Tuyển sinh năm 2019, nhiều trường đại học top trên cho biết, sẽ không thay đổi phương án tuyển sinh mà giữ ổn định như năm 2018 nhưng sẽ có chút điều chỉnh kỹ thuật để tìm kiếm thí sinh giỏi.
Trong năm 2019, Bộ GD&ĐT đưa ra 4 điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia. Cụ thể:
Thứ nhất, đề thi năm 2019 có nội dung nằm trong chương trình cấp THPT chủ yếu lớp 12, bảo đảm khối lượng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời có độ phân hóa hợp lí để giúp các cơ sở GDĐH làm căn cứ tuyển sinh.
Thứ hai, tăng cường vai trò của các trường ĐH trong việc tổ chức thi theo nguyên tắc các trường ĐH, CĐ địa phương không tổ chức thi ở địa phương mình. Tăng cường vai trò của cán bộ đến từ các trường ĐH trong các khâu tổ chức thi, bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi. Đặc biệt năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chấm các bài thi trắc nghiệm.
Thứ ba, Quy định rõ, đồng bộ trong toàn hệ thống việc niêm phong túi đựng bài thi để ngăn ngừa gian lận, tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình lưu trữ; Sử dụng camera giám sát các phòng lưu trữ đề thi, bài thi và các phòng chấm thi 24/24 giờ; Phần mềm chấm thi sẽ được Bộ GD&ĐT hoàn chỉnh theo hướng mã hóa dữ liệu chấm thi và tiến hành đánh phách điện tử các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.
Thứ tư, Tỉ lệ điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp sẽ tăng lên, dự kiến chiếm 70%, điểm học tập lớp 12 sẽ là 30%.
Mong muốn 1 kỳ thi công bằng – minh bạch
Những thay đổi trên của Bộ GD&ĐT không ảnh hưởng đến phương án tuyển sinh của các trường đại học trong năm 2019. Hầu hết, các trường đại học top trên đều thông báo giữ ổn định phương án tuyển sinh để thí sinh yên tâm.
GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, kỳ thi THPT quốc gia đánh giá đúng chất lượng phổ thông, có chất lượng tốt, có độ phân hóa một cách rõ ràng, đó là căn cứ tốt để các trường lấy kết quả xét tuyển.
Đối với trường ĐH Kinh tế quốc dân, về cơ bản, tuyển sinh năm 2019 giữ ổn định như tuyển sinh năm 2018 là dựa vào kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Theo đó, trường có phương thức tuyển sinh xét tuyển kết hợp gồm các đối tượng: Thí sinh đã tham gia vòng thi tuần trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” có tổng điểm xét tuyển (bao gồm điểm ưu tiên) của 3 môn thi gồm Toán và 02 môn bất kỳ của kỳ thi THPTQG đạt từ 18 điểm trở lên; Thí sinh có Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/06/2018) đạt IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 575 trở lên hoặc TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm thi của môn Toán và 01 môn bất kỳ (trừ môn Tiếng Anh) của kỳ thi THPTQG năm 2018 đạt từ 14 điểm trở lên.
Thí sinh có tổng điểm xét tuyển (bao gồm điểm ưu tiên) của 3 môn thi gồm Toán và 02 môn bất kỳ của kỳ thi THPTQG năm 2018 đạt từ 27 điểm trở lên và có điểm trung bình chung học tập lớp 12 đạt từ 6.5 điểm trở lên.
Còn trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo cho biết, những thay đổi kỹ thuật trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 của Bộ GD&ĐT cho thấy, mục tiêu cuối cùng của kỳ thi là tạo công bằng, khách quan cho mọi thí sinh.
Theo ông Điền, hiện nay, thí sinh và gia đình cũng đã quá mệt mỏi về thay đổi chính sách trong thi cử từ cơ quan quản lý. Do vậy, cần có sự cân bằng để giữ ổn định tâm lý cho thí sinh trong tuyển sinh. Mặc dù, trường có nhiều phương án tuyển sinh nhưng năm 2019 trường giữ ổn định, tiếp tục xét tuyển như năm 2018 và không xét học bạ.
Cụ thể, trong năm 2018, để đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho 06 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên (điều kiện này không áp dụng đối với hai chương trình do nước ngoài cấp bằng: TROY-BA và TROY-IT).
Điểm xét tuyển đạt ngưỡng điểm theo ngành/chương trình đào tạo như sau: Các ngành có mã xét tuyển IT1, IT2, IT3,IT-E6, IT-E7, ME1, TE1, TE3, EE2, EE-E8: 21,5
10 Chương trình đào tạo quốc tế ME-NUT, ME-GU, ET-LUH, IT-LTU, IT-VUW, IT-GINP, EM-VUW, EM-NU, TROY-BA, TROY-IT: 18,0. Các ngành/chương trình đào tạo còn lại: 20,0
Tương tự, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông thông báo cũng sẽ giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2018.
Ông Đặng Văn Tùng, phó trưởng Phòng Đào tạo Học viện cho biết, các học sinh chỉ còn nửa năm để ôn tập, do đó, Học viện giữ ổn định phương án tuyển sinh và sẽ bổ sung thêm quy định để tìm kiếm thêm thí sinh giỏi.
Cụ thể, Học viện sử dụng duy nhất kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 để thực hiện xét tuyển thí sinh trúng tuyển vào đại học.
Học viện không giới hạn số ngành khi thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất); không sử dụng thêm bất kỳ điều kiện nào về điểm học bạ hay kết quả học tập THPT trước khi xét tuyển.
Theo ông Tùng, phần lớn các trường đại học sẽ sử dụng kết quả THPT quốc gia để xét tuyển vì điểm thi không quyết định chính hay đến cốt lõi đến chất lượng đào tạo của các trường, nó chỉ là một thang đo.
“Các trường mong muốn điểm thi THPT quốc gia công bằng và minh bạch để sử dụng xét tuyển. Bởi điểm cao hay điểm thấp vẫn chỉ là 1 thang đo chung cho tất cả các trường đại học vì cùng 1 phổ điểm” – ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Tùng cho rằng, các trường nên ổn định phương án tuyển sinh để tạo điều kiện cho thí sinh và xã hội. Bao giờ chính sách tuyển sinh của Bộ ổn định tốt với xã hội thì lúc đó các trường đại học có muốn thay đổi để nâng cao chất lượng thì không muộn.
Theo Dantri