Nhiều giáo viên, nhà lịch sử tiếp tục “nhặt sạn” những câu hỏi trong đề Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia năm nay và cho rằng việc ra đề năm nay chưa hệ thống, bắt học sinh hiểu lịch sử bằng những sự kiện rời rạc.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hưởng, giảng viên môn Lịch Sử ĐH Sư phạm Hà Nội đã bắt “sạn” trong đề thi môn Lịch sử kỳ thi THPT năm nay.
Tối 26/6, PGS Mạnh Hưởng đặt câu hỏi:” Đối với các câu hỏi dưới đây, chúng ta có suy nghĩ gì về “từ khóa” của câu hỏi/đề dẫn?
Theo PGS Hưởng, cụ thể ở câu hỏi 5 (mã đề 305), câu 23 (mã đề 311), câu 13 (mã đề 319), câu 19 (mã đề 321): Giai cấp, tầng lớp nào giữ vai trò động lực của phong trào cách mạng 1930 – 1931 ở Việt Nam?
Đáp án là: Giai cấp công nhân và nông dân. Vậy “tầng lớp” đâu? Nhiều thí sinh vì căn cứ vào từ khóa của câu hỏi có từ “tầng lớp” nên đã khoanh đáp án Giai cấp công nhân, nông dân và trí thức (vậy là mất 0,25 điểm).
Hay như câu hỏi 5 (mã đề 304), câu 9 (mã đề 306), câu 1 (mã đề 314), câu 1 (mã đề 320): Trong những năm 20 của thế kỉ XX, ở Việt Nam tổ chức nào dưới đây ra đời sớm nhất?
Đáp án là: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nhưng tổ chức này ra đời (6/1925) ở Quảng Châu – Trung Quốc cơ mà.
Cùng chung quan điểm, Thầy Nguyễn Khắc Thái, nguyên giảng viên ĐH Quảng Bình cho rằng, tổ chức ra đời ở Trung Quốc nhưng ra đề hỏi như vậy lại khiến cho học sinh xác định về vị trí địa lý, địa bàn ở Việt Nam qua từ “ở”.
“Như vậy đề hỏi là không chính xác. Cùng thời gian đó ở Việt Nam có nhiều tổ chức khác, còn tổ chức này tổ chức này ra đời ở Trung Quốc. Như vậy, người ta có quyền trả lời bất cứ tổ chức nào chứ không chỉ là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nó gây cho học sinh nhầm lẫn câu trả lời bởi trong sử dụng từ”- Thầy Thái nêu ý kiến.
Đề trắc nghiệm không đủ sức phân loại?
Về việc câu hỏi số 22 ở mã đề 302 môn Lịch sử (tương đương câu hỏi số 14 ở mã đề 316) có sự thay đổi về đáp án, Thầy Nguyễn Khắc Thái, nguyên giảng viên ĐH Quảng Bình cho rằng, đáp án của Bộ GD&ĐT không sai nhưng không phản ánh đúng bản chất nên gây nhầm lẫn cho thí sinh.
“Phương án đề thi nên có một tỉ lệ giữa tự luận và trắc nghiệm. Nếu tỉ lệ giữa trắc nghiệm và tự luận ở mức 70%-30% là đẹp. 30- tự luận sẽ dễ phân hóa được học trò khá rõ và phần này chính là dành cho xét tuyển vào đại học sẽ tốt hơn. Như thế, sẽ hợp lý hơn rất nhiều” –
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An
“Đã là đề thi tốt nghiệp thì phải rõ ràng và khu biệt được kiến thức một cách rõ ràng”- Thầy Thái nêu quan điểm.
“Tôi thấy đề Sử năm nay chưa thật sự toàn diện. Toàn bộ chiến tranh chống Mỹ chỉ có một câu hỏi mà câu hỏi không hỏi trúng vào trọng điểm của cuộc chiến tranh này. Ngoài ra, nhiều câu hỏi không rành mạch, không hỏi vào sự thông minh, tư duy của học sinh”- Thầy Thái nhận định.
