Nhiều ngành nghề đào tạo trình độ CĐ và trung cấp được xác định là các doanh nghiệp và xã hội có nhu cầu sử dụng lao động cao, nhưng các cơ sở giáo dục dào tạo đang gặp khó khăn trong việc tuyển sinh.
Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và danh mục ngành, nghề xã hội có nhu cầu ở trình độ CĐ, trung cấp.
Theo đó, có 117 ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp và 84 ngành, nghề đào tạo trình độ CĐ được xác định là ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo quy định, một ngành, nghề học được coi là ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi thời lượng học tập có liên quan đến công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chiếm trên 50% so với tổng thời lượng của chương trình đào tạo ngành, nghề đó.
Một số ngành độc hại được liệt kê như: Chạm khắc đá, lắp đặt giàn khoan, công nghệ hóa nhựa, sản xuất vật liệu hàn, khoan nổ mìn, khoan đào đường hầm, hàn, kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải, sản xuất pin ắc quy…
Trong khi đó, có 15 ngành nghề đào tạo trình độ CĐ và 24 ngành nghề trình độ trung cấp được xác định là các doanh nghiệp và xã hội có nhu cầu sử dụng lao động cao, nhưng các cơ sở giáo dục dào tạo đang gặp khó khăn trong việc tuyển sinh. Những ngành nghề này thuộc các lĩnh vực kinh tế đặc thù, góp phần phát triển kinh tế -xã hội trong những lĩnh vực đặc biệt như: kinh tế biển đảo, nông – lâm – ngư nghiệp, khai khoáng, môi trường, nghệ thuật hoặc có tính chất lao động đặc biệt…
Ngoài ra, những ngành, nghề mà người học khi tốt nghiệp ra trường sẽ làm việc, phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo cũng được coi là có nhu cầu nhưng khó tuyển sinh. Chẳng hạn như: Xử lý rác thải, công nghệ kỹ thuật địa chất, chế biến mủ cao su, vận hành máy đóng cọc và khoan cọc nhồi, nhạc công kịch hát dân tộc, nghệ thuật biểu diễn dân ca quan họ, nghệ thuật biểu diễn chèo…
Theo thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM, lý do mà những ngành nghề này không thu hút được người học là vì tâm lý cũng như cách nhìn nhận vấn đề.
“Tâm lý người học là phải học nghề nào đang có xu hướng ‘nóng’, ra trường phải dễ xin việc và có mức thu nhập tốt. Với những ngành trong danh sách trên, học sinh đọc tên lên đã có tâm lý không muốn đăng ký vì không biết tốt nghiệp liệu có việc làm hay không? Ngoài ra, cũng có một số ngành có thể nhu cầu việc làm có, nhưng người học chưa có nhiều thông tin, nên vẫn chọn học những ngành phổ biến cho ‘an toàn’, ông Tuấn nhận định.
Theo Thanhnien