Chuyên gia tuyển sinh cho rằng, không chỉ thí sinh điểm cao trượt nguyện vọng 1 mà toàn bộ thí sinh tham gia xét tuyển đại học năm nay đều bị ảnh hưởng bởi quy định tiêu chí phụ và quy định làm tròn điểm.
Như báo chí đã phản ánh, mùa tuyển sinh năm nay nhiều thí sinh điểm cao, thậm chí có thí sinh đạt 3 điểm tuyệt đối vẫn phải từ bỏ ước mơ vào ngành học mà mình yêu thích bởi nhiều lý do.
2 mặt của tiêu chí phụ và cách làm tròn điểm
Những trường hợp điển hình nhất mà báo chí đã phản ánh là em V.H.H. ở TP.HCM có điểm tổ hợp xét tuyển khối B là 29,35 điểm (do thuộc khu vực 3 nên không có điểm cộng). Theo quy tắc làm tròn, điểm của nam sinh giảm xuống còn 29,25.
Nguyện vọng 1 của H là Y Đa khoa – ĐH Dược TP.HCM. Trường lấy 29,25 điểm là mức tối thiểu và xét tiêu chí 1: Môn Tiếng Anh đạt từ 9 điểm trở lên; tiêu chí 2: Sinh học (với ngành Y) từ 9,75 điểm. Vì môn Tiếng Anh có điểm 8,8, nam sinh này trượt nguyện vọng 1.
Còn tại Hà Nội thí sinh, N.P.H cũng trượt NV1 vào ngành Y Đa khoa – ĐH Y Hà Nội. Tổng điểm của H. là 29,15 (làm tròn thành 29,25). Do thuộc khu vực 3, em không có điểm cộng ưu tiên.
Điểm chuẩn vào trường là 29,25 nhưng khi xét tiêu chí phụ, H. trượt tiêu chí số một: Điểm xét tuyển chưa làm tròn. Vấn đề thí sinh bức xúc là tiêu chí phụ số một: Ưu tiên điểm xét tuyển chưa làm tròn có công thức tính: Tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh (không nhân hệ số, làm tròn) Điểm ưu tiên Điểm khuyến khích.
Tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một thí sinh thi vào ngành Tự động hóa, có điểm thi là 27,30, trong khi đó điểm chuẩn ngành chỉ có 27,25 nhưng em vẫn trượt nguyện vọng 1. Bởi khi làm tròn điểm thi theo nguyên tắc 0,25 điểm thì thí sinh này bị xuống điểm còn 27,25 đến khi xét tiêu chí phụ môn toán nhân đôi thì lại trượt. Còn những thí sinh điểm thấp hơn được hưởng tiêu chí phụ lại đỗ nguyện vọng 1.
Trao đổi với PV Dân trí, cán bộ tuyển sinh của một trường đại học nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội (xin dấu tên) cho rằng, cách tính điểm hoàn toàn là định tính, không có thước đo. Một số trường thấy môn học này quan trọng đầu vào thì quy định là môn chính.
Ví dụ, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đưa môn Toán là môn thi chính và đưa môn đó nhân đôi hệ số hay như Khoa Hóa học trường ĐH Khoa học Tự nhiên thì trường sẽ lấy môn Hóa là môn chính nhân hệ số 2 để đảm bảo yêu cầu đầu ra đối với cử nhân Hóa… Chính việc nhân đôi hệ số này đã phá vỡ kiến trúc về cơ cấu tính điểm.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, cách tính điểm và việc làm tròn điểm thi không chỉ tác động đến thí sinh đạt điểm cao mà đến toàn bộ các thí sinh tham dự xét tuyển.
Làm tròn điểm không phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm
Một cán bộ tuyển sinh ở trường đại học khối công nghệ (xin dấu tên) cho hay việc làm tròn điểm thi đến 0,25 được Bộ quy định từ năm 2015.
Tuy nhiên, tại sao năm nay lại xảy ra tình trạng gây bức xúc này, vị cán bộ tuyển sinh phân tích, do việc làm tròn điểm thi này không phù hợp với cách thi năm nay vì các năm trước đây, số môn thi thực hiện theo trắc nghiệm chiếm tỷ trọng chưa nhiều hoặc chưa chiếm tới 100% trong mỗi tổ hợp xét tuyển như năm nay (năm nay chỉ còn duy nhất Ngữ văn thi tự luận).
Đối với bài thi tự luận chấm theo thang điểm nhỏ nhất là 0,25 điểm. Như vậy thì tỷ lệ kết quả phải làm tròn tới 0,25 là ít hơn. Chính vì vậy, xác suất có tình huống xảy ra như trường hợp trên sẽ nhỏ hơn.
Một lý do nữa đó là năm nay thực hiện theo bài thi tổ hợp của các môn thi (trong bài thi có môn thi và môn thi có thể tách điểm riêng từng môn thi); do tính chất như vậy nên yêu cầu cấu trúc, ma trận đề và điểm cho bài thi, môn thi sẽ khác các năm trước và dẫn đến hình huống điểm thi của các môn thi sẽ rất lẻ.
