Ngày cuối cùng điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến 21/7, ghi nhận tại nhiều trường đã có sự biến động về số lượng thí sinh so với trước đó. Nhiều chuyên gia cũng dự kiến mức độ giao động tăng giảm này sẽ còn tiếp diễn do thời gian điều chỉnh trực tiếp bằng phiếu kéo dài đến 23/7.
Trường tăng lên, trường giảm xuống
Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho biết, sau 6 ngày thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét ĐH-CĐ, số thí sinh đăng ký vào trường tăng hơn 1.000 so với trước đây.
Theo ông Sơn, thống kê đến cuối ngày 20/7 trường có hơn 17.600 thí sinh đăng ký, trong khi trước đó, theo thông báo của Bộ GD&ĐT, trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM có 16.480 thí sinh đăng ký với trên 21.000 nguyện vọng.
ThS Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, tính đến chiều 21/7, lượng thí sinh đăng ký vào trường là khoảng 35.000, giảm từ 4.000- 5.000 thí sinh so với lúc ban đầu.
Ông Đương lý giải lượng thí sinh giảm là hoàn toàn hợp lý vì sau khi biết điểm thi và trường Đại học Kinh tế TPHCM công bố điểm sàn xét tuyển, nhiều thí sinh không đủ điều kiện đã rút để chuyển sang trường khác. “Số thí sinh điểm thấp rút đi không nói nhưng trong số các thí sinh còn lại không loại trừ có những thí sinh điểm cao ở các trường khác trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng chuyển sang trường mình”, ông Đương nhận định.
Điều chỉnh nguyện vọng có biến động tương đối lớn là trường Đại học Mở TPHCM. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường Đại học Mở TPHCM, thống kê đến 16 giờ ngày 20/7, trường có hơn 36.000 nguyện vọng nộp vào, giảm hơn 4.000 nguyện vọng so với con số mà Bộ GD&ĐT công bố (41.000 nguyện vọng) trước khi cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Theo ông Hà, mức độ biến động về số nguyện vọng nộp ra rút vào trường thấy rõ qua từng ngày. Cụ thể, trong 3 ngày đầu cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, trường giảm đến 6.000 nguyện vọng. Tuy nhiên, những ngày sau số lượng nộp vào bắt đầu tăng trở lại với gần 1.000 nguyện vọng/ ngày.
Ông Hà cũng cho rằng, nguyên nhân trường có biến động mạnh trong những ngày đầu là do trước đó đã công bố mức điểm sàn xét tuyển vào trường cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT. “Nhiều ngành của trường có điểm sàn xét tuyển ở mức 17, 18 điểm nên có thể những thí sinh dưới ngưỡng này đã rút ra để chuyển nguyện vọng sang trường khác. Và ngược lại, những trường hợp tăng về sau, có thể đây là những thí sinh dưới điểm sàn xét tuyển ở những trường khác chuyển về”, ông Hà nói.
Tương tự, trường Đại học Tài chính- Marketing TPHCM sau khi kết thúc thời gian để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ online cũng giảm khoảng 1.000 nguyện vọng khi từ 29.000 nguyện vọng xuống còn 28.000.
Các trường top trên vẫn có lợi
8h30 sáng qua, tại trường THPT Việt Đức, Hà Nội, tuy trời mưa nhưng vẫn có thí sinh đến điều chỉnh nguyện vọng. Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng nhà trường cho biết đã có hơn 400 thí sinh đến trường điều chỉnh trong tổng số 631 thí sinh lớp 12 năm nay dự thi THPT quốc gia của trường. Trong số đó, có 84 thí sinh sử dụng phiếu điều chỉnh, còn lại điều chỉnh trực tuyến. Thầy Bình cũng cho hay, trong đợt điều chỉnh này, có thí sinh đăng ký thêm nguyện vọng cùng với nguyện vọng cũ lên đến 35 nguyện vọng. Trước đó, trong đợt đăng ký hồi tháng 4, trường THPT Việt Đức có một thí sinh đăng ký tới 40 nguyện vọng.
Còn tại các trường ĐH, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết mấy ngày qua, trên trang fanpage của trường, rất nhiều thí sinh có nhu cầu tư vấn chọn ngành để đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, tại một trường ĐH ở Hà Nội, ngày hôm qua, rất đông thí sinh đến trường để nhờ tư vấn điều chỉnh nguyện vọng. Trường đã tạo điều kiện bằng cách in phiếu điều chỉnh trực tiếp và mở phòng máy tính để thí sinh có thể điều chỉnh trực tuyến.
Nhận định về “dòng chảy” trong đợt điều chỉnh này, PGS.Bùi Đức Triệu cho rằng sẽ có hai dòng chảy. Một dòng chảy điều chỉnh ra các trường ngoài ngành đối với những thí sinh đăng ký vào trường công an, quân đội. Dòng chảy thứ hai là thí sinh điều chỉnh vào những ngành phù hợp hơn với mức điểm bản thân đạt được. Theo PGS. Bùi Đức Triệu, dòng chảy thứ hai đi theo quy luật số lớn.
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội, với nguyên tắc đăng ký nguyện vọng như năm nay, các trường ĐH top trên vẫn rất dễ tuyển sinh, đồng thời, lấy được những thí sinh có đầu vào tương đối đồng đều và cao. Vì cách xét tuyển này, giống như nước chảy ở ruộng bậc thang. “Hình thức xét tuyển này cũng tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các trường. Các trường ĐH cũng phải dần khẳng định thương hiệu của mình mới tuyển được thí sinh” – thầy Bình cho hay. Một chuyên gia giáo dục cũng nhận định các trường top dưới năm nay vẫn khó tuyển sinh và sẽ không có nhiều cơ hội để tuyển được những thí sinh điểm đầu vào cao. Chính vì thế, các trường cũng đang rất băn khoăn trong việc đưa ra quyết định có nên tuyển bổ sung hay không tuyển bổ sung.
Còn PGS.Bùi Đức Triệu thì khẳng định, năm nay thí sinh trúng tuyển thường sẽ được học đúng ngành mình yêu thích. “Những năm trước, chúng tôi để ý thấy có hiện tượng một số sinh viên nhập học xong thì không hào hứng, thậm chí tiếc nuối. Họ tiếc nuối không phải vì trượt ngành họ yêu thích mà vì họ đã không dám đăng ký vào ngành đó. Nhưng năm nay, tôi nghĩ sẽ không còn tâm lý đó” – PGS. Triệu cho hay.
Theo Tienphong