fbpx
Home Featured Nhớ nhà khóc tới phát ốm, tân sinh viên xin rút hồ sơ về quê

Nhớ nhà khóc tới phát ốm, tân sinh viên xin rút hồ sơ về quê

0
Nhớ nhà khóc tới phát ốm, tân sinh viên xin rút hồ sơ về quê
– Có thí sinh nhập học rồi nhưng nhớ nhà khóc tới phát sốt nên xin rút hồ sơ để về; Có thí sinh mẹ đi làm thủ tục nhập học hộ vì con không biết gì và còn bận đi du lịch.

Những chuyện dở khóc dở cười

Mùa tân sinh viên nhập học 2019, chúng tôi chứng kiến những câu chuyện dở khóc dở cười. Nguyễn Thị Lan (nhân vật đã đổi tên) một thí sinh ở Cà Mau đăng ký xét và trúng tuyển vào Trường ĐH C. ở TP.HCM. Nhận giấy báo trúng tuyển, Lan cùng ba tức tốc tới trường làm thủ tục nhập học vào ngôi trường mới và học buổi đầu tiên. 

Sợ con gái khổ, mấy ngày ở TP.HCM, ba Lan chạy khắp nơi tìm phòng trọ ứng ý cho con. Chưa kể, lo con khổ khi xa nhà, ông đi mua sắm hết các vận dụng cần thiết từ giường, tủ, chăn, gối, mùng, mền tới những vật dụng cá nhân cho con gái như khăn lau mặt, bàn chải đánh răng.

Thế nhưng sau buổi học đầu tiên, vì nhớ nhà Lan khóc liên tục và đổ bệnh. Em nói với ba rằng muốn về nhà rồi học Cần Thơ để gần nhà. Một mình em không thể ở lại Sài Gòn. Thấy con gái khóc ba Lan động viên và khuyên nhủ nhưng không được. Ông đành xót xa tới trường xin rút hồ sơ, chiều lòng con gái để về nhà tìm cơ hội khác ở Cần Thơ.

“Cô bé khóc đến mức phát sốt. Em bảo từ nhỏ tới giờ chưa xa nhà khi nào, và đi đâu cũng có gia đình. Ở nhà em chỉ đi học chứ không phải làm gì, bây giờ ở một mình sợ quá. Em cũng bảo lúc đầu rất thích lên Sài Gòn học nhưng khi ba dẫn lên và về phòng trọ thì thấy bơ vơ và nhớ nhà quá.

Còn ba của em khá bối rối khi các nhân viên tư vấn môi trường học tập ở TP.HCM đòi hỏi phải tự lập. Thấy con khóc nhiều, ông sợ con trầm cảm đành xin rút hồ sơ và chuyển về Cần Thơ tìm cơ hội khác. Ông cũng thú nhận từ nhỏ tới giờ con ông chưa khi nào xa nhà, chưa phải làm cái gì” – một nhân viên tư vấn ở trường C. kể lại.

Một trường hợp khác, trúng tuyển vào Trường ĐH N. lại cũng dở khóc dở cười không kém. Ngày Trường ĐH N. tiếp nhận tân sinh viên, giữa hàng trăm thí sinh lần lượt tự làm thủ tục thì có một phụ huynh ôm tất cả giấy tờ lại bàn tuyển sinh. Cứ ngỡ chị phụ huynh cần giải đáp thắc mắc gì nhưng chị nói đi nhập học dùm cho con.

Khi nhân viên làm thủ tục nhập học hỏi chị “thế con chị ở đâu mà không đi làm thủ tục cùng mẹ “.Chị phụ huynh thật thà đáp trả rất nhẹ nhàng “Nó khờ lắm. Nó không biết gì cả nên tôi phải đi dùm nó. Mà bây giờ nó cũng đang đi du lịch chưa về kịp để nhập học”.

Thấy vậy các nhân viên tiếp nhận hồ sơ ngao ngán nhưng cũng giúp chị hoàn thành thủ tục nhập học để hôm sau con tới trường. Trong quá kiểm tra lại hồ sơ cho con, chị kể những giấy tờ nhập học hôm nay cũng do một mình chị tự lo liệu.