Thầy Thái chỉ ra, có 3 nguyên tắc để xây dựng đề Lịch sử cho chuẩn: Thứ nhất, đó là câu hỏi đánh đúng vào trọng tâm của từng lịch sử của giai đoạn. Thứ 2: câu hỏi thì các giai đoạn lịch sử có quan hệ logic với nhau. Cuối cùng không hỏi vào chi tiết cụ thể mà hỏi vào tư duy lí luận, tư duy logic.
“Đề năm nay chỉ đạt được một tỉ lệ ít của những nguyên tắc này”- Thầy Thái cho hay.
Thầy Thái cũng cho rằng, nhiều câu hỏi trong đề năm nay đi vào bắt học sinh nhớ sự kiện và ngày tháng.
“Về nguyên tắc, không bắt buộc người học Sử phải nhớ chính xác sự kiện vì tất cả những cái đó đều tra cứu được tài liệu. Anh phải nhớ được sự kiện, tính chất và vai trò của sự kiện đó chứ không phải là nhớ ngày tháng, sự kiện”- Thầy Thái chỉ ra.
Thầy Thái Nhận định, điểm của môn Sử có thể cao hơn vì đề năm nay tốt hơn một chút so với đề các năm trước.
“Đề năm nay đã có tư duy, logic, lí luận hơn nhưng vẫn để lại nhiều hạn chế, làm học sinh mất điểm đáng tiếc. Rõ ràng với nhiều câu hỏi chưa thực sự chuẩn xác, đánh đố khiến học sinh mất điểm oan uổng”- Thầy Thái cho hay.
Cũng theo thầy Thái, sang năm, đề Lịch sử nên có 2 phần là phần gồm phần trắc nghiệm và phần tự luận. Ở phần tự luận là chọn một vấn đề nổi bật trong lịch sử và cho học sinh bình luận một đoạn ngắn về sự kiện lịch sử đó .
“Đề trắc nghiệm nên chiếm 60-70% và còn lại tự luận. Để phát hiện, lựa chọn các em vào trường đại học thì khả năng tư duy, lí luận thì phải tự luận học sinh mới được thể hiện”- Thầy Thái chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An nêu quan điểm, với một đề thi trắc nghiệm khách quan, dữ liệu được chọn ra phải chính xác, chỉ có một đáp án đúng.
“Nói cách khác, xét về phương diện khoa học, đáp án đúng chỉ có một. Điều quan trọng nhất là công việc làm đề cần sự nghiêm túc, cẩn trọng trong từng chi tiết”- Thạc sỹ Hiếu nhấn mạnh.
Thầy Hiếu cho rằng, đề năm nay bao quát được chương trình và đáp ứng được hai mục tiêu. Ở mức độ 60% dành cho tốt nghiệp và xét đại học với những câu hỏi phân hóa cao ở mức độ khó và tương đối khó.
Tuy nhiên, theo thầy Hiếu, thi trắc nghiệm học sinh khi ra khỏi phòng thi quên hết những gì đã làm. Thi trắc nghiệm nhiều câu hỏi chỉ cần đoán mò ra đáp án, cơ hội để các em bày tỏ quan điểm, tư duy, nhận xét là không có. Trắc nghiệm chỉ là kĩ năng bôi đen.
“Năm tới, theo tôi phương án đề thi nên có một tỉ lệ giữa tự luận và trắc nghiệm. Nếu tỉ lệ giữa trắc nghiệm và tự luận ở mức 70%-30% là đẹp. 30- tự luận sẽ dễ phân hóa được học trò khá rõ và phần này chính là dành cho xét tuyển vào đại học sẽ tốt hơn. Như thế, sẽ hợp lý hơn rất nhiều”- Thầy Hiếu cho hay.
Theo Tienphong