Kỳ tuyển sinh năm nay chứng kiến sự ra đời của nhiều ngành học xu hướng, cơ hội việc làm hấp dẫn.
Ngành Kỹ thuật không gian: “Khát” nhân lực
Từ 2017, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM tuyển sinh ngành học mới và “độc” là ngành Kỹ thuật không gian. Đây là trường đại học đầu tiên trong cả nước đào tạo ngành học hấp dẫn này, hấp dẫn từ tên gọi đến cơ hội việc làm.
Giai đoạn 2015 – 2020, lĩnh vực này cùng các ứng dụng liên quan như viễn thám, thông tin liên lạc, khai thác hình ảnh vệ tinh để dự báo thời tiết, quản lý tài nguyên… cần khoảng 2.000 lao động trình độ cao. Riêng Trung tâm vệ tinh quốc gia cần ít nhất 350 kỹ sư… trong khi số trường đào tạo nhân lực cho ngành này gần như rất hiếm.
Năm nay, chỉ tiêu dự kiến cho ngành này chỉ khoảng 40 chỉ tiêu.
Chuyên ngành thời thượng: Quản trị khởi nghiệp
Khởi nghiệp đang là từ khoá “hot”, là mục tiêu nhắm đến của rất nhiều bạn trẻ khi đặt chân vào ngưỡng cửa đại học. Nhưng khởi nghiệp như thế nào để không phải chạy theo “phong trào”? Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lần đầu tiên tuyển sinh chuyên ngành Quản trị khởi nghiệp, nằm trong ngành Quản trị kinh doanh. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó phòng Đào tạo của trường ĐH Kinh tế TPHCM thì Xã hội đang khuyến khích bạn trẻ khởi nghiệp, nhu cầu bạn trẻ muốn làm ông chủ cũng cao. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công, bạn trẻ phải có kiến thức và kỹ năng nhất định về vấn đề này. Năm nay, trường tuyển 50 chỉ tiêu cho chuyên ngành này.
Trường ĐH Kinh tế -Tài chính TPHCM cũng vừa mở ngành học này với 240 chỉ tiêu.
Học Quản trị bệnh viện để “điều trị” tinh thần cho bệnh nhân
Đây cũng là năm đầu tiên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh chuyên ngành Quản trị bệnh viện với 50 chỉ tiêu.
Trường này kết hợp với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch soạn thảo chương trình. Theo đó, chuyên ngành này sẽ cung cấp các kiến thức lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực quản trị điều trị và chăm sóc sức khỏe. Nếu như bác sĩ chữa trị bệnh lý cho người bệnh thì các nhân viên quản trị bệnh viện sẽ là người “điều trị” tinh thần, giảm lo lắng cho cả bệnh nhân và người nhà.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí từ quản trị viên tại các bệnh viện, phòng khám và các tổ chức y tế, chẳng hạn phụ trách các chức năng như tài chính, nhân sự, quan hệ công chúng, quản trị cung ứng, chất lượng dịch vụ và vận hành hệ thống điều trị, chăm sóc sức khỏe…đây là những yếu tố giúp bệnh viện phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân và thân nhân.
Học Y học dự phòng không lo thất nghiệp
Y học dự phòng là cầu nối giữa y học và y tế công cộng. Trong khi y học quan tâm đến chẩn đoán và điều trị bệnh cho một bệnh nhân thì y tế công cộng quan tâm nhiều hơn đến phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Mục tiêu hàng đầu của lĩnh vực này là nâng cao sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Ngành Y học Dự phòng đào tạo những bác sĩ chuyên ngành về các vấn đề chẩn đoán sức khỏe cộng đồng, sức khỏe dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, các vấn đề sức khỏe liên quan các tác nhân ngoại sinh, nội sinh, kể cả di truyền và lối sống, dịch bệnh nhiễm trùng, không nhiễm trùng, dịch bệnh liên quan đến lứa tuổi, phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình dịch vụ y tế, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe.
Theo tống kê của Cục Y tế dự phòng, hiện các cơ sở dự phòng ở tuyến huyện thiếu 17.500 cán bộ ở tuyến tỉnh cần 5.300 cán bộ thuộc lĩnh vực y học dự phòng. Tại TPHCM có trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo ngành học hấp dẫn này.
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng: Ngành học của tương lai
Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho biết, thống kê của đơn vị cho thấy trong vòng 10 năm trở lại đây tốc độ phát triển ngành Logistics là rất nhanh (10 – 15%/năm). Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây của một Viện nghiên cứu có uy tín của Nhật Bản, mức độ đáp ứng của ngành Logistics ở Việt Nam chỉ chiếm 50% số với tổng nhu cầu. Trong 3 năm tới, Việt Nam cần khoảng 3.000 nhân lực cho ngành Logistics.
Hiện số lượng trường ĐH có đào tạo ngành này còn rất ít. Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TPHCM) mới thành lập ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Trong năm 2017, trường ĐH Bách Khoa sẽ tuyển sinh 40 sinh viên cho ngành này.
Tại TPHCM còn có trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) cũng đào tạo ngành này từ năm 2014. Trường dự kiến tuyển 140 chỉ tiêu cho năm nay.
Thương mại điện tử: Đâu chỉ mua bán trên facebook
Trong kỷ nguyên số hoá, các hoạt động kinh doanh, tiếp thị, giao dịch mua bán trở nên đa dạng từ nội dung cho đến phương thức. Một doanh nghiệp đôi khi chẳng cần văn phòng hay mặt bằng hoành tráng, có thể ngồi nhà và lên mạng, lướt facebook… Tất nhiên, thương mại điển tử không đơn thuần hoạt động mua bán, làm chủ trên facebook. Thương mại điện tử trở thành một làn gió mới cho lĩnh vực thương mại và công nghệ.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa cho “ra lò” ngành Thương mại điện tử với 50 chỉ tiêu cho tuyển sinh lần đầu tiên năm 2017.
Tương tự, trường ĐH Kinh tế- Tài chính TP.HCM tuyển 100 chỉ tiêu cho ngành học rất “hot” này.