Từ khi con làm hồ sơ đăng ký dự thi, nộp nguyện vọng vào trường nào tôi ghi lại. Tới lúc có điểm thi rồi có điểm chuẩn và biết con trúng tuyển, tôi lục tất tả mọi giấy tờ đi phô tô công chứng, chuẩn bị hồ sơ và mang lên trường nhập học cho con“- chị nói.

Lỗi tại ai

Đây chỉ hai trong hàng ngàn trường hợp tân sinh viên nhập trường năm nay. Lướt qua các trường đại học những ngày này, không thiếu những hình ảnh cha mẹ cùng con tay xách, nách mang về thành phố. Có thể hiểu, với những thí sinh ở quê, lần đầu lên phố cần người lớn đi cùng để an tâm, vững vàng. Nhưng dù sao các em cũng đã 18 tuổi, những việc này có quá sức các em? 

Ông Nguyễn Văn Tài, Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH C. cho biết thấy những cảnh này ông rất thương cả thí sinh và phụ huynh nhưng cũng rất trách.

“Chúng tôi thông cảm cho các em, có thể lần đầu xa nhà, lên thành phố chưa quen nên sợ hãi nhưng thú thực cũng rất đáng trách. Các em đã học xong lớp 12, đủ 18 tuổi nhưng chưa chịu trách nhiệm cho bản thân, cái gì cũng nhờ ba mẹ làm giúp nên có sẵn tâm lý ỉ lại”.

Theo ông Tài, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục con cái còn thiếu sót. Phụ huynh có quan điểm ở lứa tuổi đó thì các em chỉ lo ăn học còn lại thì tính sau nên sảy ra tình trạng học sinh như gà công nghiệp. “Chính vì lo cho con quá và chỉ cho con nhiệm vụ ăn và đi học, học thật nhiều để đậu đại học mà họ quên mất khi lên đại học các em cần rèn luyện tính tự lập để có thể thích nghi với môi trường học tập cũng như chuẩn bị làm việc sau này” – ông Tài nói.

Ngoài ra, ông Tài cho rằng tình trạng này cũng có một phần lỗi nhà trường phổ thông là thiếu sự giáo dục kỹ năng sống cho các em. Các em chỉ chú tâm học thật tốt các môn văn hóa để thi đậu chứ không có khả năng thích nghi cuộc sống. Các lớp kỹ năng sống chỉ là những buổi chia sẻ và các em cũng chỉ nghe tai này lọt qua tai kia chứ không có sự trải nghiệm để hình thành kỹ năng áp dụng.

Còn ông Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn Lại cho hay qua sự việc này cho thấy có hai chiều. Cụ thể, chiều một cho thấy sự quan tâm của bố mẹ với con cái ngày càng nhiều. “Người ta bắt đầu bớt đi việc cơm áo gạo tiền để lo việc học cho con. Thậm chí lo tới chỗ ăn chỗ ở. Con cái nào mà có bố mẹ nhu vậy là hạnh phúc hơn rất nhiều người”- ông Du nói.

Còn chiều thứ hai theo ông Du là mức độ quan tâm như vậy là hơi thái quá và không phù hợp với độ tuổi. “Và nó là hệ quả tất yếu của việc quan tâm con cái phản giáo dục của các bậc phụ huynh hiện nay”.

Theo ông Du, nuôi con khác với giáo dục con trưởng thành. Các bậc phụ huynh có thể nuôi con mình lớn, nhưng “lớn” theo đúng nghĩa phải đúng và phù hợp . Có nghĩa khôngg chỉ đơn thuần là nuôi mà còn phải dạy.

“Phải ý thức bài học lớn nhất trong cuộc sống của con trẻ đôi khi không phải từ phụ huynh mà từ thầy cô mà từ những sự nghiệt ngã trong cuộc sống. Một đứa trẻ không té ngã thì chẳng bao giờ biết đi”- ông Du nói.

Comments

comments