cũng được xây dựng và đòi hỏi trên nền tảng của các kiến thức cơ bản phổ thông, chủ yếu là lớp 12. Thí sinh học kiến thức phổ thông đã chắc thì không có gì phải lo ngại về kết quả thi.
Qua kết quả năm 2015 cho thấy những học sinh giỏi, có kết quả bài thi tham gia kỳ thi chung mà cao thì cũng tỷ lệ thuận với thí sinh có kết quả cao trong bài thi đánh giá năng lực.
Những thí sinh có điểm cao nhất trong kỳ thi đánh giá năng lực cũng đồng thời là những bạn có điểm rất cao trong kỳ thi chung. Do đó không lo trong việc có sự khác biệt trong hai phương thức thi.
Vấn đề là, nếu như ở phổ thông thí sinh học quá thiên lệch một số môn thì các em cần lưu ý thêm các kiến thức khác. Đương nhiên không để phục vụ cho một bài thi mà còn hữu ích cho cuộc sống của các em.
Ông có thể bật mí ít thông tin cấu trúc đề thi năm nay?
PGS. Nguyễn Kim Sơn: Cấu trúc đề thi không có gì thay đổi như năm 2015. Được chia thành các phần bắt buộc và tự chọn. Các câu hỏi khó tạm thời năm nay vẫn tính điểm như năm trước. 140 câu tương ứng với 140 điểm, và chưa tính hệ số, tỷ lệ vì cũng cần thêm thời gian để làm công việc này.
Trân trọng cảm ơn ông.
(Theo Giáo dục Việt Nam)