Mặt khác, trong kỳ thi năm nay phần lớn các thí sinh vẫn sử dụng tổ hợp môn thi để xét tuyển là chính (chưa nhiều trường sử dụng tổ hợp bài thi) nên dẫn đến số lượng thí sinh có kết quả thi theo tổ hợp có kết quả lẻ rất nhiều, và lẻ rất nhỏ nên có thể dẫn đến hình huống thí sinh gặp ở trên.
Vị cán bộ tuyển sinh này cho rằng, nguyên nhân do Bộ GD&ĐT định hướng chính sách chưa đạt, chưa dự báo hoặc lường trước được một cách đầy đủ và hệ thống phù hợp với việc thay đổi cách thi như năm nay. Bên cạnh đó, đề thi không phân loại được thí sinh. Điểm thi quá cao nên dẫn đến tình trạng thí sinh điểm cao vẫn trượt nguyện vọng 1.
“Nếu đã dự báo được thì lập tức phải ra quyết định điều chỉnh cho phù hợp nhằm giải quyết các tình huống xuống chứ không phải “đẩy sân” về cho các trường” – vị cán bộ này nhấn mạnh.
Nên để nguyên trạng điểm thi của thí sinh
Một cán bộ tuyển sinh khối trường kinh tế cho rằng, việc quy đổi điểm là bất hợp lý, Bộ GD&ĐT nên để cho các trường đại học công bố nguyên trạng điểm thi của thí sinh vì bản chất vẫn xét điểm 3 môn cộng lại và làm tròn.
Bên cạnh đó, hiện nay việc tính điểm và xác định tiêu chí phụ giữa các trường đại học không đồng nhất, mỗi trường một kiểu.
Ví dụ cách tính điểm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội:
Trường ĐH Y Hà Nội thì quy định: Thí sinh có điểm xét tuyển làm tròn bằng điểm chuẩn thì phải đạt tiêu chí phụ theo thứ tự ưu tiên 1 đến ưu tiên 4. Ưu tiên 1: ĐIểm xét tuyển chưa làm tròn; Ưu tiên 2: Điểm toán; Ưu tiên 3: Điểm Sinh; Ưu tiên 4: Thứ tự nguyện vọng (TTNV)
Điểm xét tuyển chưa làm tròn = Tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh (không nhân hệ số, không làm tròn) ĐIểm ưu tiên Điểm khuyến khích (nếu có).
Thậm chí trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, khi công bố điểm chuẩn thì một số ngành của trường như Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Hóa học có điểm chuẩn là 12,75 (quy chuẩn).
Theo cách tính điểm của trường là dựa trên phần mềm xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT thì đối với trường Đại học Sư phạm Huế, có nhiều ngành Sư phạm được nhân đôi hệ số như Ngữ văn, Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin và Lịch sử. Trong đó, các ngành như Tin, Lý, Sinh, Hoá, Vật lý TT và Lịch sử lấy điểm chuẩn là 12,75 được tính theo công thức = (Môn chính x 2 điểm 2 môn phụ)/4*3.
Theo cách tính điểm này thì lợi thế cho các thí sinh có môn nhân hệ số điểm cao sẽ được ưu tiên xét trước và tránh trường hợp ngang bằng điểm sàn nhưng môn nhân hệ số có điểm thấp.
Vị cán bộ tuyển sinh khối trường kinh tế cho rằng, chính vì Bộ không lường trước được điểm thi của thí sinh cao nên sau khi có điểm đã cho phép các trường tăng tiêu chí phụ. Do đó, các trường tự đưa ra tiêu chí phụ theo ý mình.
Vị cán bộ tuyển sinh này kiến nghị: “Để đảm bảo công bằng quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh lại phương thức quy đổi điểm là để nguyên điểm lẻ cho thí sinh, không quy tròn. Đã là luật chơi chung thì không nên phát sinh thêm tiêu chí phụ sau khi đã công bố đề án tuyển sinh, như vậy là phi lý. Việc bổ sung tiêu chí phụ đã ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh là không đảm bảo yếu tố công bằng trong xét tuyển, công bằng trong thi cử, công bằng trong cộng điểm. Chọn người tài phải tính đến yếu tố này”.
“Luật chơi trong tuyển sinh phải đảm bảo các yếu tố: công bằng, không khai, đảm bảo quyền lợi cho người học. Đây là những mấu chốt trong tuyển sinh” – vị cán bộ này nhấn mạnh.
Vị cán bộ tuyển sinh khối trường kỹ thuật cho hay, có thể sang năm vẫn còn hình thức thi này và Bộ GD&ĐT sẽ không bỏ môn thi chính. Tuy nhiên, liên quan đến việc tự chủ, Bộ không làm thay các trường về khảo thí, thi tuyển, mà Bộ chỉ nên làm ở tầm quốc gia, để cho các trường đại học tự chọn và tự ra phương án tuyển sinh.
Theo Dantri