fbpx
Home Tin tuyển sinh Nhóm ngành Kinh doanh, Quản lý và Pháp luật được chọn nhiều nhất để xét tuyển ĐH

Nhóm ngành Kinh doanh, Quản lý và Pháp luật được chọn nhiều nhất để xét tuyển ĐH

0
Nhóm ngành Kinh doanh, Quản lý và Pháp luật được chọn nhiều nhất để xét tuyển ĐH

Nhóm ngành Kinh doanh, quản lý và Pháp luật có số lượt thí sinh đăng ký xét tuyển cao nhất với 822.956 nguyện vọng. Trong khi đó, tỉ lệ chọi cao nhất thuộc về nhóm ngành Xã hội nhân văn, An ninh quốc phòng.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ với hơn 2,5 triệu NV. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường tăng gần 7,6% so với năm 2018, tương đương gần 490.000 chỉ tiêu.

Trong số này, khối ngành III (Kinh doanh, quản lý và Pháp luật) có số lượt NV đăng ký xét tuyển cao nhất với 822.956 NV. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu của khối ngành này là 126.473.

Xếp thứ hai là khối ngành VII (Xã hội nhân văn, An ninh quốc phòng,…) với 739.587 NV đăng ký. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu của khối ngành này là 104.769.

Khối ngành V (Kỹ thuật, CNTT, Xây dựng,…) xếp thứ ba với tổng số 641.157 NV đăng ký. Tổng chỉ tiêu của khối ngành này là 159.349.

Mặc dù so với năm 2018, chỉ tiêu vào ngành Sư phạm năm nay tăng hơn 10.000 em, nhưng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành này lại thấp hơn năm trước.

Theo thống kê, hiện cả nước đang thiếu hơn 75.000 giáo viên, trong đó chủ yếu là mầm non và tiểu học. Do vậy, tổng chỉ tiêu Sư phạm tăng nhằm đáp ứng nhu cầu giáo viên của các địa phương.

Mặc dù không có số lượng NV đăng ký xét tuyển cao nhất nhưng khối ngành VII (Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn – du lịch – thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng) lại có tỉ lệ chọi cao nhất là 1/7.

Xếp sau đó là khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, Pháp luật) với tỉ lệ chọi 1/6,5.

Khối ngành VI (Sức khỏe) tuy tổng số NV đăng ký không nhiều với 199.573 NV, nhưng do chỉ tiêu tuyển sinh ít với 34.352 chỉ tiêu nên tỉ lệ “chọi” cũng ở mức cao là 1/5,8.

Điển hình là Trường ĐH Y Hà Nội nhận được hơn 17.500 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu là 1.120. 

Còn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay nhận được số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển lên tới 32.753. So với chỉ tiêu 6.680, tỉ lệ “chọi” vào đây tương đương 1/5…

Năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ tăng, trong khi số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển giảm nhẹ. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ tăng do 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, năng lực đào tạo của các trường tăng (chẳng hạn như số lượng giảng viên đã tăng từ 72.000 lên 79.000 người).

Thứ hai, trước đây những trường chưa được kiểm định thì không được tăng chỉ tiêu so với năm trước liền kề. Năm nay, đã có hơn 120 trường được kiểm định chất lượng, dẫn đến chỉ tiêu được giao nâng lên.

Thứ ba, cơ quan quản lý bắt đầu xem xét việc “tính bù chỉ tiêu” cho các trường làm tốt việc sàng lọc sinh viên trong quá trình đào tạo. Cụ thể, những trường có số lượng “đầu ra” thấp hơn “đầu vào”, tạo sự cạnh tranh về chất lượng cho sinh viên trong quá trình học, sẽ được xem xét tính bù chỉ tiêu tuyển mới.

Bà Phụng cũng lưu ý chỉ tiêu là năng lực tối đa mà các trường được tuyển. Còn thực tế các trường chỉ tuyển được 80-85% chỉ tiêu, cả hệ thống chưa đạt được tỉ lệ tuyển sinh 100% so với chỉ tiêu đặt ra.

Các khối ngành được phân chia như sau:
Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên
Khối ngành II: Nghệ thuật
Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, Pháp luật
Khối ngành IV: Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên
Khối ngành V: Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y
Khối ngành VI: Sức khỏe
Khối ngành VII: Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng

Comments

comments